EVFTA cơ hội để Hà Nội tăng thu hút đầu tư

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hiệp định thương mại Việt Nam - EU tạo cơ hội cho Việt Nam và Hà Nội thu hút vốn đầu tư nước ngoài, tuy nhiên, các DN Việt Nam cũng sẽ gặp phải không ít sự cạnh tranh từ hàng hóa và dịch vụ của EU…

Lắp ráp hàng điện tử tại Công ty Panasonic Việt Nam.  	Ảnh:  Anh Đức
Lắp ráp hàng điện tử tại Công ty Panasonic Việt Nam. Ảnh: Anh Đức
Đó là ý kiến của các đại biểu tại hội thảo “Các hiệp định thương mại tự do FTA và các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới” do Trung tâm xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch Hà Nội tổ chức (ngày 12/8).

Thông tin của Sở KH&ĐT Hà Nội cho thấy, trong thời gian qua,  Hà Nội đã tập trung thực hiện các biện pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh và tháo gỡ khó khăn cho DN, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh. Nhờ vậy, các chỉ số cạnh tranh đều được cải thiện rõ nét như chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Hà Nội đã tăng 18 bậc, đứng thứ 33/63; Chỉ số cải cách hành chính tăng 2 bậc, đứng thứ 5/63; Chỉ số ứng dụng công nghệ thông tin xếp thứ 2; Chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin xếp thứ 3/63 tỉnh thành…

Việc Hà Nội đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư đã có tác dụng đưa Hà Nội là một trong những tỉnh, thành dẫn đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Cụ thể năm 2013 – 2014, vốn đầu tư nước ngoài vào Hà Nội luôn dao động từ 2,3 - 1,4 tỷ USD/năm. Theo ông Nguyễn Gia Phương - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch Hà Nội: Vừa qua, Việt Nam đã kết thúc đàm phán Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) bên cạnh việc giúp các DN Việt Nam tăng cường xuất khẩu còn tạo cơ hội cho Hà Nội thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Đặc biệt, EVFTA còn tạo ra áp lực cải cách. Cụ thể như yêu cầu bình đẳng giữa các DN quốc doanh với  DN tư nhân sẽ tạo áp lực cho các DN quốc doanh tự chuyển đổi để không mãi trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước.

Tại hội thảo, ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và đại biểu các DN có chung ý kiến: EU là một thị trường khó tính, có yêu cầu rất cao đối với chất lượng sản phẩm. Bên cạnh đó, theo quy định, hàng hóa muốn được hưởng ưu đãi thuế quan theo FTA thì nguyên liệu phải đáp ứng được một tỷ lệ về hàm lượng nội khối nhất định (tức phải có bao nhiêu phần trăm nguyên liệu là phải được sản xuất tại EU hoặc Việt Nam)… Đây là những thách thức lớn đối với DN Việt Nam. Không chỉ có vậy, trên thị trường nội địa, các DN sẽ phải đối mặt với sức ép cạnh tranh hàng hóa dịch vụ của EU.

Tuy phải đối mặt không ít thách thức nhưng đây cũng là cơ hội để các DN của Việt Nam cải thiện năng lực cạnh tranh, công nghệ, kỹ năng quản lý, đặc biệt các cơ quan quản lý phải đẩy mạnh cải cách chính sách, pháp luật, thiết chế thị trường, qua đó thu hút đầu tư EU vào Hà Nội.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần