Chứng khoán Mỹ lao dốc
Ngày 21/9, trong nỗ lực kiểm soát lạm phát đang ở vùng cao nhất 40 năm, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã quyết định nâng lãi suất quỹ liên bang thêm 75 điểm cơ bản (0,75 điểm %) lên khoảng 3 - 3,25%. Đây là lần thứ 3 liên tiếp Fed tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản, 2 lần trước đó diễn ra vào các cuộc họp tháng 6 và tháng 7 năm nay.
Các chỉ số chứng khoán Mỹ không biến động nhiều sau thông báo nâng lãi suất của Fed. Tuy nhiên, sau cuộc họp báo của Chủ tịch Jerome Powell, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones lao dốc. Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones giảm 522 điểm, tương đương 1,7%, và đóng cửa ở gần 30.184 điểm. Chỉ số S&P 500 mất 1,71% và dừng ở gần 3.790 điểm. Chỉ số thiên về công nghệ Nasdaq Composite sụt 1,79% còn 11.220 điểm.
Sau phiên giảm điểm 21/9, S&P 500 thấp hơn 10% so với 1 tháng trước và kém 21% so với đỉnh lịch sử thiết lập hôm 3/1 năm nay.
Tất cả 11 nhóm cổ phiếu thuộc S&P 500 đều đóng cửa trong sắc đỏ. Cổ phiếu hàng tiêu dùng thiết yếu là nhóm giảm ít nhất phiên 21/9 khi mất 0,34%; cổ phiếu tài chính, vật liệu, viễn thông và tiêu dùng không thiết yếu đều sụt trên 2%.
Sẽ còn tăng lãi suất nhiều lần nữa
Nhà đầu tư lo ngại Fed sẽ giữ thái độ diều hâu (thắt chặt tiền tệ để hạ lạm phát) trong thời gian dài hơn so với ước tính trước đó. Fed nhiều khả năng sẽ tăng lãi suất thêm tổng cộng 125 điểm phần trăm trong 2 cuộc họp còn lại của năm nay.
Điều đáng lo ngại với nhà đầu tư lúc này chính là diễn biến của thị trường chứng khoán thế giới sẽ tác động tiêu cực tới Việt Nam. Dù kịch bản Fed tăng lãi suất đã được nhiều công ty chứng khoán đưa ra từ trước nhưng thực tế chứng minh, thị trường chứng khoán Việt Nam luôn rơi vào tình trạng bán tháo mạnh sau mỗi lần Dow Jones lao dốc.
Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam (FSC) nhận định, thị trường có thể tiếp tục giằng co quanh mức hiện tại, và biến động mạnh do ảnh hưởng từ cuộc họp của Fed. Đồng thời, rủi ro ngắn hạn của thị trường chung vẫn ở mức cao cho nên áp lực giảm vẫn còn rất lớn, nhưng mức 1.200 điểm của VN-Index là mức hỗ trợ mạnh cho chỉ số này.
Ở kịch bản tích cực, nếu VN-Index tiếp tục biến động trong vùng 1.200 - 1.213 điểm thì rủi ro ngắn hạn có thể giảm dần. Ngoài ra, chỉ báo tâm lý ngắn hạn tiếp tục giảm nhẹ cho thấy tâm lý nhà đầu tư vẫn chưa cải thiện.
Xu hướng ngắn hạn của thị trường chung vẫn duy trì ở mức giảm. Do đó, các nhà đầu tư ngắn hạn có thể tiếp tục đứng ngoài và vẫn nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu thấp 30 - 35% danh mục.
Ông Phạm Lưu Hưng - Kinh tế trưởng Công ty CP Chứng khoán SSI cho rằng, trong những ngày Fed tổ chức họp thì thị trường chứng khoán biến động với biên độ lớn hơn bình thường. Nhà đầu tư trong giai đoạn này thường giao dịch thận trọng vì sợ có những thông tin bất ngờ xảy ra. Vì vậy, sau khi có thông tin Fed chính thức tăng lãi suất thì thị trường hay có một cú hồi phục mạnh. Điều này đã xảy ra nhiều lần trước đây. Tuy nhiên, sang đến ngày hôm sau thị trường lại có xu hướng "lao dốc" là một chuyện đã xảy ra nhiều lần.
Theo ông Phạm Lưu Hưng, Fed sẽ còn tăng lãi suất nhiều lần nữa, cho đến khi nào lạm phát được kiểm soát. Lạm phát ở Mỹ hiện đang mức cao, cao hơn rất nhiều so với mức Fed mong muốn. Theo những dự báo của Fed, phải tới năm 2025 lạm phát mới có thể giảm xuống mức 2%, do đó cơ quan này đang phải nâng lãi suất để kìm hãm lạm phát.
Tuy nhiên, chính sách tiền tệ vẫn chưa thể xử lý được hết vấn đề này. Khi tăng lãi suất Fed chỉ có thể thắt chặt được lượng cầu. Còn lạm phát do tắc nghẽn nguồn cung vì những bất ổn địa chính trị trên thế giới sẽ phải mất nhiều thời gian để giải quyết, chính sách tiền tệ không giải quyết được việc đó. Vì vậy, lạm phát sẽ không giảm ngay lập tức mà chỉ giảm một cách từ từ, có thể phải tính bằng năm nên ít nhiều vẫn có tác động đến thị trường chứng khoán.