Quyết định cuối cùng của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) ngày 22/3 là tăng 0,25 điểm phần trăm lãi suất, đưa lãi suất quỹ liên bang lên mức 4,75 - 5%.
Đây là mức tăng có tính chất ôn hòa giữa 2 thái cực có thể xảy ra, bởi trước đó đã từng có phán đoán Fed thậm chí sẽ tăng lãi suất tới 0,5 điểm phần trăm, do tình hình lạm phát còn phức tạp.
Tuy nhiên, sự cố phá sản các ngân hàng Mỹ diễn ra cũng dẫn đến những dự đoán mới xuất hiện cho rằng, Fed có thể phải tạm dừng việc tăng lãi suất để tập trung ưu tiên cho xử lý khủng hoảng.
Trong tuần (23/3), ngân hàng Trung ương Anh (BoE) cũng tăng lãi suất thêm 25 điểm % cơ bản, lên 4,25% trong bối cảnh quốc gia này đang phải đối mặt với lạm phát cao và những lo ngại xoay quanh hệ thống ngân hàng. Quyết định này gần với mức cao kỷ lục trong vòng 40 năm và cao hơn 5 lần so với mục tiêu của BoE.
Tại thị trường tiền tệ trong nước, diễn biến lãi suất trên thị trường liên ngân hàng đang đi vào chuỗi ngày giảm sâu. Hiện tại, lãi suất cho vay qua đêm trên thị trường liên ngân hàng xuống chỉ còn 1,55%. Lãi suất các kỳ hạn khác cũng đã giảm xuống mức rất thấp, với kỳ hạn 1 tuần chỉ còn 1,98%; kỳ hạn 2 tuần còn 2,26%; kỳ hạn 1 tháng cũng chỉ còn 4,44%...
Trước đó hồi đầu tháng 3/2023, lãi suất cho vay qua đêm ghi nhận có lúc đạt mốc 6,4%; các kỳ hạn khác cũng leo lên mặt bằng khá cao với 1 tuần là 6,54%, 2 tuần là 6,65%, 1 tháng là 7,76%...
Lãi suất liên ngân hàng giảm sâu như hiện nay cũng được coi là tín hiệu cho thấy, tình trạng thanh khoản của hệ thống ngân hàng trong nước đang khá tốt. Nhu cầu hỗ trợ thanh khoản và nhu cầu vay mượn liên ngân hàng sụt giảm mạnh khiến lãi suất cho vay liên ngân hàng cũng giảm theo.
Đánh giá về động thái tăng lãi suất 0,25% của Fed, ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư của Maybank Investment Bank nhận định, việc Fed tăng lãi suất không phải là điều bất ngờ, mà đã được dự báo từ trước. Chính vì vậy, mức độ ảnh hưởng của kỳ điều chỉnh lần này tác động tới thị trường Việt Nam là không lớn, có chăng, tác động chỉ là yếu tố tâm lý ngắn hạn.
Với lần điều chỉnh này của Fed, chính Ngân hàng Nhà nước cũng đã dự tính và hành động sớm một bước. Cụ thể, ngày 14/3 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã hạ một loạt lãi suất điều hành. Cùng lúc đó, Ngân hàng Nhà nước cũng liên tục bơm thanh khoản hỗ trợ thị trường. Tuần qua, cơ quan này đã bơm ròng hơn 52.000 tỷ đồng ra hệ thống.
Thanh khoản thị trường hiện khá tốt và lãi suất liên ngân hàng giảm sâu tạo sự yên tâm hơn đối với người gửi tiền Việt Nam trước các biến cố của ngành ngân hàng trên thế giới thời gian gần đây.
Bên cạnh yếu tố cung cầu thị trường, dư địa giảm lãi suất sẽ còn phụ thuộc lớn vào mức độ ổn định của thị trường tiền tệ, tức còn tùy thuộc vào các biến số vĩ mô trong và ngoài nước.
Số liệu của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân quý I ước tăng khoảng 4,2 - 4,3% so với cùng kỳ năm 2022. Diễn biến lạm phát cơ bản cho thấy đang có xu hướng giảm tốc, trừ tháng 1/2023 trùng với dịp Tết Nguyên đán nên tăng cao.
Những nguyên nhân giúp cho CPI giảm áp lực trong thời gian qua có thể kể đến giá xăng dầu trong nước giảm khoảng 11% theo giá thế giới, tác động làm CPI quý 1 giảm khoảng 0,4%; giá gas trong nước giảm khoảng 1,8% theo giá thế giới, tác động làm CPI giảm khoảng 0,03%; chỉ số giá nhóm bưu chính, viễn thông giảm khoảng 0,3%, tác động làm CPI giảm khoảng 0,01%.
Tỷ giá USD rạng sáng 25/3, Ngân hàng Nhà nước công bố tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam với USD giảm mạnh 15 đồng, xuống mức 23.600 đồng. Hiện tại nguồn USD đổ vào Việt Nam đang dồi dào (FDI giải ngân nhanh, sự phục hồi của ngành du lịch) sẽ giúp hỗ trợ tỷ giá cũng như thanh khoản của hệ thống ngân hàng.
Điều này một mặt tạo sự yên tâm hơn đối với người gửi tiền Việt Nam trước các biến cố của ngành ngân hàng trên thế giới.
Ông Michael Kokalari - Kinh tế trưởng VinaCapital, cho biết, sự kiện Ngân hàng SVB (Mỹ) sụp đổ và Ngân hàng Credit Suisse (Thụy Sĩ) bị mất thanh khoản mới đây không ảnh hưởng đến kinh tế Việt Nam mà tạo điều kiện để Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hạ lãi suất, thu hút dòng tiền. Ngoài ra, đồng USD ngày càng yếu sẽ hỗ trợ đồng VND tăng giá; từ đó Ngân hàng Nhà nước có điều kiện tích lũy dự trữ ngoại hối. Khi áp lực tỷ giá USD/VND giảm, tạo điều kiện để lãi suất VND giảm, hỗ trợ nền kinh tế.
Trong tuần trước, thị trường đã chứng kiến một đợt giảm lãi suất tiền gửi đồng loạt của nhiều ngân hàng. Đặc biệt lần này có sự tham gia của nhóm ngân hàng thương mại gốc quốc doanh là Vietcombank, VietinBank, BIDV và Agribank.
Ngân hàng Nhà nước cũng nhiều lần khẳng định đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết giảm tối đa chi phí hoạt động, thủ tục hành chính, các khoản chi không cần thiết để phấn đấu giảm lãi suất cho vay, qua đó hỗ trợ doanh nghiệp, cá nhân phục hồi sản xuất kinh doanh.