FDI vào các nước Mỹ Latinh tăng 54%

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Sự gia tăng dòng vốn FDI có được nhờ sự ổn định và tính năng động của nền kinh tế ở hầu hết các nước trong khu vực và giá nguyên liệu tăng cao trên trường quốc tế, cũng như việc tiếp tục khuyến khích đầu tư trong khai thác mỏ, dầu mỏ và khí đốt, đặc biệt là ở Nam Mỹ.

Theo thông báo của Ủy ban Kinh tế Mỹ Latinh và Caribe (CEPAL), ngày 25/10, cho biết đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào khu vực hơn 600 triệu dân này trong 6 tháng đầu năm 2011 tăng 54%, tiếp theo xu hướng tăng từ năm 2010, và đưa ra dự báo FDI trong năm cả năm sẽ lập mức kỷ lục mới.

Thư ký điều hành CEPAL, Alicia Bárcena, nhấn mạnh các nước trong khu vực cần tận dụng tốt nguồn vốn FDI để phát triển sản xuất và đổi mới nhằm vượt lên sự khó khăn trong bối cảnh suy thoái của kinh tế thế giới.

Sự gia tăng dòng vốn FDI có được nhờ sự ổn định và tính năng động của nền kinh tế ở hầu hết các nước trong khu vực và giá nguyên liệu tăng cao trên trường quốc tế, cũng như việc tiếp tục khuyến khích đầu tư trong khai thác mỏ, dầu mỏ và khí đốt, đặc biệt là ở Nam Mỹ. Tuy nhiên, bất chấp triển vọng tốt về FDI, cuộc khủng hoảng nợ công ở các nước châu Âu cũng như sự tiến thoái lưỡng nan của kinh tế Mỹ và bất ổn tài chính toàn cầu sẽ gây ảnh hưởng xấu đến các dự án, kế hoạch đầu tư của các tập đoàn đầu tư xuyên quốc gia cũng như hiệu suất kinh tế của khu vực.

Theo đánh giá của CEPAL, trong năm 2011, Brazil sẽ là nước thu hút nhiều FDI nhất trong các nền kinh tế khu vực. Thống kê cho biết chỉ trong 8 tháng đầu năm, nền kinh tế hàng đầu khu vực đã thu hút được 44 tỷ USD, tăng 157% năm, tiếp theo là Colombia với 7 tỷ USD. Venezuela đã thể hiện các dấu hiệu tích cực về thu hút FDI với 1,18 tỷ USD, ngược lại dòng vốn đổ vào Argentina, Chile và Paraguay giảm nhẹ.

Tại khu vực Trung Mỹ, vốn FDI đổ vào các nước đều tăng đáng kể, với Costa Rica và Panama là 2 nước đứng đầu cũng như Dominica tại Caribe.

Theo thống kê, Mỹ Latinh và Caribe đã thu hút 112,8 tỷ USD vốn FDI trong năm 2010, tăng 40% so với năm 2009. Mỹ là nhà đầu tư số 1 tại khu vực, với 17% tổng vốn đầu tư, tiếp đến là Hà Lan (13%), Trung Quốc (9%), Canada và Tây Ban Nha cùng là 4%.