Những trái ngọt ban đầu
Ngày 22/9 vừa qua, Tập đoàn Lộc Trời đã công bố xuất khẩu lô gạo thơm đầu tiên sang châu Âu theo hiệp định EVFTA. Lô hàng lần này gồm 126 tấn gạo thơm giống Jasmine 85 được đóng gói theo quy cách 18kg sẽ lên đường sang thị trường châu Âu vào cuối tháng 9/2020.Lộc Trời chỉ là một trong rất nhiều các DN đã hiện thực hóa được các cơ hội từ EVFTA. Tất nhiên, cơ hội này không tự nhiên có mà bản thân DN đã chuẩn bị bài bản, nỗ lực để đáp ứng các tiêu chuẩn của thị trường châu Âu.
Theo đó, Tập đoàn Lộc Trời là đơn vị tiên phong trong nghiên cứu, đầu tư nguồn lực, đổi mới công nghệ tiên tiến, trang thiết bị hiện đại để phục vụ tốt nhất cho thị trường EU. Công ty đảm bảo truy xuất nguồn gốc, đảm bảo tiêu chuẩn SRP... các nhà máy chế biến, đóng gói gạo áp dụng tiêu chuẩn như ISO, HACCP, phát triển các sản phẩm chế biến sâu đáp ứng quy định của thị trường EU, khẳng định chất lượng, tạo vị thế vững chắc trên trường quốc tế.
“Chúng tôi đã trở thành công ty đầu tiên trên thế giới đạt thành tích đạt 100 điểm tuyệt đối cho quy trình canh tác lúa theo tiêu chuẩn SRP vào đầu năm 2020. Lộc Trời cũng đang triển khai lộ trình tiến tới mục tiêu tiêu thụ 1 triệu tấn gạo thông qua việc xây dựng và phát triển hệ thống 1.000 hợp tác xã liên kết, ứng dụng 1.000 thiết bị máy bay không người lái trong sản xuất nông nghiệp vào năm 2024” - đại diện Tập đoàn Lộc Trời cho biết.Theo bà Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI), thực tế thực thi EVFTA trong 2 tháng vừa qua cho thấy các cơ hội EVFTA đã bắt đầu được hiện thực hóa, mang lại những lợi ích đầu tiên cho DN Việt Nam. Số liệu của Bộ Công Thương cho thấy, chỉ trong tháng đầu thực hiện EVFTA, đã có trên 7.200 bộ Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) mẫu EUR.1 với kim ngạch 277 triệu USD hàng hóa xuất khẩu sang EU.Tin từ Bộ NN&PTNT cũng cho thấy xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam cũng bắt đầu khởi sắc nhờ EVFTA. Các đơn hàng thủy sản sang EU trong tháng 8/2020 tăng 10% về kim ngạch so với tháng 7/2020. Giá các sản phẩm gạo của Việt Nam cũng được cải thiện sau khi EVFTA có hiệu lực với mức tăng từ 80 - 200 USD/tấn so với cuối tháng 7/2020.Gian nan đường đến chân trời Những kết quả ban đầu này theo các chuyên gia kinh tế, là tương đối khả quan, nhất là trong bối cảnh thị trường vẫn còn rất khó khăn do dịch Covid-19 và EVFTA vẫn còn rất mới mẻ với đa số các DN. Về lâu dài, để có thể hiện thực hóa những cơ hội lớn mà EVFTA mang lại, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho rằng, các DN cần có hiểu biết chính xác, đầy đủ về các cam kết cụ thể liên quan tới hoạt động kinh doanh. Từ đó có hành động chuẩn bị, tận dụng các cam kết một cách phù hợp.Bà Võ Thị Khánh Trang - Trưởng bộ phận Nghiên cứu, Savills Việt Nam cho biết, Hiệp định EVFTA có hiệu lực là cơ hội lớn cho Việt Nam thu hút đầu tư và xu hướng chuyển dịch sản xuất trên toàn cầu. Để nắm bắt cơ hội hồi phục nhanh sau đại dịch, các DN Việt Nam cần đẩy mạnh quảng bá thương hiệu thông qua các hình thích trực tuyến và giao dịch điện tử, thay cho hình thức tiếp xúc trực tiếp và xúc tiến thương mại truyền thống.Về lộ trình triển khai và thực hiện của EVFTA, thời gian Việt Nam thực hiện cam kết chỉ trong 7 năm, trong đó, nhiều điều khoản và thỏa thuận sẽ thực hiện trong vòng 2 - 3 năm kể từ ngày ký hiệp định. Đây là thách thức cho các DN Việt Nam cần hiểu và đảm bảo thực hiện đúng các cam kết về chất lượng hàng hóa xuất khẩu sang EU.Hạn chế của hầu hết các DN Việt Nam hiện nay là quy mô và nguồn lực nhỏ, nhiều hàng hóa chưa đạt chất lượng, mẫu mã kém đa dạng, giá cao, thiếu sự liên kết chuỗi sản xuất phân phối trong nước... Các DN cũng sẽ đối mặt với các quy định về hàng rào kỹ thuật trong thương mại và quy tắc xuất xứ hàng hóa tại châu Âu khi các nước trong EU phải cạnh tranh với hàng hóa nhập khẩu được ưu đãi từ Việt Nam. Việc hàng hóa từ các nước châu Âu vào Việt Nam cũng sẽ tạo áp lực cho nhà sản xuất trong nước phải không ngừng cải thiện chất lượng sản phẩm để không mất thị phần ngay trên sân nhà.Để có thể tận dụng lợi thế của EVFTA, bà Võ Thị Khánh Trang cho rằng, các DN trong nước cần khai thác và đẩy mạnh các lợi thế hiện hữu cũng như tìm phương hướng để biến thách thức thành cơ hội. Theo đó, tập trung vào các mặt hàng chủ lực vốn là thế mạnh của các DN Việt Nam như nông sản và thực phẩm, tìm hiểu nhu cầu thực tế và hành vi tiêu dùng của người dân châu Âu.Bên cạnh đó, tăng cường mối liên kết giữa sản xuất và phân phối để để thắt chặt mối quan hệ cung - cầu, tìm kiếm cơ hội và đẩy mạnh các kênh phân phối mới, góp phần cải thiện chất lượng, hình ảnh và sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam. Ngoài ra, cần liên kết, hợp tác với các đối tác ngoài nước để tận dụng công nghệ, quản lý và thị trường, qua đó tăng cường khả năng tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Các DN cần xây dựng, tạo ra cho mình chuỗi cung ứng trong nước cũng như khu vực, đặc biệt là các nước có hiệp định thương mại với cả EU và Việt Nam để tận dụng ưu đãi thuế quan từ EVFTA. Bên cạnh đó, sự hỗ trợ và hướng dẫn cụ thể từ Nhà nước đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng biện pháp bảo vệ DN nội địa theo hướng lập các hàng rào kỹ thuật và kiểm soát chặt chẽ hoạt động của DN nước ngoài, đẩy mạnh công tác phổ biến, tuyên truyền về các quy định theo cam kết của EVFTA.
"Việc thực hiện thành công EVFTA sẽ giúp ngành nông nghiệp Việt Nam được hưởng lợi rất lớn. Theo đó, xuất khẩu sẽ đạt tăng trưởng mạnh mẽ hơn, tăng cường chuyển giao kiến thức và tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế trong một loạt các lĩnh vực từ cải cách pháp luật đến bảo vệ môi trường và bền vững" - Chủ tịch Ủy ban Kinh doanh nông sản và thủy sản EuroCham Việt Nam Marion Matinez "Các DN mong muốn các bộ, ngành sẽ có quan tâm nhiều hơn các vấn đề về chứng nhận xuất xứ, sửa đổi các quy định khác theo hướng phù hợp hơn để DN có thêm sức khỏe, tạo lợi thế cạnh tranh với các quốc gia khác" - Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam Nguyễn Hoài Nam. |