Fed tăng lãi suất cao nhất nhiều năm ảnh hưởng thế nào đến chứng khoán Việt?

Hà Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mở cửa phiên giao dịch 16/6, các nhà đầu tư Việt đón nhận tin Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nâng lãi suất cơ bản thêm 75 điểm cơ bản, mức tăng cao nhất kể từ năm 1994. Tốc độ tăng lãi suất hơn mức dự kiến được coi là tín tiêu cực với thị trường.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Ủy ban Thị trường Mở Liên bang Mỹ (FOMC) đã nâng lãi suất 75 điểm cơ bản lên 1.5%-1.75%, mức cao nhất kể từ trước khi dịch Covid-19 bắt đầu tháng 3/2020. “Rõ ràng mức tăng 75 điểm cơ bản là lớn bất thường. Tôi không kỳ vọng những lần tăng lãi suất mạnh như hôm nay diễn ra thường xuyên trong tương lai” - ông Jerome Powell - Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) phát biểu trong cuộc họp báo ngày 15/6. Ông dự báo lãi suất có thể tiếp tục tăng thêm 50 điểm cơ bản hoặc 75 điểm cơ bản trong kỳ họp tới.

Việc Fed tăng lãi suất, thắt chặt chính sách tiền tệ diễn ra trong bối cảnh lạm phát tại Mỹ tăng cao. Đây được cho là giải pháp cần thiết mà Chính phủ Mỹ lựa chọn để kiềm chế lạm phát.

Về ảnh hưởng đến thị trường Việt Nam, theo ông Đỗ Bảo Ngọc - Phó Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Kiến Thiết, khi lạm phát tăng, chứng khoán giảm - đó là quy luật dễ dàng nhận ra của diễn biến thị trường. “Đỉnh của lạm phát sẽ là đáy của chứng khoán” - ông Ngọc nói. Việc Fed tăng lãi suất nhanh sẽ làm chậm đà tăng trưởng của nền kinh tế. Tâm lý bi quan, dòng tiền, trong đó có dòng tiền nhà đầu tư ngoại rút ra khỏi các kênh trái phiếu, chứng khoán, tâm lý nhà đầu tư lo ngại.

Tuy nhiên, ông Ngọc cũng cho rằng, sau nhiều dự báo, phân tích, việc Fed “chốt” mức tăng lãi suất cũng khiến tâm lý nhà đầu tư ổn định hơn và cũng có thể tác động tích cực đến thị trường.

Theo đánh giá của Công ty Chứng khoán Tân Việt (TVSI), phiên 15/6, tâm lý trên thị trường Việt Nam hay trên các thị trường tài chính quốc tế đều rất bi quan trước thềm cuộc họp của Fed. TVSI cho rằng tâm lý bi quan này là quá đà và vẫn bảo lưu quan điểm về kỳ vọng hồi phục của các thị trường sau quyết định tăng lãi suất của Fed.

Còn theo Công ty Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam (BSC), tốc độ tăng lãi suất hơn mức dự kiến trước đây là 0.5% được coi là tín hiệu tiêu cực với thị trường.

Trước đó, phiên 15/6, VN-Index giảm 16 điểm do đầu tư "nín thở" chờ động thái nâng lãi suất tiếp theo. Có thể thấy dòng tiền nhà đầu tư vẫn rất thận trọng trước những diễn biến tiêu cực của chứng khoán Mỹ. Kết thúc phiên giao dịch 15/6, VN-Index giảm 16 điểm (-1,33%) xuống 1.213,93 điểm. HNX-Index giảm 6,83 điểm (-2,35%) xuống 283,25 điểm và UPCoM-Index giảm 1,97 điểm (-2,17%) xuống 88,65 điểm. Thanh khoản trên 3 sàn phiên đạt xấp xỉ 19.000 tỷ đồng, tăng 12,8% so với phiên trước đó. Trong đó, giao dịch khớp lệnh trên sàn HOSE đạt trên 16.467 tỷ đồng.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần