FDI giải ngân cao nhất trong 5 năm
6 tháng đầu năm 2024, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam đạt gần 15,2 tỷ USD, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm 2023. Vốn FDI thực hiện (hoặc giải ngân) cũng tăng 8,2%, đạt khoảng 10,84 tỷ USD, hơn gấp đôi so với mức 4,6 tỷ USD trong quý I năm 2024. Đây cũng là con số FDI giải ngân thực hiện cao nhất của 6 tháng đầu năm trong 5 năm qua.
Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, cả vốn đầu tư thực hiện và tổng vốn đầu tư đăng ký đều tăng trưởng tốt hơn, với mức tăng lần lượt là 0,4 điểm phần trăm và 11,1 điểm phần trăm so với 5 tháng đầu năm. Việc giải ngân nhiều trong bối cảnh kinh tế toàn cầu khó khăn và nhu cầu tiêu dùng sụt giảm cho thấy nhà đầu tư FDI rất tin tưởng vào môi trường đầu tư trong nước và sức hấp dẫn của nền kinh tế gần 100 triệu dân.
Một số dự án FDI lớn trong 6 tháng qua như dự án nhà máy sợi carbon của Hyosung, dự án sản xuất silic của Trina Solar Cell, dự án sản xuất silic quang điện Gokin Solar. Từ quý I/2024, nhu cầu thuê gia tăng tại các tỉnh, thành cấp 2 như Vĩnh Phúc, Hà Nam, Quảng Ninh, Bắc Giang, Tây Ninh, Vũng Tàu nhờ giá thuê đất thấp hơn các tỉnh, thành trung tâm và đẩy mạnh phát triển hạ tầng.
Thời gian qua, các tập đoàn lớn của nước ngoài đã triển khai nhiều dự án quan trọng tại Việt Nam với một số khoản đầu tư nổi bật: Tập đoàn Pandora của Đan Mạch đầu tư 150 triệu USD vào một nhà máy ở Bình Dương, và Tập đoàn SK của Hàn Quốc đang xây dựng một nhà máy vật liệu phân hủy sinh học tại Hải Phòng, với tổng vốn đầu tư có thể lên tới gần nửa tỷ USD vào cuối thập kỷ này.
Nhiều tập đoàn lớn tiếp tục mở rộng đầu tư/cam kết mở rộng đầu tư: các đối tác lớn truyền thống của Việt Nam như Samsung, LG, Foxconn, Amkor đều dự kiến mở rộng hoạt động sản xuất tại Việt Nam trong thời gian tới, tập trung ở lĩnh vực bán dẫn, AI, điện tử. Các tập đoàn lớn từ Mỹ (Intel, Nvidia) cũng cam kết đầu tư các lĩnh vực AI, chất bán dẫn.
Cũng theo đánh giá của Cục Đầu tư nước ngoài, vốn đầu tư tập trung nhiều vào các tỉnh, TP có nhiều lợi thế trong thu hút FDI về cơ sở hạ tầng tốt, nguồn nhân lực ổn định, nỗ lực cải cách thủ tục hành chính và năng động trong công tác xúc tiến đầu tư… như Bắc Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Quảng Ninh, Hà Nội, Hải Phòng, TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bắc Giang, Bình Dương, Hưng Yên. Riêng 10 địa phương này đã 79,5% số dự án mới và 77,9% số vốn đầu tư của cả nước trong 5 tháng.
Nhà đầu tư nước ngoài tin tưởng vào triển vọng của Việt Nam
Sự dịch chuyển các chuỗi sản xuất toàn cầu, đặc biệt trong các ngành công nghệ lõi, công nghệ chip, công nghệ của tương lai năng lượng tái tạo, chất bán dẫn nổi lên như một xu hướng toàn cầu, trong đó Việt Nam là một trong những điểm đến phù hợp nhờ việc tham gia 16 hiệp định FTA, nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Mỹ, Nhật, Úc, Hàn, Nga; các chính sách cam kết đầu NetZero; cơ chế chính sách thu hút vốn vào lĩnh vực mới), cùng tiềm năng dân số hơn 100 triệu người với tỷ lệ trong độ tuổi lao động gần 70%.
Ngoài ra, các địa phương trong cả nước đã đồng loạt đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư tại chỗ (hỗ trợ, tạo điều kiện cho các DN FDI hiện hữu như cải cách thủ tục hành chính); đồng thời tích cực triển khai các hoạt động xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước theo đúng xu hướng đầu tư mới trên thế giới hướng vào đầu tư xanh, công nghệ cao… phù hợp với định hướng hợp tác đầu tư nước ngoài trong giai đoạn hiện nay và các năm tới của Việt Nam.
Trung tuần tháng 6 vừa qua, nhiều trang báo và tổ chức quốc tế đưa ra nhận định, Việt Nam là điểm đến đầu tư tiềm năng trong dài hạn. "Việt Nam dẫn đầu Đông Nam Á về thu hút nhà đầu tư dài hạn" - nhận định của khảo sát do Bain & Company mới thực hiện.
Trang tin News.cn trích dẫn khảo sát này cho biết, các nhà đầu tư tin rằng hoạt động đầu tư vào Việt Nam sẽ tăng 83% trong giai đoạn 2025 - 2030.
Dòng vốn đầu tư chất lượng đổ vào Việt Nam thời gian tới là rất hứa hẹn. Dòng vốn FDI mới vào khu công nghiệp dự kiến tiếp tục tăng trưởng khả quan từ sự phục hồi dòng vốn các đối tác truyền thống Hàn Quốc, Singapore nhờ dự báo tăng trưởng kinh tế 2024 cải thiện. Bên cạnh đó, xu hướng dịch chuyển dòng vốn từ Trung Quốc sang các quốc gia lân cận vẫn đang diễn ra. Vốn đầu tư từ một số đối tác châu Âu, như: Hà Lan, Đức cũng chứng kiến sự nhảy vọt.
Khảo sát do Tổ chức Xúc tiến Mậu dịch (JETRO) cho thấy, 60% DN Nhật Bản sẽ mở rộng kinh doanh tại Việt Nam. Còn báo cáo của Hiệp hội DN châu Âu tại Việt Nam đánh giá Việt Nam là 1 trong 5 điểm đến đầu tư toàn cầu.
"Hiện nay nhu cầu xây dựng và mở rộng nhà xưởng khu vực phía Bắc của các nhà đầu tư Hàn Quốc, châu Âu đang tăng. Chúng tôi là nhà đầu tư thứ cấp nên việc đẩy nhanh tiến độ đi vào hoạt động của cụm công nghiệp sớm nhất rất thuận lợi để bảo đảm guồng sản xuất thời điểm này" - ông Kwon Young Woon, Tổng Giám đốc Công ty Cơ khí và Xây dựng KP cho biết.
Theo chia sẻ của ông Matsumoto Nobuyuki, Trưởng văn phòng JETRO tại TP Hồ Chí Minh, khi chuỗi cung ứng toàn cầu đang được tái cấu trúc trong những năm gần đây, các ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao từ Nhật Bản đã mở rộng sang Việt Nam. “Việt Nam đóng một vai trò rất quan trọng trong chuỗi cung ứng của các công ty Nhật Bản” - ông Matsumoto Nobuyuki nói.
Giữ chân các nhà đầu tư nước ngoài
Theo Cục Đầu tư nước ngoài, năm 2024, vốn đầu tư thực hiện có thể đạt khoảng 23,5 tỷ USD, tăng 1,3% so với năm 2023. Nếu kịch bản này xảy ra, kỷ lục mới sẽ được thiết lập. Trong khi đó, với vốn giải ngân, con số được Cục Đầu tư nước ngoài dự ước khoảng 36 - 37 tỷ USD, tương đương năm 2023.
Dù không có sự tăng tốc, song đây là một con số rất có ý nghĩa trong bối cảnh dòng đầu tư toàn cầu được dự báo tiếp tục chậm lại trong năm 2024. Giới quan sát cho rằng, cơ hội thu hút đầu tư FDI trong năm 2024 đang mở ra như năm 2008, thời điểm Việt Nam vừa tham gia WTO. Các yếu tố như cuộc chiến kiểm soát công nghệ lõi, công nghệ chip, công nghệ của tương lai đang mở ra cơ hội cho Việt Nam trong thu hút FDI công nghệ cao, các “đại bàng” thế giới…
Dù vậy, Việt Nam cũng đang gặp không ít thách thức để thu hút các dự án công nghệ cao, các tập đoàn lớn khi mà cuộc cạnh tranh thu hút đầu tư không chỉ xảy ra trong khu vực mà ngay cả các nước phát triển, hay nước “xuất khẩu” về đầu tư…
Vấn đề nhân lực công nghệ cao được xem là một thách thức không nhỏ. Việc áp thuế tối thiểu toàn cầu, Việt Nam cần thay đổi môi trường đầu tư để giữ chân các “ông lớn” FDI, đồng thời thu hút thêm các nhà đầu tư mới. Đó là cần thực hiện các giải pháp như sử dụng nguồn thu từ thuế tối thiểu toàn cầu trong thời gian tới để hỗ trợ thu hút đầu tư FDI; hỗ trợ DN trong nước tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng, sản xuất của các DN FDI.
Chính sách cũng có thể hỗ trợ các DN FDI công nghệ cao bằng tiền mặt, thông qua phát triển hạ tầng; đẩy mạnh hỗ trợ đào tạo lao động; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư để thu hút được nhà đầu tư FDI mới có chất lượng cao hơn… Chính sách đầu tư cần thông thoáng hơn, vấn đề bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cần làm tốt hơn, và cần sớm nâng chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam…
Ngoài ra, Việt Nam cũng cần phải nhanh chóng phát triển đồng bộ hệ thống cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông kết nối sân bay, cảng biển, các tỉnh, TP lớn với các trung tâm công nghiệp. Đồng thời, hạ tầng năng lượng cũng cần được nâng cấp và tập trung đầu tư, nhất là việc phát triển các dự án năng lượng tái tạo đáp ứng tiêu chuẩn và yêu cầu sản xuất của những dự án công nghệ cao, bảo vệ môi trường và tránh phát thải CO2 ra môi trường.
Việt Nam đang trở thành điểm đến quan trọng của lĩnh vực công nghệ. Dần dần Việt Nam sẽ không còn chỉ là nhà sản xuất chi phí thấp mà sẽ bắt đầu phát huy nhiều khả năng hơn để tạo ra các sản phẩm chất lượng cao. Để có chuyển đổi này, lực lượng lao động của Việt Nam cần cải thiện năng lực trong các ngành dịch vụ và hàng hóa có giá trị gia tăng cao. Khả năng đổi mới sẽ ngày càng trở nên quan trọng.
Tổng Giám đốc Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam Michele Wee