Đó là những chia sẻ, đánh giá của các chuyên gia, tổ chức xúc tiến thương mại tại sự kiện trực tuyến “Hành trình một năm Hiệp định EVFTA - Khởi đầu thuận lợi và những bước tiếp theo” do Hội đồng Doanh nghiệp Việt Nam - châu Âu, EuroCham và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức.
Công cụ hiệu quả
Theo đánh giá của Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc, trong gần 400 ngày kể từ khi có hiệu lực ngày 1/8/2020, EVFTA cho thấy những đóng góp có ý nghĩa trong phát triển kinh tế giữa hai bên và cho sự tăng trưởng của Việt Nam mà những thay đổi trong quan hệ xuất nhập khẩu song phương là minh chứng điển hình.
Các chuyên gia, doanh nghiệp đều khẳng định tầm quan trọng của EVFTA đối với tương lai của thương mại Việt Nam-EU, đồng thời đề xuất hợp tác và đối thoại nhiều hơn nữa để đảm bảo việc thực hiện suôn sẻ và thành công. |
Dưới tác động của EVFTA, trong khi tổng nhập khẩu của EU từ thế giới vẫn sụt giảm tới 20%, nhập khẩu từ Việt Nam sang thị trường này lại tăng 3,8%. Nửa đầu năm 2021, xuất khẩu từ Việt Nam sang EU vẫn tăng liên tục và ổn định, ở mức 18,3% so với cùng kỳ, đặc biệt là sự bứt phá của nhóm hàng nông sản. Nếu như năm 2020, nhập khẩu từ EU của Việt Nam tăng 4,3% (cao hơn mức 3,7% tăng trưởng nhập khẩu từ tất cả các nguồn) thì 6 tháng năm 2021, con số này là 19,8%. Tỷ lệ kim ngạch xuất khẩu sử dụng được ưu đãi thuế quan theo EVFTA của Việt Nam cũng đạt được mức cao nhất so với năm đầu thực thi của bất kỳ FTA nào khác. Quan sát của VCCI cho thấy tỷ lệ này gấp 2 lần tỷ lệ sử dụng ATIGA, gấp 7 lần AIFTA, gấp 2 lần tỷ lệ tận dụng các thị trường mới của CPTPP trong năm đầu.
Về đầu tư, Việt Nam đã tiếp nhận được nguồn đầu tư có chất lượng và được học hỏi, hấp thụ khoa học và công nghệ tiên tiến từ EU, tạo ra những giá trị và lợi ích cho doanh nghiệp và nhà đầu tư của cả hai bên. Tính đến tháng 6 năm 2021, EU có 2.221 dự án (tăng 142 dự án so với cùng kỳ năm 2020) từ 26/27 quốc gia thuộc EU còn hiệu lực tại Việt Nam với vốn đầu tư đăng ký đạt 22,216 tỷ USD (tăng 449 triệu USD so với cùng kỳ năm 2020).
Hiện nay, người dân và các doanh nghiệp Việt Nam, cũng như các doanh nghiệp EU đang hoạt động tại đây đã và đang phải đối mặt với những tác động, thiệt hại nghiêm trọng do đại dịch Covid-19, đặc biệt tại các thành phố lớn như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bình Dương...
Các khó khăn chủ yếu là do đầu vào và sản xuất gặp rủi ro, đầu ra cũng cực kỳ phức tạp khi đơn hàng không thể xuất theo kế hoạch, vận tải đường bộ chậm trễ do các thủ tục kiểm soát dịch bệnh, cảng xuất ách tắc, tình trạng thiếu container rỗng vẫn diễn biến nghiêm trọng và chi phí logistics tăng phi mã. Đồng thời, doanh nghiệp cũng phải đối mặt với những hệ lụy chưa thể lường hết được trong tương lai, khi dịch đi qua.
Để xử lý tất cả những nguy cơ cả hiện hữu và trong tương lai này thì cần rất nhiều giải pháp từ cả chính sách của Nhà nước và chiến lược riêng của doanh nghiệp. Trong các giải pháp đó, EVFTA là một công cụ hiệu quả, trợ lực cho các doanh nghiệp vượt qua dịch bệnh và duy trì hoạt động kinh doanh trong thời gian tới.
Mới chỉ là khởi đầu
Cùng chia sẻ quan điểm với VCCI, Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại Bộ Công thương (VIETRADE) Vũ Bá Phú cũng cho rằng một năm sau khi thực thi, tăng trưởng thương mại là tích cực, ngay cả trong bối cảnh đại dịch. Tuy nhiên, vẫn còn tồn đọng nhiều thách thức. Các doanh nghiệp Việt Nam chưa thể tận dụng lợi thế của Hiệp định, do khó khăn trong quá trình tuân thủ. Liên minh châu Âu luôn có các tiêu chuẩn về hàng hóa yêu cầu chất lượng cao, an toàn và thân thiện với môi trường, vì vậy không dễ mà tất cả các công ty đều có thể đáp ứng được những tiêu chuẩn này.
Việc tận dụng Hiệp định EVFTA hiện quan trọng hơn bao giờ hết. Bất chấp những thách thức ngắn hạn đáng kể của đại dịch, chúng ta không được mất tập trung vào các cơ hội dài hạn mà EVFTA mang lại. Chủ tịch Eurocham Alain Cany |
Tuy nhiên, vẫn có những tín hiệu tích cực cho tương lai, đặc biệt ở những ngành, lĩnh vực mà Việt Nam có thế mạnh như hạt điều, cà phê, rau quả. Trọng tâm hiện nay nên tập trung vào các sản phẩm mà Việt Nam có cơ hội tham gia vào chuỗi giá trị và gia tăng giá trị, chẳng hạn như các ngành công nghiệp tái tạo và các sản phẩm chế biến cho đồ nội thất.
Chủ tịch Eurocham Alain Cany nhận định rằng, 12 tháng đầu tiên của EVFTA gặt hái những thành công tốt đẹp. Tuy nhiên, nếu muốn tiếp tục xây dựng và phát triển trên khởi đầu đầy hứa hẹn và khai thác toàn bộ tiềm năng của thỏa thuận lịch sử phải cùng phối hợp chặt chẽ. EVFTA sẽ không thành công nếu không có nỗ lực hợp tác giữa cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và châu Âu.
“Việc Hiệp định có hiệu lực mới chỉ là khởi đầu. Cần nỗ lực tương tự trong thập kỷ tiếp theo như đã làm trong thập kỷ trước để tiếp tục thành công. Đây là những gì EVBC được thiết kế để cung cấp” - Ngài Alain Cany nhấn mạnh.
Phó Chủ tịch Eurocham Jean-Jacques Bouflet đã đề cập đến tầm quan trọng của EVFTA trong việc tạo cho các công ty châu Âu một sân chơi bình đẳng tại Việt Nam. Theo đó, hàng hóa giữa quốc gia thành viên ASEAN đã được miễn thuế, trong khi EVFTA sẽ mất một thời gian dài để lộ trình xóa bỏ thuế quan hoàn toàn có hiệu lực, và làm cho các công ty châu Âu trở nên cạnh tranh hơn. Ngoài ra, những thách thức về kỹ thuật vẫn tiếp tục là trở ngại đối với các doanh nghiệp.
Chuyển đổi để cạnh tranh
Với Việt Nam, việc đối mặt với thách thức sẽ giúp các công ty và sản phẩm của họ cạnh tranh hơn, đồng thời, EVFTA bao gồm các giai đoạn chuyển đổi để các doanh nghiệp có thời gian thích ứng. Điều quan trọng Việt Nam phải đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế trong EVFTA để hội nhập sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Tổng Giám đốc Audi Việt Nam Laurent Genen - Chủ tịch Tiểu ban ngành Ô tô xe máy EuroCham nhấn mạnh rằng việc thực hiện Phụ lục 2-B của EVFTA về lĩnh vực ô tô càng sớm càng tốt, giúp giải quyết được nhiều thách thức hiện nay đối với các doanh nghiệp ô tô của EU và thông suốt thương mại trong ngành công nghiệp ô tô và xe máy.
Từ góc độ doanh nghiệp, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) Nguyễn Hoài Nam cho biết, dưới tác động của Covid-19, ngành thủy sản Việt Nam cũng đối mặt với những thách thức to lớn. Trong năm 2020, xuất khẩu thủy hải sản của Việt Nam đã giảm 2% xuống chỉ còn hơn 8 tỷ USD, trong đó khu vực EU chiếm tổng số 11,4%. Các doanh nghiệp nuôi trồng và xuất khẩu cũng gặp rất nhiều khó khăn về nhân lực, các yếu tố khách quan khác như thiếu container, vận chuyển ách tắc. Nguồn nguyên liệu cho sản xuất cũng giảm mạnh khoảng 40 - 50% so với các năm trước.
“Hiệp định EVFTA đã góp phần đáng kể trong những thành quả xuất khẩu thủy sản của Việt Nam trong thời gian qua. Hiện có tới 50% các dòng thuế giảm về mức 0% trước năm 2020 bao gồm thuế suất với các mặt hàng chính như: tôm, cá ngừ, mực và bạch tuộc” - vị này nói.
Đồng thời, trong 5 tháng cuối của năm 2021, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang EU dự báo tiếp tục bị ảnh hưởng nặng bởi dịch Covid-19. Theo kịch bản tích cực nhất là dịch bệnh được kiểm soát tốt hơn tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh thành miền Nam, xuất khẩu trong tháng 8 và tháng 9 sẽ giảm sâu từ 25 - 30% so với cùng kỳ năm trước và sau đó hồi phục dần vào tháng 3 năm 2022. Kết quả xuất khẩu trong 5 tháng cuối năm 2021 sẽ có thể giảm ít nhất 9% so với cùng kỳ năm 2020, đạt 3,66 tỷ USD. Vì vậy, đến cuối năm nay, xuất khẩu thủy sản có thể đạt 8,6 tỷ USD, tăng 2,7% so với năm 2020. Để khắc phục những khó khăn này rất cần có sự ủng hộ từ Chính phủ, sự đồng hành và hướng dẫn từ các cơ quan hữu quan như Bộ Công Thương, VCCI và Eurocham...