Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Facebook nói một đằng, làm một nẻo

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật tại Mỹ nhưng Facebook đang tỏ ra coi thường pháp luật của Việt Nam khi ngang nhiên dung túng cho nhiều thông tin độc hại, phản động tồn tại. Không chỉ thế, với doanh thu lên tới 1 tỷ USD/năm, mạng xã hội này vẫn "lờ" đi nghĩa vụ đóng thuế.

Cần quản lý các thông tin, hoạt động trên Facebook tại Việt Nam. Ảnh: Hoàng Triều
"Tiêu chuẩn kép" Mỹ - Việt
Tính đến cuối tháng 6/2020, theo số liệu thống kê, Facebook đang là mạng xã hội số 1 tại Việt Nam với gần 70 triệu người dùng, chiếm hơn 70% toàn bộ dân số. Hiện, Việt Nam là quốc gia xếp thứ 7 trên thế giới về độ phổ cập của Facebook với tốc độ tăng trưởng cao đến chóng mặt vào khoảng 50% mỗi năm. Cùng với đó, doanh thu mà thị trường Việt Nam mang lại cho mạng xã hội này được ước tính rơi vào khoảng 1 tỷ USD/năm. Tuy nhiên có một thực tế, Facebook đang không tôn trọng Việt Nam.

Nếu lấy việc tuân thủ pháp luật ở một quốc gia mà Facebook có mặt làm thước đo, sẽ dễ dàng nhận thấy Việt Nam đang bị đối xử theo cách đầy bất công, điều này khác biệt "một trời một vực" so với những gì mà mạng xã hội này thể hiện với Mỹ, quốc gia mà họ đặt trụ sở. Điều này có thể thấy rõ qua hàng loạt hành động mà Facebook đã thực hiện nhằm đáp ứng yêu cầu của nhà cầm quyền Mỹ. Thậm chí ngay cả khi chúng trái ngược hoàn toàn với "Tiêu chuẩn cộng đồng", thứ mà nhiều năm nay Facebook lấy ra làm cái cớ để bất tuân pháp luật ở các nước mà mình kinh doanh, đặc biệt là ở Việt Nam.

Cụ thể, vào tháng 1/2020, Facebook đã xóa hàng loạt các bài đăng cũng như đóng nhiều tài khoản có liên quan với việc đăng bài ủng hộ Qassem Soleimani, người đứng đầu Lực lượng Quds của Iran đã bị Mỹ ám sát. Lý do được phía Facebook đưa ra là nhằm tuân thủ các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran. Cần lưu ý, việc đăng tải những thông tin dạng này không hề vi phạm bất cứ quy định nào của Facebook, tuy nhiên với sức ép từ Chính phủ Mỹ, chúng đã bị xóa đi một cách không thương tiếc. Đáng chú ý, đối thủ của Facebook là Twitter vẫn giữ nguyên những nội dung tương tự trên mạng xã hội của mình.

Hay như vào tháng 4/2020, Facebook đã chấp nhận tiến hành thỏa thuận nộp phạt cho Ủy ban Thương mại liên bang Mỹ số tiền lên tới 5 tỷ USD do vụ bê bối lộ dữ liệu người dùng Cambridge Analytica bị phanh phui hồi 2018. Không chỉ nộp phạt về tài chính, Facebook còn phải đưa ra cam kết tăng cường các biện pháp bảo vệ quyền riêng tư của người dùng cũng như lập ra một ban giám sát độc lập về vấn đề này mà không có sự kiểm soát từ CEO Mark Zuckerberg.

Còn ở Việt Nam mọi thứ lại diễn biến theo chiều hướng gần như trái ngược. Không chỉ trong những năm qua, ngay ở thời điểm hiện tại, người dùng có thể dễ dàng bắt gặp trên Facebook những nội dung vi phạm pháp luật Việt Nam từ mức độ nhẹ cho đến nghiêm trọng. Có thể kể đến từ các thông tin trái với thuần phong mỹ tục, buôn bán đồ đạc bị cấm, tin giả, tin xấu cho đến những thông tin được đưa ra nhằm mục đích chống phá chính quyền, Nhà nước. Mặc dù phía cơ quan chức năng đã liên tục yêu cầu Facebook gỡ bỏ thông tin cũng như đóng các tài khoản dạng này nhưng số lượng cũng chỉ như muối bỏ bể, đồng thời việc xử lý cũng mất rất nhiều thời gian.

Thái độ thiếu nhất quán, không thật sự tôn trọng pháp luật của Việt Nam còn được Facebook thể hiện qua hàng loạt hành động cụ thể. Tiêu biểu vào tháng 10/2020 vừa qua, hàng loạt hội nhóm có tính chất giải trí với cả trăm nghìn người dùng trên Facebook đã bị khóa đột ngột với lý do vi phạm "Tiêu chuẩn cộng đồng" của mạng xã hội này. Tuy nhiên, với hàng loạt các hội nhóm khác có tính chất vi phạm pháp luật, thậm chí là đặc biệt nghiêm trọng thì lại được Facebook lờ đi cho tồn tại. Có thể kể đến như những nhóm "Việt Tân", "Tự do Dân chủ Nhân quyền", “Tiếng Dân TV”, “Phong trào chấn hưng nước Việt”... với các luận điệu nói xấu lãnh đạo cấp cao, chống phá Nhà nước, xuyên tạc đường lối chính sách của Đảng nhưng vẫn được Facebook dung túng cho tồn tại, mặc cho những thông tin trên đây hầu hết đều sai sự thật và vi phạm nghiêm trọng "Tiêu chuẩn cộng đồng" mà mạng xã hội này đã từng lấy ra để đóng các hội nhóm khác.

Không chỉ vậy, với việc cố tình không mở văn phòng đại diện ở Việt Nam cũng như không hợp tác với cơ quan chức năng, Facebook đang lờ đi khoản thuế phải nộp khi doanh thu ước tính đang vào khoảng 1 tỷ USD/năm. Đây được xem là khoản tổn thất lớn với ngân sách nói chung cũng như tạo sự bất bình đẳng sâu sắc trong cạnh tranh giữa Facebook với các DN công nghệ trong nước.

"Facebook phải tuân thủ pháp luật Việt Nam"

Đây là thông điệp được phía các cơ quan quản lý của Việt Nam cương quyết đưa ra dành cho Facebook nếu mạng xã hội này còn muốn tiếp tục hiện diện ở Việt Nam. Quan điểm đã được Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng tái khẳng định lại trong báo cáo việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về hoạt động giám sát chuyên đề, hoạt động chất vấn thuộc lĩnh vực TT&TT vừa được gửi tới Quốc hội mới đây.

Theo đó, trong thời gian qua, Bộ TT&TT đã phối hợp với các bộ, ngành triển khai nhiều giải pháp đấu tranh về pháp lý, truyền thông, thanh toán, thuế, kỹ thuật nhằm buộc các DN cung cấp dịch vụ xuyên biên giới như Facebook nhằm yêu cầu mạng xã hội này phải tuân thủ pháp luật Việt Nam. DN được yêu cầu phải thực hiện kiểm soát, hạn chế, ngăn chặn, gỡ bỏ kịp thời thông tin giả, xấu, độc hại, phản cảm trên mạng xã hội; thông tin xuyên tạc chủ trương, đường lối và phá hoại nền tảng tư tưởng của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thông tin lừa đảo, đánh bạc, quảng cáo không đúng sự thật, thông tin gây mất an ninh, trật tự, an toàn xã hội, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của cơ quan, tổ chức, cá nhân; thông tin độc hại đối với trẻ em ...

Với sự quyết liệt từ phía Việt Nam, kết quả mang lại cũng khá tích cực khi tính tới hiện tại đã có 286 tài khoản giả mạo lãnh đạo Đảng, Nhà nước, tuyên truyền thông tin giả mạo, xấu, độc kích động chống phá Nhà nước, 2.786 bài viết gây thủ hận, bôi nhọ lãnh đạo bị gỡ bỏ. Đặc biệt, Facebook đã đồng ý chặn các quảng cáo chính trị từ các fanpage, tài khoản của các tổ chức phản động, khủng bố.

Còn đối với vấn đề đánh thuế Facebook khi hoạt động kinh doanh tại Việt Nam, Phó Chánh Văn phòng Tổng cục Thuế Nguyễn Đức Huy cho biết, trong thời gian qua, ngành Thuế đã phối hợp với các đơn vị liên quan như những ngân hàng thương mại nhằm kiểm soát luồng tiền từ nước ngoài chuyển về cho các tổ chức, cá nhân có dòng tiền thu nhập bất thường từ các nền tảng mạng xã hội. "Ngành Thuế cũng sẽ tích cực phối hợp với Bộ Công an và Bộ TT&TT xác định nhân thân của người nộp thuế; thu thập dữ liệu từ các công ty trung gian vận chuyển, các ứng dụng trung gian vận chuyển; dữ liệu từ các ngân hàng, ví điện tử để xác định dòng tiền. Từ đó, ngành Thuế quản lý thuế đối với các tổ chức, cá nhân tốt hơn" - ông Nguyễn Đức Huy nói.

Hiện tại, các giải pháp kỹ thuật chưa cho phép tách riêng nội dung vi phạm trên Facebook. Vì vậy, muốn chặn hết ngay lập tức các nội dung vi phạm pháp luật thì chỉ có thể chặn toàn bộ website nhưng nếu làm vậy sẽ gây phản ứng của dư luận trong nước. Do đó, ngoài việc tính cực phối hợp, đưa ra yêu cầu với Facebook tuân thủ pháp luật Việt Nam, các cơ quan quản lý cũng cần đẩy mạnh việc phát hiện, xử lý các đối tượng trong nước cung cấp thông tin vi phạm pháp luật trên mạng internet.

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng
Các nước khu vực ASEAN như Singapore, Thái Lan và Malaysia... đang xem xét việc đánh thuế VAT 7 - 12% đối với các tập đoàn công nghệ cung cấp dịch vụ xuyên biên giới như Facebook. Còn tại Indonesia, các công ty nước ngoài có doanh thu ít nhất 41.000 USD từ các sản phẩm và dịch vụ kỹ thuật số hoặc có ít nhất 12.000 lượt truy cập mỗi năm phải trả 10% thuế VAT.