EVN thua lỗ hàng nghìn tỷ đồng: Cần tăng giá điện trong thời điểm hợp lý

Khắc Kiên thực hiện
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tập đoàn Điện lực Việt Nam - EVN liên tục kinh doanh thua lỗ trong các năm gần đây, đặc biệt trong năm 2022 dự báo lỗ lên tới hàng nghìn tỷ đồng mà nguyên nhân chính được chỉ ra do giá điện bị “kìm hãm” không tăng, trong khi chi phí nguyên liệu tăng phi mã.

Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu năng lượng và Tăng trưởng xanh Hà Đăng Sơn
Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu năng lượng và Tăng trưởng xanh Hà Đăng Sơn

Điều này tạo ra tâm lý lo ngại từ các nhà đầu tư vì sợ… EVN không có tiền trả.

Xung quanh vấn đề này, trả lời phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu năng lượng và Tăng trưởng xanh Hà Đăng Sơn đã đưa ra những phân tích về việc cân nhắc tăng giá điện trong thời gian hợp lý để cứu EVN tránh thua lỗ, hút đầu tư.

Rủi ro cao vì bị kìm hãm

Ông đánh giá như thế nào về tình hình thua lỗ của EVN?

- Nếu vẫn tiếp tục duy trì tình trạng để EVN lỗ do giá điện quá thấp sẽ gây ảnh hưởng đến kinh doanh của tập đoàn này. Báo cáo tài chính của EVN cho thấy, trong năm 2020, 2021 và đến bây giờ lỗ rất cao, lên đến cả nghìn tỷ đồng đã phản ánh rất rõ cảnh báo từ phía các DN: EVN lỗ, nhà đầu tư mất niềm tin. Quan điểm cá nhân của tôi, đây là thời điểm hợp lý để tăng giá điện nhằm tránh lỗ cho EVN.

Bởi, kết quả sản xuất kinh doanh 10 tháng năm 2022 của EVN lỗ khoảng 15.758 tỷ đồng, dự kiến ước tính cả năm 2022 có thể lỗ ở mức khoảng 31.360 tỷ đồng, tương đương hơn 1 tỷ USD. Đây là con số không hề nhỏ, một cách sòng phẳng đó là rủi ro cho EVN trả nợ các hợp đồng đã được nêu và tạo ra sự lo ngại từ phía các nhà đầu tư.

Đặc biệt, giai đoạn vừa rồi, việc bùng nổ năng lượng tái tạo (NLTT) nhưng đầu tư cho truyền tải không kịp, chưa tương xứng để giải tỏa công suất, ảnh hưởng nhiều đến thu hút đầu tư về NLTT để thực hiện cam kết giảm phát thải ròng tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp quốc lần thứ 26 - COP26.

Vậy có phương án nào để giải quyết tình trạng này, thưa ông?

- EVN là DN Nhà nước, do vậy Chính phủ nên có động thái điều chỉnh giá cho phù hợp. Bởi EVN thay mặt Chính phủ quản lý hệ thống điện toàn quốc. Đây là áp lực lớn cho EVN giai đoạn vừa qua trong đàm phán các dự án, hợp đồng, kể cả dự án tư nhân cũng yêu cầu phải có bảo lãnh Chính phủ về vấn đề này.

Nếu Chính phủ không điều chỉnh giá điện phù hợp để EVN có khả năng thu hồi vốn, mở rộng đầu tư, trả tiền điện cho các DN… sẽ dẫn đến rủi ro lớn cho các nhà đầu tư khi xây dựng, thực hiện dự án không nhận được tiền điện trả. Đó là về góc độ đầu tư sẽ không hay chút nào vì rủi ro pháp lý.

Truyền tải Mộc Châu (Sơn La) trên đường lên tuyến kiểm tra hệ thống đảm bảo nguồn cung điện. Ảnh: Khắc Kiên
Truyền tải Mộc Châu (Sơn La) trên đường lên tuyến kiểm tra hệ thống đảm bảo nguồn cung điện. Ảnh: Khắc Kiên

Thời gian qua, sự nỗ lực của Chính phủ rất lớn, xây dựng uy tín thu hút đầu tư, phát triển năng lượng tái tạo. Nhưng chỉ vì lỗ do giá điện, nhiên liệu tăng cao mà EVN vẫn phải gìn giữ không theo quy luật thị trường thì thật đáng tiếc khi tạo ra tác động ngược, phản tác dụng khiến cho các nhà đầu tư mất niềm tin.

Ông có thể nói rõ hơn về những lo ngại của nhà đầu tư và chính sách để ổn định thị trường?

- Như tôi đã nói, hiện các cơ chế thúc đẩy phát triển NLTT cũng đang mắc rất nhiều, ở vào tình huống bối rối không rõ Chính phủ trong giai đoạn tới thực hiện theo cam kết ra sao. Giờ chồng thêm nguy cơ EVN không trả được tiền điện vì lỗ được coi như cú đánh thứ hai gây hoang mang lớn với các nhà đầu tư.
Đơn cử, DN sản xuất rất cần nguồn điện sạch. Các dòng đầu tư trong tương lai như Tập đoàn LEGO khi đầu tư nhà máy tỷ đô la sang Việt Nam đã yêu cầu bắt buộc phải có điện sạch sử dụng, các DN khác đã có nhà máy cũng đang hướng tới tăng tỷ trọng sử dụng nguồn NLTT trực tiếp hoặc gián tiếp.

Liệu có phải câu chuyện mua đắt, bán rẻ không, thưa ông?

- Nhược điểm của nguồn NLTT không ổn định, như điện mặt trời mái nhà chỉ khi nắng mới có điện, lúc đó phải tìm giải pháp khác, hoặc tự lắp pin lưu trữ sẽ rất tốn kém, cũng như huy động nguồn từ EVN sau đó bù trừ nguồn bán lên lưới…

Do vậy, Chính phủ cần tạo điều kiện cho DN thực hiện và đảm bảo sự ổn định. Một số cơ chế nên sớm có chỉ đạo, quyết định tương ứng để tạo điều kiện cho DN, kể cả nhà đầu tư nước ngoài. Vấn đề cân đối điện, cả hạ tầng, phát triển lưới điện, cung ứng điện hiện có đảm bảo sự ổn định cho DN sản xuất mới hút được đầu tư.

Tuy nhiên, nguyên nhân từ chuyện giá điện mua vào đắt, bán ra lại rẻ, dẫn đến khó khăn rất lớn cho EVN trong cân đối tài chính. Rõ ràng, sẽ không có dòng tiền để EVN đầu tư các dự án về lưới, truyền tải, phụ trợ… nên hiện hữu rủi ro lớn khi các DN sẽ hủy bỏ kế hoạch đầu tư tại Việt Nam, chuyển ra nước ngoài.

Cân nhắc thời điểm hợp lý

Vậy, ông có thể phân tích rõ thời điểm nào cần tăng giá điện để giảm phần nào thua lỗ của EVN?

- Theo báo cáo tác động về các rổ hàng hóa tháng 12 năm nay không phải quá lớn, đồng thời dịp cuối năm các DN giảm sản xuất do bất ổn về thị trường xuất khẩu… Vì vậy, thời điểm này, nếu tăng giá điện sẽ tác động không lớn đến kinh tế - xã hội. Đặc biệt, thuận lợi khi các DN đang lên kế hoạch sản xuất kinh doanh của năm sau sẽ chủ động về chi phí đầu tư.

EVNHANOI kiểm tra kỹ thuật đảm bảo điện thông suốt. Ảnh: Khắc Kiên
EVNHANOI kiểm tra kỹ thuật đảm bảo điện thông suốt. Ảnh: Khắc Kiên

Còn để muộn hơn, đầu năm mới tăng giá lại đưa DN vào thế bị động khi đội chi phí kinh doanh. Tuy nhiên sẽ phải cân nhắc, nếu tăng giá năm sau có thể 5%, 8%, 10%... rõ ràng sẽ ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh, nhất là giai đoạn đầu năm mới đi vào hoạt động nên dòng tiền chưa nhiều, dẫn đến cân đối tài chính sẽ tạo rủi ro không nhỏ khi đột ngột chi phí đầu vào tăng.

Nếu tăng ngay với mức tính toán hợp lý, liệu có hỗ trợ EVN bớt lỗ để có thêm nguồn đầu tư không, thưa ông?

- Theo tôi, nếu tăng giá điện dịp này chưa tác động ngay và nằm trong ngưỡng DN có thể điều chỉnh, có thời gian sắp xếp kế hoạch, tính toán đầu vào hợp lý. Điều quan trọng nhất là EVN có được dòng tiền, giảm bớt được lỗ trong năm 2022, tạo cơ hội năm 2023 tiếp cận các nguồn vốn vay của các tổ chức tài chính nước ngoài. Vì mức độ lỗ không lớn có thể cân đối được, chứ lỗ cả tỷ USD thì mức tín nhiệm xuống thấp sẽ bị hạ bậc và dẫn đến khó khăn về tài chính.

Còn tỷ lệ điều chỉnh giá điện là tính toán của các chuyên gia, nhà quản lý rồi kiến nghị Chính phủ xem xét, cân nhắc các phương án, lựa chọn với những con số hài hòa, phù hợp nhất. Tất nhiên không được thấp quá, vì nếu chỉ tăng 1 - 2% sẽ không giải quyết được vấn đề về lỗ, nhưng nếu cao quá sẽ gây cú sốc về chi phí trong xã hội.

Xin cảm ơn ông!

 

Năng lượng tái tạo sẽ là xu hướng trong dài hạn, nhưng cũng phải chăm sóc, hỗ trợ đầu tư các hạ tầng, truyền tải, các nguồn khác nhau để phụ trợ đảm bảo an toàn cần có thời gian. EVN cần đồng hành với các DN đầu tư năng lượng tái tạo nhưng phải có nguồn tài chính, chứ lỗ thì lấy đâu tiền trả nợ sẽ dẫn đến khủng hoảng. Việc cân đối tăng giá điện là của các cơ quan, chuyên gia về giá rồi kiến nghị Chính phủ xem xét, lựa chọn để hài hòa các lợi ích.

Chuyên gia Hà Đăng Sơn