EVFTA - động lực mới với nền kinh tế Việt Nam

GS - TS Nguyễn Hữu Lân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 12/2, Nghị viện châu Âu (EP) đã bỏ phiếu thông qua Hiệp định thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định bảo hộ đầu tư (EVIPA) giữa Liên minh châu Âu (EU) và Việt Nam.

Đây là dấu mốc quan trọng để những hiệp định này sớm được triển khai trong thời gian tới và được nhận định là một cái neo vững chắc để thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa Việt Nam với các nước thành viên thuộc EU.
Thêm cánh cửa lớn cho giao thương quốc tế
Không chỉ với Việt Nam mà hầu hết các quốc gia trên thế giới đều mong muốn thắt chặt mối quan hệ làm ăn với Liên minh châu Âu (EU). “Lục địa già” đến nay vẫn được xem là nơi tập trung giao thương quốc tế lớn. Bên cạnh đó, rất nhiều quốc gia muốn có dòng vốn, công nghệ, nhân sự, mô hình quản lý phát triển của châu Âu. Trong xu thế thương mại mở rộng như hiện nay bất kỳ quốc gia nào cũng muốn tiến vào thị trường EU để vừa là nơi ổn định vừa là “lá tem” kiểm định chất lượng vô cùng chắc chắn.
Với EVFTA, Việt Nam thực sự có thêm một động lực mới để thúc đẩy quá trình phát triển trên cả hai khía cạnh là không gian thị trường, tiếp cận các nguồn lực về công nghệ, về vốn cho sự phát triển. Đây cũng sẽ là động lực thúc đẩy cải cách thể chế ở trong nước.
 May hàng xuất khẩu tại Công ty May 10. Ảnh: Công Hùng
Đây là cơ hội rất tốt để Việt Nam tiếp cận thị trường trên 500 triệu người có thu nhập cao, là một trong những trung tâm kinh tế của thế giới. Hiện nay, EU đang chiếm tới hơn 20% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam và là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam ngoài châu Á.
Châu Âu và Việt Nam là 2 nền kinh tế có tính bổ sung, tương hỗ rất lớn và không cạnh tranh trực tiếp. Do đó, cơ hội khi mở ra rất lớn sau khi hai bên đã hoàn tất nền tảng là hiệp định thương mại tự do.
Tính bổ sung trong thương mại hàng hóa giữa Việt Nam – EU đang tạo khí thế giao thương mạnh mẽ cho DN hai bên, khi EVFTA được thực thi. Ngoài ra, khi nền kinh tế Việt Nam đang tăng trưởng mạnh, thì thị trường tiêu dùng với gần 95 triệu dân thực sự là điểm đến lý tưởng của hàng tiêu dùng châu Âu, nhất là nông sản, thực phẩm, sản phẩm thịt, sữa và dược phẩm.
Đón dòng vốn đầu tư lớn cho phát triển
Chúng ta đều biết rằng, EU là nơi tập trung các nền kinh tế hàng đầu trên thế giới. Ở đó có các tập đoàn toàn cầu, các công ty đa quốc gia thống lĩnh nền kinh tế thế giới, nên khi khai thông được Hiệp định này, Việt Nam có thể tăng cường được quan hệ hợp tác về thương mại và đầu tư giữa các DN Việt Nam với các tập đoàn lớn và gia nhập được vào chuỗi giá trị toàn cầu hàng đầu của thế giới.
Việt Nam cũng sẽ có điều kiện để đẩy mạnh xuất khẩu, có điều kiện để thu hút các dòng đầu tư có chất lượng cao hơn vào Việt Nam và thân thiện với môi trường hơn, có giá trị gia tăng lớn hơn và phù hợp với yêu cầu phát triển mới của nền kinh tế.
Tuy nhiên, mọi sự phát triển đều chỉ có thể tốt khi được đặt trước một áp lực lớn. Áp lực lớn sẽ tạo ra động lực lớn và sẽ thúc đẩy bước phát triển nhảy vọt của nền kinh tế Việt Nam. Chính áp lực đó sẽ tạo động lực mang lại bước phát triển bứt phá cho nền kinh tế Việt Nam.
Nếu không đặt trước những áp lực lớn thì sẽ khó có sự bứt phá.
Thực tế, các DN châu Âu cũng đang có nhu cầu đầu tư vào thị trường Việt Nam để sản xuất các mặt hàng xuất khẩu trở lại châu Âu hoặc xuất khẩu ra thế giới. Vì vậy, Việt Nam có điều kiện đón nhận các dòng vốn đầu tư từ châu Âu. Đây cũng là dòng vốn đầu tư chất lượng mà chúng ta đang chờ đón.
Ở chiều ngược lại, khi làm việc với các đối tác được đánh giá cao về chất lượng, chuyên nghiệp hơn, quốc tế hơn cũng là điều kiện để DN Việt Nam trưởng thành, nâng cao trình độ quản trị, làm ăn theo chuẩn mực quốc tế. Đó là những tác động không thể cân đong đo đếm được đối với sự trưởng thành của các DN Việt Nam.
Theo một số liệu khảo sát mới nhất mà Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện mới đây, gần 80% số DN tham gia khảo sát cho rằng, EVFTA sẽ tác động “mạnh mẽ” hoặc “nhẹ” đến hoạt động kinh doanh trung hạn hoặc dài hạn. Đa số tin rằng, EVFTA sẽ giúp Việt Nam tăng tính cạnh tranh, trong đó có 72% cho rằng, Hiệp định sẽ giúp Việt Nam trở thành cánh cổng giao thương cho các DN châu Âu trong khu vực Đông Nam Á.
Trong khi đó, các DN châu Âu chỉ ra bức tranh tích cực, lạc quan với 85% dự đoán, EVFTA có tác động đáng kể hoặc vừa phải đến kế hoạch kinh doanh và đầu tư của họ trong dài hạn tại Việt Nam. “Dự tính, EVFTA sẽ khiến nhập khẩu của Việt Nam từ EU tăng 35 - 40%”- đại diện Phái đoàn EU tại Việt Nam nhận định và cho biết, việc EVFTA có hiệu lực nhiều công ty châu Âu sẵn sàng đầu tư vào nông nghiệp, dược phẩm, thực phẩm của Việt Nam.
Chủ tịch Tiểu ban Dược phẩm EuroCharm, ông Bradley Silcox, cho biết, các DN châu Âu đặc biệt quan tâm tới ngành công nghiệp dược phẩm Việt Nam. Khi EVFTA có hiệu lực, sẽ tạo điều kiện cho các DN châu Âu đầu tư trực tiếp vào Việt Nam, thay vì chỉ đặt văn phòng đại diện như trước đây.
Theo khảo sát của EuroCham, 82% DN châu Âu tại Việt Nam cho rằng đây là thời điểm lý tưởng để đầu tư và kinh doanh tại Việt Nam, với triển vọng mang tên EVFTA.
Tiếp theo là sự nỗ lực từ chính doanh nghiệp
Sau khi được Nghị viện châu Âu thông qua, dự kiến, Hiệp định thương mại tự do EVFTA và EVIPA sẽ có hiệu lực ngay trong tháng 7/2020. Đây là minh chứng rõ ràng về một giai đoạn ngoại giao rất thành công của Đảng, Nhà nước và Chính phủ, các bộ, ngành. Bởi vì, EVFTA có phạm vi cam kết rộng và mức độ cam kết cao nhất, với 99,2% số dòng thuế sẽ được EU xóa bỏ đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.
EU cam kết xóa bỏ thuế quan ngay khi EVFTA có hiệu lực đối với hàng hóa của Việt Nam thuộc 85,6% số dòng thuế trong biểu thuế, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào EU. Đây là cơ hội rất tốt để DN Việt Nam cắt giảm chi phí, hạ giá thành nhằm tăng tính cạnh tranh. Chủ động thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa sang các nước thuộc nhóm EU.
Tuy nhiên, muốn hưởng được mức thuế ưu đãi hàng hóa từ Việt Nam phải vượt qua nhiều tiêu chuẩn rất cao. Hàng hóa sẽ được coi là có xuất xứ tại một bên (Việt Nam hoặc EU) nếu đáp ứng được một trong các yêu cầu sau: Có xuất xứ thuần túy hoặc được sản xuất toàn bộ tại lãnh thổ của bên xuất khẩu; không có xuất xứ thuần túy hoặc không được sản xuất toàn bộ tại lãnh thổ của bên xuất khẩu, nhưng đáp ứng được các yêu cầu như hàm lượng giá trị nội địa không dưới 40%. Đây là một thử thách rất khó, trong bối cảnh Việt Nam đang là nền kinh tế gia công. Đơn cử như ngành dệt may phụ thuộc 50% nguyên phụ liệu nhập khẩu, ngành chăn nuôi phải nhập khẩu con giống, thức ăn, thuốc men từ nhiều nước…
Về sở hữu trí tuệ, thống kê cho thấy, phần lớn DN Việt Nam còn khá thờ ơ với vấn đề sở hữu trí tuệ. Tình trạng đánh cắp bản quyền, nhãn hiệu, logo khá phổ biến, trong khi đây là yêu cầu đặt ra hàng đầu của EU đối với bất kỳ hàng hóa tham gia vào thị trường này. Các quy chuẩn sử dụng lao động cũng là một yếu điểm ở Việt Nam, chưa có thói quen lao động đúng giờ, môi trường làm việc, chế độ nghỉ ngơi, quyền lợi “mềm” của người lao động chưa được chú ý…
Nếu có một chút so sánh thì Hiệp định EVFTA còn khó thực hiện hơn cả Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Thành bại của mối quan hệ thương mại Việt Nam - EU hoàn toàn phụ thuộc vào năng lực và thái độ của DN Việt Nam.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần