Đây là báo cáo về tình trạng sử dụng đồ uống có cồn tại 189 quốc gia và vùng lãnh thổ giai đoạn 1990 - 2017. Theo đó, tổng lượng tiêu thụ khắp thế giới mỗi năm đã tăng 70% từ 21 tỷ lít năm 1990 lên 35,7 tỷ lít vào năm 2017. Tại khu vực Đông Nam Á lượng tiêu thụ đồ uống có cồn đã tăng 34% trong vòng 7 năm (2010 - 2017).
Biểu đồ mà Forbes cung cấp chỉ ra Việt Nam là quốc gia có tốc độ tăng tiêu thụ đồ uống có cồn lớn nhất thế giới, 89,4% trong giai đoạn 2010 - 2017. Ấn Độ đứng thứ 2 trong danh sách với 37,2% trong cùng kỳ, xếp sau là Nhật Bản, Hoa Kỳ và Trung Quốc.
Năm 2017 bình quân mỗi người Việt uống 8,9 lít đồ uống có cồn, con số này tại Ấn Độ là 5,9 lít; Nhật Bản 7,9 lít; Hoa Kỳ 9,8 lít; Trung Quốc 7,4 lít. Tuy nhiên nếu tính bình quân đầu người thì Moldova là quốc gia có mức tiêu thụ đồ uống có cồn lớn nhất, trung bình mỗi người lớn tiêu thụ 15 lít rượu bia nguyên chất. Và nước có tỉ lệ thấp nhất là Kuwait với 0,005 lít mỗi năm.
Nghiên cứu cũng cho thấy xu hướng gia tăng sử dụng rượu bia được dự báo sẽ tiếp tục diễn ra đến năm 2030, khi châu Âu không còn duy trì mức tiêu thụ cao nhất. Trong khi đó, người Tây Ban Nha, Nga, Anh, Canada và Australia lại dần uống ít hơn.