Facebook đổi tên công ty để né bê bối?

Hương Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Công ty Facebook Inc. ngày 28/10 được thông báo đổi tên thành Meta Platforms Inc., gọi tắt là Meta, để phản ánh những gì CEO Mark Zuckerberg giới thiệu là sự phát triển công nghệ mang tính hệ thống xung quanh "metaverse".

Giám đốc điều hành Facebook Mark Zuckerberg công bố tên mới của công ty, Meta, trong một sự kiện trực tuyến hôm 28/10. Ảnh: AP 
Khi giải thích về việc đổi thương hiệu, Zuckerberg cho biết cái tên Facebook không còn bao hàm mọi thứ mà công ty phát triển nữa. Ngoài ứng dụng mạng xã hội Facebook nổi tiếng, công ty hiện bao gồm Instagram, WhatsApp, Messenger, tai nghe Quest VR, nền tảng Horizon VR và hơn thế nữa.

Trong khi tên công ty chủ quản sẽ được thay đổi, mạng xã hội lớn nhất thế giới vẫn sẽ được gọi là Facebook. Các ứng dụng Instagram, WhatsApp và Messenger cũng vậy. Cơ cấu của công ty được cho cũng sẽ không thay đổi. Nhưng vào ngày 1/12 tới, cổ phiếu của công ty sẽ bắt đầu giao dịch với mã mới là MVRS.

Nhiều ý kiến ngay lập tức cáo buộc công ty đang cố gắng tránh chủ đề "Facebook Papers" - kho tài liệu bị rò rỉ đã đẩy Facebook vào cuộc khủng hoảng lớn nhất kể từ khi nó được thành lập tại phòng ký túc xác ở ĐH Harvard của Zuckerberg cách đây 17 năm.

Các tài liệu mô tả Facebook đặt lợi nhuận lên trên việc bảo đảm an toàn cho người dùng trên nền tảng của nó, làm gia tăng thù hận, xung đột chính trị và thông tin sai lệch trên khắp thế giới.

Nhà tư vấn tiếp thị Laura Ries ví động thái đổi tên này giống như việc Tập đoàn BP từng tự đổi thương hiệu thành "Beyond Petroleum" để thoát khỏi những lời chỉ trích rằng "gã khổng lồ" dầu mỏ này đã gây hại cho môi trường.

"Facebook là nền tảng truyền thông xã hội của thế giới và họ đang bị cáo buộc tạo ra những thứ gây hại cho con người và xã hội" - Laura nói - "Họ không thể đơn giản là tỏ ra tách biệt với mạng xã hội bằng một tên công ty mới và nói về một tương lai metaverse".

Trước đó, Metaverse được giới thiệu là một thế giới trực tuyến nhập vai mà công ty tin rằng sẽ là xu hướng lớn của internet trong thời gian tới. Zuckerberg đã mô tả nó như một "môi trường ảo" mà người dùng có thể tham gia vào bên trong, thay vì chỉ nhìn qua màn hình. Mọi người có thể gặp gỡ, làm việc và giải trí, với tai nghe thực tế ảo, kính thực tế tăng cường, ứng dụng điện thoại thông minh hoặc các thiết bị khác.

Metaverse - theo Victoria Petrock, một nhà phân tích theo dõi các công nghệ mới nổi - cũng sẽ kết hợp các khía cạnh khác của cuộc sống trực tuyến như mua sắm và mạng xã hội. Các "gã khổng lồ" công nghệ khác như Microsoft, nhà sản xuất chip Nvidia và nhà sản xuất Fortnite Epic Games... đều đã vạch ra tầm nhìn của riêng họ về cách metaverse sẽ hoạt động.

Zuckerberg nói rằng anh hy vọng metaverse sẽ tiếp cận được 1 tỷ người trong vòng 1 thập kỷ tới, và hy vọng công nghệ mới sẽ tạo ra hàng triệu việc làm cho những người sáng tạo.

Thông báo này được đưa ra ngay trong bối cảnh Facebook bị kiểm tra chặt chẽ về mặt pháp lý và quy định ở nhiều nơi trên thế giới vì bê bối Facebook Papers. Về phần mình, Zuckerberg đã bác bỏ phần lớn các cáo buộc.

Một số nhà phê bình lớn nhất của Facebook dường như không ấn tượng với sự thay đổi tên thương hiệu, cảnh báo rằng nó không có khả năng giải quyết được vô số vấn đề đã được tiết lộ bởi các tài liệu nội bộ.

Real Facebook Oversight Board, một nhóm giám sát tập trung vào công ty, đã thông báo rằng họ sẽ giữ nguyên tên của mình. "Việc thay đổi tên của họ không thay đổi thực tế: Facebook... là công ty bán thông tin sai lệch, thù hận hàng đầu thế giới", nhóm này cho biết trong một tuyên bố, đồng thời kêu gọi sự giám sát độc lập để buộc Facebook "có trách nhiệm giải trình".