Phát biểu tại cuộc họp báo chung ngày 30/5 với Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Pháp Francois Hollande nói: "Cùng với việc bầu ra một vị chủ tịch chuyên trách, chúng tôi nhất trí sẽ tổ chức thêm các hội nghị cấp cao định kỳ trong khuôn khổ Eurozone để điều phối các chính sách kinh tế của khối".
Theo ông Hollande, chức chủ tịch mới theo đề xuất này có thể do các bộ trưởng Eurozone ủy quyền để hỗ trợ cho hoạt động tạo việc làm, nghiên cứu và công nghiệp. Hai nhà lãnh đạo Đức, Pháp cũng cam kết sẽ thúc đẩy việc giải ngân 6 tỷ euro quỹ của Liên minh châu Âu (EU) nhằm tạo việc làm cho thanh niên trong giai đoạn 2014-2020.
Tổng thống Pháp Francois Hollande. (Nguồn: Reuters)
Trong khi đó, đề cập tình hình kinh tế chung, ông Hollande khẳng định sẽ tiếp tục theo đuổi mục tiêu cắt giảm tỷ lệ thất nghiệp tại Pháp vào cuối năm nay và bất chấp các khó khăn cộng với suy thoái kinh tế đã diễn ra trong sáu tháng qua, mục tiêu của Chính phủ Pháp vẫn là "đảo ngược xu hướng thất nghiệp gia tăng và tiếp tục thu hẹp tình trạng không có việc làm vào năm 2014."
Ông Hollande chỉ ra rằng thiếu tính cạnh tranh và cơ hội thấp là những khó khăn hiện nay tại Pháp, song ông khẳng định vẫn giữ đúng cam kết tạo việc làm, một trong 5 lời hứa ông đưa ra trong chiến dịch vận động tranh cử năm ngoái.
Theo số liệu thống kê mới nhất của Bộ Lao động Pháp, chỉ tính riêng trong tháng 4/2013, số người đăng ký tìm việc làm tại Pháp đã tăng thêm 39.800, nâng tổng số người tìm việc làm tại nước này lên hơn 3,26 triệu người. Với số người thất nghiệp tăng không ngừng, tháng 4 được đánh dấu là tháng 24 liên tục tỉ lệ thất nghiệp tại Pháp tăng.
Theo dự báo của Ủy ban châu Âu (EC), Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), Quỹ phúc lợi việc làm riêng của Pháp, tỷ lệ thất nghiệp tại nền kinh tế lớn thứ hai trong Eurozone này có thể sẽ lên đến mức kỷ lục mới 10,7% cuối năm nay và 11,1% vào năm sau.
Các nhà phân tích cho rằng giải quyết tỷ lệ thất nghiệp cao sẽ là thách thức lớn đối với chính quyền của ông Hollande trong bối cảnh kinh tế hết sức khó khăn, đặc biệt Paris còn phải đối mặt với sức ép đưa thâm hụt ngân sách về bằng 3% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) theo quy định của EU, điều mà họ không thể thực hiện được trong một vài năm tới./.