Festival Nông sản - Văn hóa - Ẩm thực - Du lịch huyện Đan Phượng năm 2023 là một trong những hoạt động nhằm thực hiện Kế hoạch của UBND TP Hà Nội về tổ chức Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội năm 2023; Nghị quyết số 45-NQ/HU của Huyện ủy Đan Phượng về phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn huyện Đan Phượng giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Trong suốt 4 ngày diễn ra Festival, nhiều hoạt động đặc sắc đã được tổ chức, kéo dài từ sáng đến tối, thu hút đông đảo người dân và du khách tới tham quan, trải nghiệm.
Cụ thể, không gian văn hóa nghệ thuật gồm có chương trình đón nhận Bằng xếp hạng Di tích lịch sử nghệ thuật cấp Thành phố miếu Châu Trần (miếu Diều) xã Hồng Hà; Liên hoan thả diều truyền thống mở rộng; các chương trình biểu diễn hát ca trù, chèo tàu, hát văn; giao lưu văn hóa “Phụ nữ Đan Phượng khỏe - đẹp - duyên dáng”.
Không gian ẩm thực cũng đặc sắc không kém với Liên hoan ẩm thực huyện Đan Phượng, Liên hoan cháo se, trình diễn bánh tẻ, cơm nắm muối vừng, hội thi thổi cơm...
Không gian trải nghiệm sôi động với hội thi vẽ tranh chủ đề “Em yêu Đan Phượng quê em”; các trò chơi dân gian; quảng bá hoạt động du lịch, trải nghiệm làm diều.
Ngoài ra còn có không gian trưng bày sản phẩm OCOP của các tỉnh, thành, quận, huyện và nông sản trên địa bàn huyện Đan Phượng. Đặc biệt, không gian trưng bày các tiểu cảnh tại sân khấu chính miếu Hàm Rồng, các điểm trong cụm di tích Hạ Mỗ, hai bên bờ và lòng sông Nhuệ cổ được trang trí với nghệ thuật sắp đặt ngôn ngữ dân gian rất sống động, được người dân, du khách đánh giá cao.
Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Lê Thanh Nam cho biết, trong 4 ngày diễn ra Festival có khoảng trên 80.000 lượt khách đến tham quan. Trong đó, có khách quốc tế, du khách đến từ các quận, huyện trên địa bàn Hà Nội, những người con quê hương Đan Phượng và các tầng lớp Nhân dân đến mua sắm, ngắm cảnh, check in.
Tổng giá trị sản xuất trong 4 ngày đạt khoảng 20 tỷ đồng, quan trọng hơn là quảng bá được các sản phẩm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, nông sản và các loại hình dịch vụ địa phương.
Trong thời gian sự kiện diễn ra tại xã Hạ Mỗ, xã Hồng Hà, Công an huyện Đan Phượng phối hợp với Công an các xã đã làm tốt công tác phân luồng giao thông, đảm bảo an ninh trật tự, phòng cháy chữa cháy, bố trí khu vực để xe cho Nhân dân, du khách thuận tiện, an toàn. Rác thải hàng ngày được vận chuyển khỏi khu vực tổ chức sự kiện, đảm bảo môi trường sạch đẹp.
“Festival Nông sản - Văn hóa - Ẩm thực - Du lịch huyện Đan Phượng năm 2023 là sự kiện lớn, có ý nghĩa quan trọng nhằm quảng bá, giới thiệu sản phẩm tới Nhân dân trên địa bàn huyện, các quận, huyện bạn trong và ngoài Thành phố” – Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Lê Thanh Nam chia sẻ.
Theo ông Lê Thanh Nam, khác với các sự kiện quảng bá thương mại khác là chỉ trưng bày, giới thiệu sản phẩm, điểm mới và là điểm sáng tạo của huyện Đan Phượng là tích hợp Nông sản - Văn hóa - Ẩm thực - Du lịch, lấy cốt lõi từ các giá trị văn hoá truyền thống đặc sắc, tiêu biểu của huyện.
Đó là văn hoá vật thể và văn hoá phi vật thể, từ các di tích lịch sử, đặc biệt là cụm di tích xã Hạ Mỗ, văn hóa phi vật thể ca trù Thượng Mỗ, chèo tàu Tân Hội, diều Bá Giang. Đặc biệt, huyện Đan Phượng quyết định chọn khu vực miếu Hàm Rồng làm trung tâm, lấy dòng sông Nhuệ cổ là trục không gian kết nối, đây là sự kết hợp rất độc đáo.
Tại lễ bế mạc, Ban Tổ chức đã tiến hành trao giải Liên hoan ẩm thực huyện Đan Phượng năm 2023, Liên hoan nấu cháo se xã Hạ Mỗ. Đồng thời khen thưởng cho 22 tập thể, 39 cá nhân có nhiều đóng góp trong tổ chức thành công Festival Nông sản - Văn hóa - Ẩm thực - Du lịch huyện Đan Phượng năm 2023.