FDA Mỹ: Tiêm mũi 3 vaccine Moderna chưa cần thiết

Cẩm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hãng tin Reuters dẫn lời các nhà khoa học thuộc Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) Mỹ cho biết có thể không cần tiêm tăng cường mũi 3 Moderna vì không đáp ứng bộ tiêu chí.

Tài liệu với ý kiến các chuyên gia được công bố ngày 12/10, ngay trước cuộc họp của các cố vấn độc lập với FDA để thảo luận về sự cần thiết của tiêm mũi 3 vaccine Moderna và Johnson&Johnson. 
Hãng dược phẩm Moderna trước đó nộp đơn xin cấp phép tiêm liều tăng cường 50 microgram cho người trên 65 tuổi và những người có nguy cơ cao sau khi đối thủ Pfizer/BioNTech được cấp phép.
Tuy nhiên, khác với Pfizer/BioNTech, không có nghiên cứu trên quy mô lớn nào cho thấy sự cần thiết phải tiêm tăng cường mũi 3 cho người đã tiêm Moderna và Johnson&Johnson. Đây là điều mà các nhà khoa học của FDA tuyên bố trong các tài liệu công bố hôm 12/10. 
 FDA Mỹ cho rằng liều vaccine Moderna thứ 3 có thể chưa cần thiết. Ảnh: Reuters. 
"Chắc chắn là liều tăng cường sẽ giúp tăng lượng kháng thể, tuy nhiên tăng đến mức nào là đủ thì chưa xác định", GS John Moore về vi sinh vật học và miễn dịch học tại Đại học Y Weill Cornell ở New York (Mỹ) cho biết. 
Hãng tin Reuters trích tài liệu của FDA cho biết, việc tiêm mũi 3 Moderna giúp tăng lượng kháng thể nhưng sự khác biệt giữa người tiêm 2 mũi và người tiêm 3 mũi là không lớn do hiệu quả những mũi đầu còn cao.
Cũng với quan điểm đó, GS y học phân tử Eric Topol (California) nhận xét dữ liệu của Moderna về sự cần thiết phải tiêm mũi 3 còn "nhiều lỗ hổng", và không cho thấy cách thức hoạt động của liều tăng cường.
Theo ông Topol, Pfizer đã có nghiên cứu trên diện rộng tại Israel và kết quả cho thấy mũi 3 của họ khôi phục hoàn toàn hiệu quả của vắc xin.
Trong khi đó, nghiên cứu của Moderna dựa trên 344 người cho thấy lượng kháng thể tăng lên 42 lần sau khi tiêm liều 50 microgram khoảng 6 tháng sau mũi 2, theo Hãng thông tấn AP.
Theo Moderna, liều vaccine tăng cường của hãng hỗ trợ cho sức khỏe cộng đồng khi phục hồi phản ứng miễn dịch, đồng thời làm giảm số ca nhiễm ở những người trưởng thành đã hoàn thành tiêm chủng.
Ngoài Moderna, Johnson&Johnson cũng đã đề nghị FDA cấp phép tiêm tăng cường cho người có nguy cơ cao khoảng 2 tháng sau mũi đầu tiên và ít nhất 6 tháng với những người còn lại.
Giới quan sát cho rằng việc không được phê duyệt tiêm mũi 3 có thể khiến Moderna và Johnson&Jonhson mất hàng tỷ USD doanh thu. Tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng, hai hãng dược phẩm nên tự hào vì điều này cho thấy hiệu quả vaccine của họ cao và kéo dài hơn đối thủ.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần