Tuy nhiên, bước vào sân chơi lớn này, không ít DN, ngành hàng trong nước vẫn đang loay hoay bài toán cải thiện nội lực để đáp ứng yêu cầu hội nhập.
Cú hích cho xuất khẩu
Hiệp định EVFTA được đánh giá là một trong những FTA thế hệ mới, toàn diện, chất lượng cao và cân bằng về lợi ích sẽ giúp các DN Việt đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, giảm áp lực phụ thuộc vào một số thị trường truyền thống. Đồng thời, đây cũng là động lực để các DN trong và ngoài nước đẩy mạnh đầu tư, tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững của kinh tế Việt Nam.
Theo tính toán của Bộ Công Thương, EVFTA sẽ giúp xuất khẩu của Việt Nam tăng trưởng khoảng 21%/năm trong khoảng 10 năm đầu, cao hơn từ 4 - 6% so với khi chưa có EVFTA. Việc thực thi EVFTA dự kiến sẽ đưa kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào EU đạt 85 tỷ USD vào năm 2020 và đạt 220 tỷ USD vào năm 2025.
Phân tích những lợi thế mà EVFTA mang lại cho Việt Nam, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) Ngô Chung Khanh cho biết, sở dĩ EVFTA có thể mang lại sự gia tăng đáng kể về xuất khẩu cho Việt Nam là bởi cơ cấu hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam và EU mang tính bổ sung cho nhau.
Trong khi Việt Nam xuất khẩu giày dép, dệt may, thủy sản, nông sản, đồ gỗ, điện thoại và linh kiện thì EU xuất khẩu chủ yếu là các sản phẩm chất lượng cao như dược phẩm, hóa mỹ phẩm, ô tô, thiết bị, hóa chất…
Thêm vào đó, Việt Nam đang chiếm hơn 1/3 tổng giá trị xuất khẩu của ASEAN vào EU và là quốc gia thứ 2 trong ASEAN (sau Singapore) có FTA với EU. Do đó, EVFTA có hiệu lực sẽ giúp hàng hóa Việt Nam có lợi thế hơn hàng hóa các nước khác trong ASEAN.
Hầu hết các ngành hàng đều sẽ được hưởng lợi từ EVFTA nhưng nhóm ngành tiêu dùng như dệt may, da giày, nông thủy sản sẽ có nhiều hơn lợi thế xuất khẩu do được ưu đãi hơn bằng việc cắt giảm thuế sâu. Không chỉ ưu đãi cắt giảm thuế quan, EVFTA còn có các cơ chế hiệu quả giúp xúc tiến xuất khẩu thông qua việc gỡ bỏ hàng rào phi thuế quan liên quan đến vệ sinh và kiểm dịch (SPS), hàng rào kỹ thuật (TBT), thủ tục hải quan, công nhận chỉ dẫn địa lý, hỗ trợ kỹ thuật và xây dựng năng lực.
Tận dụng ưu đãi,nâng cao nội lực
Mặc dù cơ hội mà EVFTA mang lại cho các ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam là rất lớn nhưng cơ hội đó chỉ dành cho những DN đáp ứng đầy đủ các cam kết về chất lượng, xuất xứ cũng như các tiêu chí phát triển bền vững. Do đó, giải pháp để DN khai thác hiệu quả các ưu đãi là tập trung nâng cao nội lực.
Đơn cử như ngành giày da, việc phát triển các nhà máy thuộc da ở Việt Nam rất khó khăn do không có đủ nguồn vốn và là khó đáp ứng các tiêu chuẩn về môi trường. Vì vậy, muốn đảm bảo nguyên tắc xuất xứ để được hưởng ưu đãi từ EVFTA, trước mắt các DN da giày cần chuyển hướng tìm kiếm nguồn cung nguyên liệu trong khối EU để đảm bảo tỷ lệ nguyên liệu nội khối.
Về lâu dài, Nhà nước cần quy hoạch các cụm công nghiệp sản xuất thuộc da và nguyên phụ liệu ngành da giày cũng như tập hợp các DN thành cụm công nghiệp tập trung nhằm thúc đẩy liên kết giữa các DN.
Tương tự, đối với ngành dệt may, vấn đề lớn của các DN dệt may hiện nay là phụ thuộc quá nhiều vào nguồn cung nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc, rất ít DN chủ động được nguồn cung nguyên liệu đáp ứng quy tắc xuất xứ nội khối để được hưởng ưu đãi thuế. Thực tế phần lớn DN chỉ thực hiện công đoạn may gia công mà không tham gia vào các công đoạn dệt, nhuộm vải hay thiết kế sản phẩm.
Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam Vũ Đức Giang cho rằng, DN phải chủ động đầu tư cho con người, máy móc và công nghệ hướng tới hoạt động nghiên cứu phát triển, thiết kế sản phẩm và nâng cao năng suất và cắt giảm chi phí đến mức tối đa. Bởi, chỉ khi chủ động tham gia vào các công đoạn tạo ra giá trị gia tăng cao thì DN Việt mới được hưởng lợi thực sự từ các FTA nói chung và EVFTA nói riêng.
Muốn tồn tại phải chủ động thích ứng
Nhiều chuyên gia nhận định, trong bối cảnh EVFTA thực thi, DN không chủ động thích ứng sẽ không thể tồn tại. Do đó, mỗi DN phải tự thân vận động, nâng cao trình độ quản trị theo tiêu chuẩn quốc tế, hướng tới sản xuất minh bạch, đổi mới công nghệ để đảm bảo chất lượng sản phẩm đồng đều, ổn định. Đồng thời, nâng cao trình độ, nhận thức của người lao động trong hợp tác kinh tế quốc tế.
Tuy nhiên, theo Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc, điều đáng lo ngại là năng lực của DN Việt vẫn còn nhiều hạn chế, điều kiện tiếp cận các phương thức hỗ trợ về tài chính, về công nghệ so với DN nước ngoài cũng khó khăn hơn. Chính vì vậy, cộng đồng DN mong muốn các cơ quan quản lý Nhà nước tiếp tục hoàn thiện thêm về môi trường pháp lý, đầy đủ và minh bạch nhằm tạo ra sân chơi lành mạnh, bình đẳng cho các DN.
Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ hội nhập Quốc tế TP Hồ Chí Minh Phạm Bình Anh phân tích, các nước EU đã phát triển từ lâu và có hệ thống tiêu chuẩn cao trong khi Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn phát triển thì việc đáp ứng các yêu cầu của EU đối với một số ngành hàng sẽ gặp khó khăn trong thời gian đầu.
Mặt khác, nội dung cam kết về điều kiện áp dụng, lộ trình cắt giảm các loại thuế quan trong EVFTA là rất đa dạng và khác nhau đối với từng ngành hàng. Vì vậy, rất khó để có giải pháp chung cho tất cả các ngành hàng mà mỗi DN phải chủ động tìm hiểu, tra cứu và nghiên cứu những nội dung liên quan đến lĩnh vực mà mình đang kinh doanh để có phương án tận dụng hiệu quả.
"DN cần phải nắm vững các cam kết của Việt Nam và đối tác EU. Cần thay đổi tư duy kinh doanh, chủ động xây dựng kế hoạch kinh doanh cho giai đoạn trung và dài hạn. Cùng với đó, nâng cao năng lực cạnh tranh, chủ động tìm kiếm cơ hội hợp tác với đối tác nước ngoài và tham gia dây chuyền cung ứng toàn cầu." - Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh "Việc tuân thủ các tiêu chuẩn đã cam kết với EU cũng là cơ hội để DN Việt Nam cải tiến, nâng cấp mình lên một tầm cao mới, đáp ứng yêu cầu về mặt chất lượng, kỹ thuật cũng như tạo ra giá trị phát triển bền vững." - Chủ tịch Hiệp hội DN TP Hồ Chí Minh Chu Tiến Dũng |