Forbes đánh giá vai trò dẫn dắt thị trường của cổ phiếu VCB

Lê Hưng
Chia sẻ Zalo

rnKinhtedothi - Tối 29/9, tại TP Hồ Chí Minh, Tạp chí Forbes tổ chức Lễ vinh danh “50 công ty niêm yết tốt nhất Việt Nam” lần thứ 4.

Nhóm các doanh nghiệp trong danh sách này được Forbes phân chia theo lĩnh vực gồm: Bảo hiểm, Ngân hàng, Chứng khoán, Bất động sản, Công nghệ, Bán lẻ, Hàng hóa gia dụng, Chăm sóc sức khỏe, Nông nghiệp và ngành phụ trợ, Logistics, Tiện ích, Nguyên vật liệu xây dựng, Ngành ô tô và phụ tùng, Ngành F&B, Đa ngành.

 Diễn đàn kinh doanh do Forbes Việt Nam tổ chức trước thềm Lễ vinh danh “50 công ty niêm yết tốt nhất Việt Nam” lần thứ 4
Danh sách xếp hạng mà Forbes đưa ra hầu hết là các công ty dẫn đầu trong từng lĩnh vực kinh doanh, có nhiều đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội thông qua đổi mới sản phẩm, công nghệ, sáng tạo trong cung ứng dịch vụ. Theo dữ liệu thống kê, 50 công ty trong danh sách có giá trị vốn hóa 829.010 tỷ đồng, chiếm 62,14 % giá trị vốn hóa thị trường (theo mức giá đóng cửa phiên giao dịch ngày 16/05/2016). Tổng giá trị doanh thu của 50 công ty đạt 475.546 tỷ đồng, bằng 37,77% của toàn thị trường. Lợi nhuận sau thuế đạt 53.482 tỷ đồng, chiếm 53,08% toàn thị trường.

Theo phương pháp của Forbes với phần tính toán định lượng, ở vòng sơ loại, hơn 700 cổ phiếu niêm yết được sắp xếp theo từng nhóm ngành. Những cổ phiếu đang thua lỗ hay trong quá trình hủy niêm yết, có giá trị vốn hóa dưới 300 tỷ đồng và doanh thu dưới 150 tỷ đồng đều không đủ tiêu chuẩn lọt vào danh sách. Các công ty được chấm điểm theo các tiêu chí: tỷ lệ tăng trưởng kép về doanh thu, lợi nhuận, tỷ lệ sinh lời ROE, ROA và tăng trưởng EPS giai đoạn 2011-2015. Ở bước kế tiếp, Forbes Việt Nam xem xét độc lập mức độ phát triển bền vững của doanh nghiệp: thương hiệu, chất lượng quản trị doanh nghiệp, nguồn gốc lợi nhuận trong quá khứ và triển vọng phát triển bền vững. Các công ty con có hoạt động kinh doanh phụ thuộc vào công ty mẹ (đã có tên trong danh sách), các công ty nhiều lần vi phạm nghĩa vụ công bố thông tin của hai sở giao dịch chứng khoán đều bị loại khỏi danh sách.
 Bà Lê Thị Hoa - Ủy viên Hội đồng quản trị Vietcombank tham dự Lễ vinh danh của Forbes và chia sẻ thông tin tại diễn đàn kinh doanh do do Forbes Việt Nam tổ chức
Trong lĩnh vực ngân hàng, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đã xuất sắc vượt qua các ngân hàng thương mại lớn mà nhà nước giữ cổ phần chi phối để trở thành đại diện duy nhất trong số các ngân hàng tại Việt Nam có mặt trong danh sách bình chọn của Forbes liên tiếp trong 4 năm qua.

Trên thị trường chứng khoán Việt Nam, cổ phiếu Vietcombank (mã VCB) hiện là một trong những cổ phiếu có giá trị vốn hoá lớn nhất thị trường (~140 ngàn tỷ đồng). Được niêm yết tại HOSE từ tháng 6/2009, cổ phiếu Vietcombank trong những năm qua liên tiếp là cổ phiếu có mức giá giao dịch cao nhất trong các cổ phiếu ngân hàng niêm yết và liên tục được nhà đầu tư nước ngoài duy trì trạng thái mua ròng.

Tạp chí Forbes Việt Nam đánh giá: Lợi nhuận sau thuế năm 2015 của Vietcombank tăng 16.4%. Vietcombank là một trong số ít ngân hàng trả cổ tức bằng tiền mặt, tỷ lệ 10% mệnh giá nhờ chất lượng tài sản đảm bảo. Cổ phiếu VCB tăng giá kéo nhóm cổ phiếu ngân hàng phục hồi và góp phần dẫn dắt thị trường đi lên trong năm 2015. Forbes ghi nhận Vietcombank là ngân hàng vượt trội về nhiều mặt: chất lượng tài sản tốt nhất, lợi thế chi phí vốn thấp nhất, ngân hàng có cấu trúc thu nhập đa dạng hóa và đứng đầu ở nhiều mảng sản phẩm dịch vụ.

Chia sẻ tại diễn đàn kinh doanh 2016 do Forbes tổ chức trước thềm Lễ trao giải, Bà Lê Thị Hoa - Ủy viên Hội đồng quản trị Vietcombank cho biết: Đây là lần thứ tư Forbes Việt Nam công bố danh sách Top 50 công ty niêm yết tốt nhất Việt Nam và Vietcombank vinh dự là ngân hàng duy nhất có tên trong danh sách này liên tiếp 4 năm qua. Chúng tôi tin tưởng rằng những đánh giá độc lập, khách quan theo phương pháp của Forbes đã phản ánh đúng chất lượng tài sản và giá trị doanh nghiệp niêm yết, thông qua đó mang lại giá trị thông tin cùng lợi ích thiết thực cho nhà đầu tư, góp phần phát triển bền vững thị trường chứng khoán Việt Nam.

Vietcombank hiện được đánh giá dẫn đầu về xếp hạng tín nhiệm so với các ngân hàng trên thị trường nội địa và mới đây tiếp tục được Moody’s xem xét nâng bậc tín nhiệm. Hãng tư vấn định giá thương hiệu hàng đầu thế giới Brand Finance cũng bình chọn Vietcombank trong Top 50 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam.

Tạp chí Forbes (Mỹ) ra mắt phiên bản tiếng Việt từ tháng 6/2013 (là ấn phẩm thứ 29 xuất bản trên toàn thế giới), được đánh giá là nguồn tham khảo mới cho các doanh nhân khởi nghiệp tại Việt Nam cũng như đưa ra những bài học, kinh nghiệm để doanh nghiệp Việt có thể vươn tầm lớn mạnh ra thế giới.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần