Bà Janet Yellen tại buổi họp báo tại Washington, ngay sau khi công bố quyết đinh giữ lãi suất cơ bản. Ảnh: Reuters
Từ năm 2008, kinh tế Mỹ rơi vào khủng hoảng. Mỹ đã sử dụng nhiều biện pháp để cứu chữa, ở mức độ nào đó cũng góp phần cứu chữa nền kinh tế thế giới. Bên cạnh bơm tiền vào thị trường, FED hạ lãi suất thật thấp để tạo chi phí vốn rẻ để mọi người, mọi nhà có thể tiếp cận chi phí đó rất thấp, để tạo ra sức sống mới, mạnh mẽ hơn để phục hồi nền kinh tế.
Bảy năm trôi qua sau cuộc khủng hoảng năm đó, nền kinh tế lớn nhất thế giới đã chứng kiến sự phục hồi mạnh mẽ với một loạt chỉ số tích cực như tăng trưởng vững, tỷ lệ thất nghiệp giảm đáng kể xuống còn một nửa, lạm phát thấp… do đó động thái này vẫn được FED đắn đo từ cuối năm 2014.
Một khi nền kinh tế lớn nhất thế giới tăng lãi suất, có thể tạo cú sốc cho kinh tế toàn cầu với việc đồng USD tăng mạnh và nguy cơ dòng tiền tháo chạy khỏi các nền kinh tế mới nổi… cùng nhiều hệ lụy khác. Do đó, từng động thái và tuyên bố của FED từ đầu năm 2015 tới giờ vẫn luôn được chú ý.
Nhiều đồn đoán cho rằng tháng 9 năm nay sẽ là thời điểm thích hợp cho động thái này, tuy nhiên, mọi thứ tính đến cuộc họp lần này của FOMC vẫn như cũ.