Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

EVN: Khó nhập nhèm, khách hàng tự đối chiếu và tính toán tiền điện

Nguyên Dương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hóa đơn tiền điện của nhiều hộ gia đình tăng cao, nhất là trong lúc ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến nhiều người bức xúc. Tuy nhiên, biên lai tính tiền điện được thực hiện theo Quyết định 648 có hiệu lực từ 2019 của Bộ Công Thương. Khách hàng có thể tự đối chiếu và tính toán tiền điện trên website, không có chuyện nhập nhèm hóa đơn...

Đó là thông tin được đưa ra tại buổi tọa đàm trực tuyến chiều 5/5. Theo Trưởng ban kinh doanh EVN Nguyễn Quốc Dũng, nhu cầu của 1 hộ gia đình chịu ảnh hưởng rất lớn bởi yếu tố thời tiết. Đơn cử như với 1 gia đình, vào tháng 3/2019 dùng ít nhất khoảng 200kWh điện, tính ra chỉ khoảng 400.000 đồng. Trong khi tháng 6, mùa hè dùng tới 563kWh điện, quy ra tiền theo biểu giá cỡ khoảng 1,4 triệu đồng, chênh lệch gần 4 lần.
Công nhân EVN HANOI kiểm tra kỹ thuật đảm bảo cung ứng điện. Ảnh: Khắc Kiên

Về một số thông tin trên mạng xã hội có nói về việc “EVN tự sửa hóa đơn điện?”, EVN khẳng định thông tin đó hoàn toàn sai sự thật, không thể có chuyện tự sửa nội dung các hóa đơn tiền điện.

Hiện nay, các đơn vị  của EVN vẫn đang thực hiện theo đúng các quy định của Chính phủ và Bộ Công Thương ban hành về giá điện. Đối với khách hàng nào nếu có nghi ngờ về chỉ số tiêu thụ điện của công tơ cũng như cách tính tiền điện có thể liên hệ các trung tâm chăm sóc khách hàng (theo khu vực) của ngành Điện đề nghị phúc tra, làm rõ.

“Khách hàng dùng điện càng nhiều thì càng phát thải nhiều khí nhà kính, làm biến đổi khí hậu nên việc tính điện theo giá bậc thang ngoài chuyện tiết kiệm năng lượng còn là bảo vệ môi trường. Dùng nhiều, ảnh hưởng đến môi trường thì phải trả giá cao” - vị này nói. Đồng thời khẳng định, mỗi công tơ điện trước khi được đưa vào thị trường để vận hành thương mại đều được Tổng Cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng thông qua, phê duyệt mẫu và chất lượng. Hệ thống đo đếm hoàn toàn chuẩn mực. Bên cạnh đó, theo Thông tư 07 của Tổng cục tiêu chuẩn chất lượng, công tơ từ 5 - 6 năm sẽ phải đi kiểm định lại toàn bộ.
Hàng năm, Sở Công Thương các tỉnh đều tổ chức đoàn kiểm tra xác xuất, quản lý toàn bộ hệ thống, không có công tơ nào quá hạn. Trong trường hợp công tơ nếu bị tác động thì cơ quan quản lý sẽ nắm được ngay vì thường xuyên kiểm tra, có niêm phong, có tem kiểm định.
Trong quá trình thu thập chỉ số công tơ, nếu có bất kỳ thay đổi tăng giảm bất thường thì nhân viên sẽ kiểm tra lại tất cả chỉ số và sẽ phát hiện ra có bị can thiệp hay không. Tóm lại. hệ thống đo đếm điện hiện nay được quản lý rất chặt chẽ, không thể tác động can thiệp.
Phó Tổng Giám đốc EVN Võ Quang Lâm cho rằng, hiện nay giá điện, biên lai tính tiền điện được thực hiện theo Quyết định 648 có hiệu lực từ 2019 của Bộ Công Thương. Khách hàng có thể tự đối chiếu và tính toán tiền điện trên website.
Từ 16/4, theo chỉ thị 41 của Thủ tướng Chính phủ, thực hiện giảm giá điện cho các khách hàng, Tập đoàn có công cụ tính toán có các trường hợp, cụ thể: Nhóm khách hàng sinh hoạt, thực hiện giảm giá trong hoá đơn từ tháng 5 trở đi; Nhóm khách hàng sản xuất, kinh doanh đã được nhận hoá đơn giảm giá phát hành ngay sau 16/4.
Chương trình này sẽ được thực hiện từ nay đến 15/7. Mọi thông tin đều minh bạch, khó có chuyện sửa hóa đơn, và từ năm 2015 EVN đã tiến hành các bước cổ phần hoá để cổ phần hoá Tổng Công ty phát điện (Genco) 3. Đến tháng 12/2020, sẽ cổ phần hoá Genco 2, và tới tháng 9/2021 tới lượt Genco 1. Như vậy từ nay đến hết 2021 sẽ cổ phần hoá 3 "ông lớn" phát điện.