Với cam kết mở cửa thị trường mạnh mẽ, Hiệp định EVFTA và EVIPA không chỉ thúc đẩy quan hệ thương mại Việt Nam - EU mà còn tạo cơ hội cho Việt Nam mở rộng xuất khẩu, thâm nhập sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Cú hích lớn cho xuất khẩu
EVFTA và EVIPA mở ra cơ hội lớn cho DN Việt Nam thâm nhập thị trường EU đầy tiềm năng với 508 triệu dân và quy mô khoảng 18.000 tỷ USD, hiện là thị trường xuất khẩu và xuất siêu lớn thứ hai của Việt Nam.
May hàng xuất khẩu tại Công ty CP sản xuất hàng thể thao (MXP) Ảnh: Thanh Hải |
Theo đánh giá của Bộ Công Thương, Hiệp định EVFTA sẽ giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng thêm khoảng 20% vào năm 2020; 42,7% vào năm 2025 và 44,37% vào năm 2030 so với không có Hiệp định. Đồng thời, kim ngạch nhập khẩu từ EU cũng tăng nhưng với tốc độ thấp hơn xuất khẩu, cụ thể là khoảng 15,28% vào năm 2020; 33,06% vào năm 2025 và 36,7% vào năm 2030.
Về mặt vĩ mô, EVFTA góp phần làm GDP của Việt Nam tăng thêm ở mức bình quân 2,18 - 3,25% (năm 2019-2023); 4,57 - 5,30% (năm 2024-2028) và 7,07-7,72% (năm 2029 - 2033).
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh khẳng định, EVFTA chính thức thực thi là cú hích lớn cho xuất khẩu của Việt Nam, giúp đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu, đặc biệt là các mặt hàng nông, thủy sản cũng như những mặt hàng Việt Nam vốn có nhiều lợi thế cạnh tranh.
Từ ngày hôm nay (1/8) ngay khi Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với khoảng 85,6% số dòng thuế, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU. Sau 7 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,2% số dòng thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Đối với khoảng 0,3% kim ngạch xuất khẩu còn lại, EU cam kết dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan với thuế nhập khẩu trong hạn ngạch là 0%.
Về chỉ dẫn địa lý, EU sẽ bảo hộ 39 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam. Các chỉ dẫn địa lý của Việt Nam đều liên quan tới nông sản, thực phẩm, tạo điều kiện cho một số chủng loại nông sản của Việt Nam xây dựng và khẳng định thương hiệu của mình tại thị trường EU.
Sản xuất xe hơi tại nhà máy ô tô Vinfast Ảnh: Phạm Hùng |
Mở rộng thu hút FDI từ EU
Theo nghiên cứu của Bộ KH&ĐT, cắt giảm thuế quan theo EVFTA sẽ có tác động 2 chiều đến nguồn thu ngân sách nhà nước (NSNN). Một là giảm thu NSNN do giảm thuế nhập khẩu và thuế xuất khẩu. Hai là tăng thu do có thu thêm từ thu nội địa dưới tác động tích cực của thương mại, đầu tư và tăng trưởng kinh tế.
Dự kiến tổng mức giảm thu NSNN từ giảm thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu theo lộ trình của hiệp định là 2.537,3 tỷ đồng. Mặt khác, thu NSNN tăng lên do thu nội địa từ tác động tăng trưởng của EVFTA là 7.000 tỷ đồng trong giai đoạn 2020 - 2030. Trong năm đầu tiên, thu ngân sách có thể tăng thêm 150 tỷ đồng.
Hiệp định EVFTA được dự báo sẽ giúp tăng thêm việc làm khoảng 146.000/năm, tập trung vào những ngành thâm dụng lao động và có tốc độ xuất khẩu cao sang thị trường EU. Trong đó, dệt may tăng 71.300 (năm 2025) và 72.600 (năm 2030), mức tăng tương ứng so với năm 2018 là 2,3% và 2,4%; ngành da giày có tốc độ tăng việc làm là 3,1%, 4,3%, 3,8% vào các năm 2020, 2025 và 2030.
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, đối với tác động của Hiệp định tới đầu tư trực tiếp nước ngoài, mặc dù chưa tính toán được con số chính xác, tuy nhiên kỳ vọng về đổi mới thể chế, cải thiện môi trường đầu tư do thực hiện Hiệp định sẽ tạo ra sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài.
Cụ thể, các cam kết về thuận lợi hóa đầu tư cùng với tốc độ tự do hóa các ngành dịch vụ của Việt Nam dành cho các nhà cung cấp dịch vụ của EU tăng lên, đặc biệt là dịch vụ kinh doanh, dịch vụ môi trường, dịch vụ bưu chính, ngân hàng bảo hiểm, vận tải biển. Điều này sẽ thúc đẩy dòng vốn FDI từ EU vào Việt Nam tăng trong thời gian tới.
Đi cùng với đó, cơ cấu lĩnh vực đầu tư cũng có thể có thay đổi khi Việt Nam thu hút được các đối tác mới và lĩnh vực thu hút đầu tư mở rộng. Với EVFTA, cơ cấu dòng vốn FDI vào những lĩnh vực đầu tư còn dư địa lớn tại Việt Nam và EU cũng có thể mạnh như năng lượng sạch, năng lượng tái tạo.
Dự kiến EVFTA và EVIPA sẽ mang lại nguồn phúc lợi tương ứng 3,2 tỷ USD cho Việt Nam trong năm 2020 |
Nâng nội lực để vượt thách thức
Theo phân tích của các chuyên gia, muốn hưởng được mức thuế ưu đãi hàng hóa từ Việt Nam phải vượt qua nhiều tiêu chuẩn rất cao. Đây là một thử thách rất khó, trong bối cảnh Việt Nam đang là nền kinh tế gia công. Đơn cử như ngành dệt may phụ thuộc 50% nguyên phụ liệu nhập khẩu, ngành chăn nuôi phải nhập khẩu con giống, thức ăn, thuốc men từ nhiều nước…
Về sở hữu trí tuệ, thống kê cho thấy, phần lớn DN Việt Nam còn khá thờ ơ với vấn đề sở hữu trí tuệ. Tình trạng đánh cắp bản quyền, nhãn hiệu, logo khá phổ biến, trong khi đây là yêu cầu đặt ra hàng đầu của EU đối với bất kỳ hàng hóa tham gia vào thị trường này. Các quy chuẩn sử dụng lao động cũng là một yếu điểm ở Việt Nam, chưa có thói quen lao động đúng giờ, môi trường làm việc, chế độ nghỉ ngơi, quyền lợi “mềm” của người lao động chưa được chú ý…
Nhiều chuyên gia nhận định, trong bối cảnh EVFTA thực thi, DN không chủ động thích ứng sẽ không thể tồn tại. Do đó, mỗi DN phải tự thân vận động, nâng cao trình độ quản trị theo tiêu chuẩn quốc tế, hướng tới sản xuất minh bạch, đổi mới công nghệ để đảm bảo chất lượng sản phẩm đồng đều, ổn định. Đồng thời, nâng cao trình độ, nhận thức của người lao động trong hợp tác kinh tế quốc tế.
Theo Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc, điều đáng lo ngại là năng lực của DN Việt vẫn còn nhiều hạn chế, điều kiện tiếp cận các phương thức hỗ trợ về tài chính, về công nghệ so với DN nước ngoài cũng khó khăn hơn. Chính vì vậy, cộng đồng DN mong muốn các cơ quan quản lý Nhà nước tiếp tục hoàn thiện thêm về môi trường pháp lý, đầy đủ và minh bạch nhằm tạo ra sân chơi lành mạnh, bình đẳng cho các DN.
Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ hội nhập Quốc tế TP Hồ Chí Minh Phạm Bình Anh phân tích, các nước EU đã phát triển từ lâu và có hệ thống tiêu chuẩn cao trong khi Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn phát triển thì việc đáp ứng các yêu cầu của EU đối với một số ngành hàng sẽ gặp khó khăn trong thời gian đầu.
Mặt khác, nội dung cam kết về điều kiện áp dụng, lộ trình cắt giảm các loại thuế quan trong EVFTA là rất đa dạng và khác nhau đối với từng ngành hàng. Vì vậy, rất khó để có giải pháp chung cho tất cả các ngành hàng mà mỗi DN phải chủ động tìm hiểu, tra cứu và nghiên cứu những nội dung liên quan đến lĩnh vực mà mình đang kinh doanh để có phương án tận dụng hiệu quả.
“Chất xúc tác” quan hệ thương mại Việt Nam - EU EVFTA và EVIPA có phạm vi cam kết rộng và mức độ cam kết cao nhất của Việt Nam từ trước tới nay, chứa đựng nhiều cơ hội và kỳ vọng mở ra một triển vọng mới cho quan hệ hợp tác hai bên Việt Nam và EU phát triển ngày càng sâu rộng, toàn diện, bình đẳng, cùng có lợi và hiệu quả hơn. Đồng thời, đóng góp vào thúc đẩy xu thế chung về liên kết kinh tế quốc tế và phát triển bền vững; khẳng định vị thế Việt Nam và chính sách của EU tiếp tục tăng cường gắn kết với châu Á-Thái Bình Dương nói chung và ASEAN nói riêng. EU hiện là đối tác thương mại lớn thứ ba và là một trong hai thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Kim ngạch thương mại hai chiều đã tăng hơn 12 lần, từ mức 4,1 tỷ USD năm 2000 lên hơn 50,4 tỷ USD năm 2017; trong đó xuất khẩu của Việt Nam vào EU tăng13,6 lần (từ 2,8 tỷ USD lên hơn 38,3 tỷ USD) và nhập khẩu vào Việt Nam từ EU tăng hơn 9 lần (1,3 tỷ USD lên 12,1 tỷ USD). Các nhóm hàng xuất khẩu chủ lực của ta sang EU là giày dép, dệt may, cà phê, đồ gỗ, hải sản. EU cũng là nhà đầu tư lớn vào Việt Nam. Tính đến năm 2017, đã có 24 trong số 28 nước EU đầu tư vào Việt Nam với khoảng 2.000 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đầu tư đăng ký đạt hơn 21,5 tỷ USD. Các nhà đầu tư EU đã có mặt tại hầu hết các ngành kinh tế quan trọng của Việt Nam, tập trung nhiều nhất vào công nghiệp, xây dựng và một số ngành dịch vụ. |