EVFTA mở cánh cửa vào thị trường châu Âu

NHÃ VY
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) được đàm phán từ năm 2012 – 2015, chính thức được ký kết ngày 30/6/2019 tại Hà Nội. Ngày 8/6/2020, EVFTA được Quốc hội thông qua đã mở ra cơ hội hợp tác rộng lớn, toàn diện và phát triển mạnh mẽ hơn của Việt Nam và EU, đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp hai bên….

 Với EVFTA, xuất khẩu gạo Việt Nam vào EU sẽ tăng thêm 65% đến năm 2025 - Ảnh: TTXVN
Đón…
Ngay khi Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ khoảng 85,6% số dòng thuế nhập khẩu, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Sau 07 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, có khoảng 99,2% số dòng thuế được xóa bỏ, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Với khoảng 0,3% kim ngạch xuất khẩu còn lại, EU cam kết dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan với thuế nhập khẩu trong hạn ngạch là 0%.
Xét về tổng thể, EVFTA sẽ góp phần giúp đa dạng hóa thị trường của ta để không bị phụ thuộc quá nhiều vào một thị trường nào, từ đó giúp bảo đảm an ninh kinh tế của Việt Nam.
Theo Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu (EuroCham) tại Việt Nam Nicolas Audier, hiện Việt Nam đang nổi lên là một trong những quốc gia thành công trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19; là một trong số ít các quốc gia hình mẫu cho những quốc gia khác noi theo khi mở cửa trở lại nền kinh tế. Tuy nhiên, trong tương lai, triển vọng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam phụ thuộc vào thương mại tự do, công bằng và dựa trên những quy tắc (đặc biệt là xuất khẩu) với các thị trường quan trọng trên thế giới, điển hình như Liên minh châu Âu (EU).
Như vậy, Hiệp định EVFTA sẽ mang đến cho doanh nghiệp Việt Nam cơ hội “truy cập” vào thị trường châu Âu với khoảng 500 triệu người tiêu dùng. Ngược lại, người tiêu dùng Việt Nam cũng được tiếp cận với hàng hóa, dịch vụ chất lượng cao và sáng tạo của châu Âu. EVFTA cũng góp phần thúc đẩy thương mại, đầu tư, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam và đưa quốc gia này trở thành điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư châu Âu ở châu Á.
GS.,TS. Andreas Stoffers - Giám đốc Quốc gia của Tổ chức Friedrich Naumann for Freedom (FNF) thì cho rằng, Việt Nam hiện có vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng thông qua tất cả các FTA thế hệ mới như EVFTA và CPTPP. EVFTA là một cơ hội lớn để Việt Nam tận dụng “sức mạnh mới” phục hồi kinh tế. Bởi, EVFTA sẽ mang đến doanh thu xuất khẩu sang EU cho một số mặt hàng như điện thoại, linh kiện điện tử - những mặt hàng chiếm hơn một phần ba tổng doanh thu xuất khẩu của Việt Nam (12,36 tỷ USD); máy tính, sản phẩm điện tử (5,06 tỷ USD) cũng như dệt may, giày dép…
Để thỏa mãn khách hàng EU, theo GS.,TS. Andreas Stoffers, Việt Nam cần chú trọng phát triển khoa học - công nghệ phù hợp với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Đồng thời, hàng hóa Việt Nam phải được nâng lên một cấp độ mới, tiêu chuẩn hóa, thân thiện với môi trường, tránh thuốc trừ sâu và chất bảo quản. Điều này không chỉ cải thiện về chất lượng sản phẩm mà còn giúp hàng hóa “made in Vietnam” tránh chủ nghĩa bảo hộ từ các quốc gia khác, không chỉ ở EU.
 Theo lộ trình, xuất khẩu thủy sản sẽ tăng 2% giai đoạn 2020-2030 - Ảnh: SGGP
… Nhận
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nếu thực thi triệt để các cam kết, EVFTA sẽ góp phần làm tăng GDP bình quân từ 2,18 - 3,25% trong 5 năm đầu; 4,57-5,30%  trong 5 năm kế tiếp;  và 7,07-7,72% cho 5 năm sau đó.
EVFTA sẽ giúp Việt Nam tiếp tục đổi mới cơ cấu kinh tế, hoàn thiện thể chế và môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư EU kinh doanh tại Việt Nam. Điều này sẽ thúc đẩy dòng vốn FDI từ EU vào Việt Nam tăng trong thời gian tới.
Về xuất khẩu, EVFTA dự kiến giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng thêm khoảng 42,7% vào năm 2025 và 44,37% vào năm 2030 so với không có Hiệp định.
Xét theo ngành hàng, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của một số ngành sang EU dự kiến năm 2025 sẽ đạt kết quả tăng trưởng cao như là gạo, tăng thêm 65% vào năm  đường 8% thịt lợn 4% lâm sản 3%, thịt gia súc gia cầm 4%, đồ uống và thuốc lá 5%, và thủy sản sẽ tăng 2% giai đoạn 2020-2030.
Với dệt may, kim ngạch xuất khẩu dự báo vào EU sẽ tăng nhanh với mức khoảng 67% đến năm 2025 so với khi chưa có Hiệp định. Đối với ngành Da giầy, Hiệp định khi có hiệu lực sẽ góp phần làm gia tăng đáng kể xuất khẩu giày da vào EU. Tốc độ tăng xuất khẩu dự báo sẽ gấp đôi vào 2025, và tổng xuất khẩu giày da cũng sẽ tăng khoảng 34%, sản lượng của toàn ngành tăng ở mức 31,8%.
Ngược lại, một số ngành như dược phẩm, dịch vụ tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, logistics của Việt Nam sẽ chịu sức ép cạnh tranh lớn hơn khi dược phẩm từ EU sẽ vào Việt Nam thuận lợi, dễ dàng hơn; mức độ bảo hộ sở hữu trí tuệ đối với dược phẩm sẽ được tăng cường, khiến một số loại dược phẩm có thể chậm được giảm giá hơn; Việc cung cấp thuốc cho các bệnh viện Việt Nam sẽ gặp tranh gay gắt hơn trong cam kết mở cửa cho nhà thầu EU. Các tác động này rõ rệt hơn với các loại biệt dược, thuốc chuyên dụng (nhóm thuốc có bảo hộ độc quyền, Việt Nam chưa sản xuất được).
Đối với ngành Dịch vụ tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, hiệp định EVFTA mở ra cơ hội cho việc thúc đẩy tự do hóa. Tác động của mở cửa dịch vụ với nhóm ngành này là tích cực trên các góc độ cầu về dịch vụ, cơ hội hợp tác với các doanh nghiệp từ EU. Đến năm 2025, xuất khẩu dịch vụ tài chính, bảo hiểm của Việt Nam sẽ tăng khoảng 21%, nhập khẩu sẽ tăng 9,65%. Tuy nhiên, áp lực cạnh tranh là rất lớn, đồng thời, áp lực ổn định vĩ mô cũng lớn hơn do mở cửa dịch vụ này làm cho Việt Nam dễ nhạy cảm hơn với các cú sốc từ bên ngoài.
Còn đối với ngành Logistics, EVFTA có thể ảnh hưởng đến triển vọng phát triển khi Việt Nam cam kết mở cửa thị trường vận tải và phục vụ vận tải; quy mô, nhu cầu mở rộng công suất, chất lượng dịch vụ Logistics sẽ bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, sức ép cạnh tranh trong các ngành này là cần thiết và tất yếu để doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội hợp tác chặt chẽ với các nhà đầu tư nước ngoài có trình độ, vốn, công nghệ và kinh nghiệm để tạo đà tăng trưởng và phát triển lên một tầm cao mới.

Nhằm hỗ trợ thương nhân xuất khẩu hàng hóa nhằm tận dụng ưu đãi EVFTA, ngày 15/6/2020, Bộ Công Thương đã có Thông tư số 11/2020/TT-BCT quy định về quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định EVFTA. Thông tư có hiệu lực từ ngày 1/8/2020, cùng ngày hiệu lực của Hiệp định EVFTA. Ngày 31/7/2020, Bộ Công Thương đã có công văn số 812/XNK-XXHH gửi các Hiệp hội ngành hàng và thương nhân xuất khẩu để hướng dẫn về chứng từ chứng nhận xuất xứ.

Đối với lô hàng xuất khẩu của Việt Nam có trị giá không quá 6.000 euro, căn cứ điểm b khoản 2 Điều 19 Thông tư số 11/2020/TT-BCT, bất kỳ nhà xuất khẩu nào cũng được phép tự chứng nhận xuất xứ. Việc tự chứng nhận xuất xứ được thực hiện theo quy định tại Điều 25 Thông tư số 11/2020/TT-BCT.

Sau khi thực hiện tự chứng nhận xuất xứ, thương nhân có trách nhiệm báo cáo, đăng tải chứng từ tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa và chứng từ liên quan đến lô hàng xuất khẩu do thương nhân tự chứng nhận xuất xứ trên www.ecosys.gov.vn theo quy định tại khoản 7 Điều 25 Thông tư này.

Đối với các lô hàng xuất khẩu có trị giá trên 6.000 euro, nhà xuất khẩu phải có chứng nhận xuất xứ C/O mẫu EUR.1 do cơ quan, tổ chức được Bộ Công Thương ủy quyền cấp. Quy trình khai báo và chứng nhận C/O mẫu EUR.1 thực hiện tương tự các mẫu C/O hiện hành.

Việc kê khai C/O mẫu EUR.1 được Cục Xuất Nhập khẩu - Bộ Công Thương hướng dẫn chi tiết tại Phụ lục đính kèm công văn số 812/XNK-XXHH.

Riêng với hàng hóa xuất khẩu sang Vương quốc Anh, các thương nhân xuất khẩu chỉ kê khai C/O mẫu EUR.1 hoặc phát hành chứng từ tự chứng nhận xuất xứ đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2020.