FED để ngỏ khả năng tăng lãi suất: Nguy cơ mới cho châu Á

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) để ngỏ cánh cửa tăng lãi suất vào tháng 9, thời gian trở nên gấp gáp cho các nhà hoạch định chính sách châu Á tung ra chính sách vực dậy kinh tế khi hai đầu tàu Trung Quốc và Nhật Bản đang lao đao, ảnh hưởng tiêu cực tới các quốc gia còn lại trong khu vực.

Trong một tuyên bố phát đi hôm 28/8, ông Stanley Fischer - Phó Chủ tịch FED cho rằng, biến động gần đây trên thị trường toàn cầu có thể nhanh chóng dịu bớt và mở đường tăng lãi suất sau cuộc họp vào tháng 9 tới.

Trong khi hệ lụy từ động thái “hắt hơi” của Trung Quốc mới chỉ lắng xuống, các chuyên gia nhận định viễn cảnh FED thắt chặt chính sách tiền tệ sẽ là mối nguy mới nhất với các thị trường tài chính châu Á. Điều này khiến dòng vốn đầu tư vào các thị trường mới nổi trước đó ồ ạt rút ra. Theo đó, các đồng tiền mới nổi sẽ ngày càng chịu áp lực giảm giá lớn hơn, qua đó đặt áp lực lạm phát lên toàn khu vực và thị trường này.
Hoạt động sản xuất ở một nhà máy may nhỏ tại Trung Quốc.
Hoạt động sản xuất ở một nhà máy may nhỏ tại Trung Quốc.
Sự suy thoái của Trung Quốc, cùng với tốc độ tăng trưởng thấp nhất kể từ năm 1990 đã tác động đến các đối tác thương mại quan trọng, bao gồm cả người hàng xóm Nhật Bản. Vào thứ Hai tuần trước, nền kinh tế thứ ba thế giới này đã công bố báo cáo GDP tăng trưởng âm 1,6% trong quý II, do tác động từ tiêu dùng cá nhân suy yếu, và suy giảm xuất khẩu sang các nước châu Á.

Ấn Độ, Indonesia, và Đài Loan (Trung Quốc) đều ghi nhận số liệu xuất khẩu trong tháng 6 suy giảm ở mức 2 con số. Các nhà xuất khẩu hàng hóa lớn như Indonesia và Malaysia đã đặc biệt chịu ảnh hưởng trực tiếp từ sự sụt giảm của giá cả các loại hàng hóa. Xuất khẩu của Hàn Quốc cũng giảm tới 3,3% trong tháng 7 so với cùng kỳ năm ngoái, giảm 2,4% so với tháng trước đó.

Theo ANZ, dù triển vọng tăng trưởng dài hạn của châu Á vẫn còn vững chắc, khu vực này đã bị ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế trong bối cảnh những nền kinh tế lớn trong khu vực như Trung Quốc lung lay. Thu nhập của người Mỹ đang được cải thiện, nhưng các phản ứng của thương mại châu Á cho thấy điều này không còn có nhiều mối liên quan đến châu Á.

Hoàn cảnh kinh tế này tương tự những vận động viên chạy tiếp sức đánh rơi gậy khi trao cho nhau – khiến kinh tế mất đà, dẫn đến sự suy giảm liên tục trong thương mại toàn cầu và toàn bộ châu Á trải qua xuất khẩu sụt giảm mạnh. Đây là điểm thụt lùi đáng chú ý so với lịch sử thương mại mạnh mẽ của các quốc gia châu Á. Điều này ám chỉ các yếu tố thương mại châu Á sẽ bị phá vỡ, gia tăng xuất khẩu sẽ không tiếp tục đi kèm với gia tăng một phần thu nhập quốc gia.

Cơn bão thật sự có thể sẽ đến khi FED tăng lãi suất, điều này sẽ hút vốn đầu tư ra khỏi Trung Quốc và các thị trường mới nổi khác bao gồm cả châu Á. Trong khi đó, những diễn biến trên thị trường tiền tệ châu Á vừa qua minh chứng sự bất ổn sâu sắc của các nền kinh tế này. Do đó, áp lực đối với việc hoạch định chính sách để tạo ra một cú hích cho nền kinh tế càng quan trọng hơn bao giờ hết.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần