Phát biểu khai mạc diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đánh giá, hơn 2 năm kể từ khi Hiệp định Thương mại tự do EVFTA chính thức đi vào hiệu lực là quãng thời gian chứng kiến nhiều biến động thăng trầm của nền kinh tế thế giới nói chung, cũng như của EU và Việt Nam nói riêng khi giao thương và chuỗi cung ứng rơi vào khó khăn, thậm chí đứt gãy dưới tác động của đại dịch, cùng các bất ổn địa chính trị khu vực và toàn cầu.
Tuy nhiên, cũng chính trong hoàn cảnh đó, Hiệp định đã nhanh chóng phát huy những tác dụng tích cực, không chỉ là đòn bẩy cho thương mại hai chiều mà còn là lợi thế ưu việt hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp hai bên duy trì và phát triển các hoạt động kinh doanh, đầu tư trong bối cảnh biến động thị trường phức tạp và tiềm ẩn nguy cơ suy thoái.
Nổi bật là những ưu đãi cắt giảm thuế quan theo EVFTA đã góp phần đáng kể giúp Việt Nam nâng cao khả năng cạnh tranh và mở rộng thị phần tại EU, đồng thời được tiếp cận nguồn hàng hóa chất lượng cao của EU.
Theo tính toán từ số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam, trong năm thứ hai thực thi EVFTA (từ tháng 8/2021 – 7/2022), tổng kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam – EU đạt 61,4 tỷ USD, tăng 11,9% so với năm đầu tiên Hiệp định có hiệu lực, trong đó xuất khẩu đạt 45 tỷ USD, tăng 17% và nhập khẩu đạt 16,4 tỷ USD, tăng 0,2%.
Trong 8 tháng năm 2022, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam – EU đạt 42,4 tỷ USD, tăng 14,85% so với cùng kỳ năm 2021. Xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang hầu hết các thị trường trong khối EU đều ghi nhận sự tăng trưởng tốt.
Cơ cấu các mặt hàng xuất khẩu vào EU cũng có xu hướng mở rộng và đa dạng hóa khi không chỉ các mặt hàng chủ lực đạt tốc độ tăng ấn tượng như: máy móc thiết bị (tăng 34,8%), dệt may (41,2%), giày dép (36,2%) mà kim ngạch xuất khẩu nhiều mặt hàng nông lâm thủy sản cũng đang tăng ở mức rất cao, đáng kể như: cà phê (54,4%), thủy sản (41,9%), rau quả (18%), hồ tiêu (25%), gạo (22,2%)…
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng tăng cường nhập khẩu nhiều mặt hàng từ EU, điển hình như: dược phẩm (tăng 7,6%), hóa chất (102%), gỗ và sản phẩm gỗ, thức ăn gia súc (15,5%), sữa và sản phẩm sữa (29,1%), chế phẩm thực phẩm khác (45,3%) và các nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất.
Lãnh đạo Bộ Công Thương cũng cho biết, Việt Nam đã tiếp nhận được nguồn đầu tư chất lượng cao từ EU với những dự án có công nghệ tiên tiến, tạo ra những giá trị và lợi ích chung cho cộng đồng doanh nghiệp hai bên. EU hiện là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 5 tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký 27,6 tỷ USD lũy kế đến tháng 8 năm 2022. Tính riêng 8 tháng năm 2022, tổng vốn đăng ký đầu tư của EU tại Việt Nam đạt 2,2 tỷ USD, tăng 69,6% so với cùng kỳ năm ngoái, với 104 dự án cấp mới. Đây là thời điểm quan trọng để thúc đẩy hơn nữa kinh tế, thương mại giữa EU và Việt Nam, góp phần giúp 2 phía phục hồi và tăng trưởng kinh tế sau đại dịch.
Để hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam và EU khai thác tốt các lợi thế của EVFTA, ông Tạ Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ cho biết, Bộ Công Thương sẽ phát huy tối đa hệ thống các Thương vụ Việt Nam tại EU tích cực hỗ trợ doanh nghiệp hai bên tiếp cận thị trường để đẩy mạnh giao thương, kết nối đầu tư. Đồng thời đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp chung tay xây dựng chuỗi cung ứng đa dạng, bền vững.
Chương trình có sự tham gia đồng hành của Tổng Công ty Khí Việt Nam – CTCP và Công ty Cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn