FBI điều tra vụ tin tặc tấn công chiến dịch tranh cử của bà Clinton

Hà PhươngTheo CNN
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cục Điều tra Liên bang (FBI) và Bộ Tư pháp Mỹ đang mở cuộc điều tra xung quanh vụ tin tặc tấn công máy tính của đảng Dân chủ trong chiến dịch tranh cử của ứng viên tổng thống Hillary Clinton.

Theo đó, một chương trình dữ liệu được dùng trong chiến dịch tranh cử của ứng viên Hillary Clinton đã bị tin tặc tấn công. Đại diện FBI cho rằng, vụ tấn công lần này có thể liên quan tới một vụ tương tự trong tuần trước nhắm vào Ủy ban Toàn quốc đảng Dân chủ (NDC) và Ủy ban Vận động Quốc hội của đảng Dân chủ (DCCC).

Trước đó, có cáo buộc cho rằng các hacker của Nga đã tấn công hệ thống máy tính của DCCC, nên cuộc tấn công lần này có thể là ý đồ của Nga muốn can thiệp vào chiến dịch bầu cử Tổng thống Mỹ nhằm giúp ứng viên đảng Cộng hòa Donald Trump. Tuy nhiên, cả điện Kremlin cũng như chiến dịch của ứng viên Donald Trump đều bác bỏ mọi cáo buộc có liên quan tới vụ việc.
FBI điều tra vụ tin tặc tấn công chiến dịch tranh cử của bà Clinton - Ảnh 1
Người phát ngôn Nick Merrill trong chiến dịch của ứng viên Hillary Clinton cho biết, hệ thống máy tính của đảng Dân chủ đã được các chuyên gia an ninh mạng bên ngoài kiểm tra. Hiện, vẫn chưa có chứng cứ khẳng định hệ thống nội bộ bị xâm nhập.

Tuần này, mạng lưới hệ thống máy tính của DCCC đã bị xâm nhập. Trong vụ tấn công này, nhiều khả năng thông tin, chiến lược nội bộ và những nghiên cứu nhằm ủng hộ các ứng viên đảng Dân chủ có ghế trong Hạ viện đã bị đánh cắp.

Trước đó, một nhóm các hacker Nga đã đột nhập vào hệ thống máy tính của DCCC vào đầu năm ngoái và cung cấp thông tin giúp WikiLeaks tiết lộ hơn 20.000 email trao đổi giữa các thành viên đảng Dân chủ. Vụ việc này khiến nội bộ đảng lục đục ngay trước thềm đại hội. Tuy nhiên, nhóm hacker người Nga phủ nhận cáo buộc trên.

Bộ Tư pháp Mỹ đang điều tra mức độ nghiêm trọng để xem vụ việc trên có đe dọa tới an ninh nước Mỹ hay không. Động thái trên cho thấy, chính quyền Tổng thống Barack Obama nhận định rằng những vụ tấn công trên có sự chống lưng của một hay một vài quốc gia.