Nông sản rộng đường xuất khẩu
EU là thị trường nhập khẩu các mặt hàng nông sản lớn thứ 2 thế giới. Tuy nhiên, thị phần của Việt Nam chỉ chiếm khoảng 2% trong tổng nhập khẩu của khối các quốc gia khu vực này. Đây là con số khá khiêm tốn, nhất là khi Việt Nam là quốc gia xuất khẩu nông sản đứng thứ 15 thế giới, thứ 2 tại Đông Nam Á và có rất nhiều nông sản xuất khẩu tỷ USD.
Khi EVFTA có hiệu lực, với việc xoá bỏ ngay 85,6% số dòng thuế (cho hàng hóa nói chung nhập từ Việt Nam), cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu nông sản vào EU của Việt Nam sẽ rất lớn. Thực tế, kể cả khi phải chịu thuế nhập khẩu, nông sản Việt Nam đã thâm nhập rất mạnh vào EU. Nay với việc EVFTA chính thức có hiệu lực, cơ hội này được nhận định sẽ càng lớn hơn.
Gạo sẽ là một trong những mặt hàng được hưởng lợi lớn nhất từ EVFTA. Thực tế, dù là nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, nhưng tổng giá trị xuất khẩu gạo vào EU của cả năm 2019 lại khá khiêm tốn với khoảng 10,7 triệu USD. Nguyên nhân là bởi thuế suất EU đang áp lên mặt hàng gạo là khá cao. Cụ thể, thuế tuyệt đối với gạo xay sát là 175 EUR/tấn, với gạo tấm là 65 EUR/tấn , còn với lúa, con số này lên tới 211 EUR/tấn.
Với việc EVFTA có hiệu lực, EU cam kết dành cho Việt Nam hạn ngạch 80.000 tấn gạo (thuế 0%) đối với gạo xay sát và gạo thơm. Đồng thời, xoá bỏ thuế đối với gạo tấm trong 5 năm. Đây là cơ hội lớn đối với xuất khẩu gạo vào EU - thị trường tiêu thụ tới 2,5 triệu tấn gạo mỗi năm.
Hay như đối với thuỷ sản, sau khi EVFTA có hiệu lực, 50% số dòng thuế sẽ được cắt bỏ ngay, 50% số dòng thuế còn lại được xoá bỏ sau 3 - 7 năm. Đây là ưu đãi rất lớn nếu biết rằng hiện nay, các mặt hàng thuỷ sản của Việt Nam xuất sang EU đang phải chịu thuế suất từ 6 – 22%, và 11,3% tổng giá trị xuất khẩu thuỷ sản của nước ta là sang khu vực EU.
Bên cạnh hai mặt hàng xuất khẩu chủ lực nêu trên, nhiều loại nông sản tỷ USD, có thế mạnh và lợi thế cạnh tranh khác của Việt Nam như: Cà phê, hạt điều, hồ tiêu, rau quả hay sản phẩm từ gỗ… cũng sẽ có cơ hội tiếp cận dễ dàng hơn về mặt chi phí để thâm nhập sâu rộng vào thị trường EU.
Làm gì để tận dụng cơ hội?
Việc giảm đáng kể các khoản thuế, theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, sẽ là cơ hội vàng cho xuất khẩu nông sản. Nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc nông sản Việt Nam sẽ dễ dàng tiếp cận với thị trường EU. Sở dĩ vậy là bởi EU hiện vẫn là thị trường có hàng rào kỹ thuật rất cao; đặc biệt là về kiểm dịch động vật, thực vật, chống khai thác bất hợp pháp, vấn đề chất lượng, an toàn thực phẩm…
Theo đó, để tận dụng tối đa những lợi ích từ EVFTA, đại diện Bộ Công Thương cho rằng, cần tập trung nâng cao chất lượng cho nông sản xuất khẩu. Chú trọng mở rộng sản xuất trong các lĩnh vực mà hàng Việt Nam có sức cạnh tranh, nhưng thị phần ở thị trường đối tác EVFTA còn nhỏ.
Cùng chung quan điểm với Bộ trưởng Trần Tuấn Anh về thách thức mà ngành nông nghiệp phải đối mặt khi VFTA có hiệu lực, tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cũng nhìn nhận rất nhiều yếu tố tích cực, mà ở đó, nếu có thể tận dụng được, các doanh nghiệp sẽ có cơ hội rất lớn.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, việc thực hiện cam kết với EU sẽ tạo áp lực và cơ hội để Việt Nam tiến tới cải thiện năng lực quản trị, môi trường kinh doanh, cũng như các điều kiện về thương mại và hậu cần… Điều này sẽ giúp mở ra những cơ hội đầu tư, nhất là trong những lĩnh vực mà Việt Nam còn yếu kém như: Bảo quản, chế biến nông sản, thực phẩm, hay nông nghiệp công nghệ cao…
Tư lệnh ngành NN&PTNT cũng cho rằng, EVFTA sẽ tạo nền tảng quan trọng cho phát triển bền vững ngành nông nghiệp trong quá trình hội nhập ngày một sâu rộng với thế giới. Và để nắm bắt được thời cơ từ EVFTA, thời gian tới, ngành nông nghiệp sẽ cần tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu; nâng cao năng lực cạnh tranh cho nông sản thông qua cải thiện chất lượng, truy xuất nguồn gốc, cũng như nâng cấp bao bì, nhãn mác…
Cùng với đó, Bộ NN&PTNT và các bộ ngành cần đẩy mạnh đàm phán kỹ thuật; tập trung tuyên truyền, phổ biến và hướng dẫn người sản xuất không chỉ về các tiêu chuẩn của EU, mà còn phương thức sản xuất phù hợp để đáp ứng được những tiêu chuẩn khắt khe đó.
Về phía các doanh nghiệp, nhiều ý kiến chuyên gia, nhà quản lý cho rằng, các đơn vị cần chủ động hợp tác, liên kết để tạo chuỗi cung ứng sản xuất, tiêu thụ nhằm tạo ra những nông sản, thực phẩm có chất lượng, bảo đảm tiêu chuẩn EU và đủ sức cạnh tranh. Đặc biệt, trong quá trình hội nhập, các doanh nghiệp cũng cần chuẩn bị các biện pháp để chủ động đối phó với các vụ kiện về phòng vệ thương mại thông qua theo dõi tình hình thị trường, giá cả, các điều kiện giao thương…