Nói về những con số trên, Nghị sĩ đảng Lao động Anh Margaret Hodge đã phải dùng cụm từ "hoàn toàn thái quá", đồng thời kêu gọi tổ chức một chiến dịch chống trốn thuế ngắm vào các công ty công nghệ đa quốc gia đang hoạt động tại nước này nói chung và Facebook nói riêng. Tính nghiêm trọng của hành động lách thuế này cũng đã thúc đẩy Chính phủ Anh đưa ra một loại thuế mới ngắm trực tiếp vào các công ty công nghệ có doanh thu lớn tại quốc gia này, dự kiến sẽ được áp dụng vào năm 2020.
"Thời gian qua, các cơ quan thuế đã thực hiện thí điểm việc đối chiếu từ cơ sở dữ liệu của mình nhằm tìm ra những cá nhân, tổ chức có hoạt động kinh doanh trên Facebook và sau đó thông báo yêu cầu đăng ký kinh doanh với những đối tượng này là biện pháp khá khả quan. Tuy nhiên, thay vì triển khai trên quy mô nhỏ trong thời gian dài, cần mau chóng tiến hành rà soát trên phạm vi cả nước và coi việc đăng ký là bắt buộc đối với loại hình kinh doanh trên mạng này." - Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam Nguyễn Thị Cúc
"Cần phải có biện pháp kiểm soát nguồn tiền được cá nhân, tổ chức trong nước sử dụng để mua các dịch vụ như quảng cáo hoặc nhận được từ các hình thức kiếm tiền trên Facebook. Việc này là khá dễ dàng đối với các tổ chức hoặc DN, bởi khi mua các dịch vụ của Facebook cần phải có hóa đơn đi kèm nên việc truy thu thuế là hoàn toàn làm được." - Luật sư Nguyễn Thúy Kiều (đoàn luật sư Hà Nội) |
Facebook trốn thuế không chỉ là vấn nạn tại nhiều quốc gia trên thế giới mà ngay ở Việt Nam, mặc dù đút túi một số tiền cực khủng mỗi năm nhưng số thuế thu được từ mạng xã hội này cực kỳ nhỏ giọt và gần như không thấm vào đâu so với giá trị thực phải thu.
Số liệu từ công ty nghiên cứu thị trường ANTS, trong năm 2018, Facebook thu được khoảng 235 triệu USD từ thị trường quảng cáo trực tuyến của Việt Nam. Đây là một con số rất đáng chú ý nếu biết doanh thu tương tự của toàn bộ các DN trong nước chỉ là 180 triệu USD. Tuy nhiên, theo tính toán sơ bộ số thuế thu được từ các hoạt động kinh doanh của Facebook tại Việt Nam mới chỉ dừng ở con số khoảng 10 tỷ đồng. Đáng lưu ý, khoản thu này không phải đến trực tiếp từ Facebook mà tới từ cá nhân hoặc DN trong nước có hoạt động kinh doanh trên mạng xã hội.
Mặc dù vấn đề Facebook không minh bạch trong hoạt động kinh doanh ở Việt Nam, đặc biệt là về thuế đã được nhắc tới nhiều trong những năm gần đây nhưng tính tới thời điểm hiện tại, dường như các cơ quan thuế vẫn chưa có những biện pháp đủ hữu hiệu để cải thiện tình trạng này. Hành động đáng kể nhất là thu thuế ngắm vào các DN trong nước hoặc các cá nhân có hợp tác với Facebook vẫn chỉ mang lại hiệu quả tượng trưng khi con số thu được là vô cùng ít ỏi như đã nói ở trên.
Thậm chí, mới đây, trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, một lãnh đạo Tổng cục Thuế khi được hỏi về các biện pháp thu thuế nào sẽ được áp dụng với Facebook thì chỉ nhận được câu trả lời quen thuộc rằng các cơ quan chức năng đang xây dựng đề án nhằm giải quyết vấn đề này. Lý giải cho việc cơ quan thuế nhiều năm qua vẫn không có biện pháp kiểm soát được hoạt động kinh doanh của Facebook tại Việt Nam, vị đại diện này chỉ có thể thừa nhận một lý do rất quen thuộc là tại mạng xã hội không có văn phòng đại diện chính thức ở trong nước.
Như vậy có thể thấy, mặc dù hành vi trốn thuế của Facebook tại Việt Nam đã có thể nhìn nhận một cách rõ ràng và diễn ra trong suốt nhiều năm qua nhưng tới thời điểm này, các cơ quan chức năng vẫn chưa có biện pháp thực sự hữu hiệu để ngăn chặn. Cần lưu ý, với mỗi ngày các biện pháp thắt chặt chậm được đưa ra, số tiền mà Facebook kiếm được lại nhiều thêm, điều này không chỉ gây ra thất thu cho ngân sách mà còn khiến môi trường kinh doanh đối với các DN quảng cáo trong nước càng thêm bất bình đẳng.
Kiểm soát chặt luồng tiền từ người dùngNói về các biện pháp có thể áp dụng nhằm chống thất thu thuế từ Facebook, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam Nguyễn Thị Cúc cho rằng, mấu chốt là phải kiểm soát được hoạt động kinh doanh trên mạng xã hội này. Cụ thể, các cá nhân, tổ chức có hoạt động kinh doanh trên Facebook bắt buộc phải có đăng ký, nếu không sẽ áp dụng các chế tài sử phạt nặng nhằm mang tính răn đe.
Bên cạnh đó, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam cũng lưu ý, khoản doanh thu trực tiếp bằng tiền mặt qua các hoạt động kinh doanh trên Facebook là không lớn mà chủ yếu là nằm ở các giao dịch thông qua ngân hàng. Để kiểm soát được các giao dịch dạng này là rất phức tạp cần có sự phối hợp giữa các ngân hàng với cơ quan thuế khi được yêu cầu cung cấp thông tin tài khoản của cá nhân, tổ chức tham gia kinh doanh. Nắm được luồng tiền này sẽ giúp cơ quan thuế có thể kiểm soát được thu nhập trên mạng xã hội của người dùng, từ đó kiểm soát hữu hiệu được một nguồn thu thuế.
Tuy nhiên với người mua là cá nhân, cũng là tập khách hàng chủ yếu của Facebook tại Việt Nam, sẽ phức tạp hơn khá nhiều do chủ yếu phương thức thanh toán đều đều thông qua thẻ tín dụng quốc tế. Do đó, các ngân hàng cũng phải tham gia vào khâu kiểm soát này, phối hợp kịp thời với cơ quan thuế nếu phát hiện được ra luồng tiền từ cá nhân được gửi ra quốc tế đến các tài khoản của Facebook, luật sư Nguyễn Thúy Kiều đề xuất.