Đẩy mạnh phát triển hệ thống bán lẻ
Năm 2012 FPT Retail ra đời thông qua tái cấu trúc Công ty TNHH bán lẻ FPT, hoạt động với hai thương hiệu chính là FPT Shop và F Studio By FPT. Ngay trong những ngày đầu thực hiện tái cấu trúc Công ty CP Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FPT Retail - DN quản lý hệ thống siêu thị FPT shop) đã xác định đầu tư mở rộng chuỗi bán lẻ sản phẩm công nghệ FPT Shop trên toàn quốc.Trước định hướng phát triển hệ thống siêu thị bán lẻ điện thoại FPT Shop, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng cơ hội vươn lên quá mong manh, bởi vào thời điểm đó trên thị trường đã có nhiều đối thủ mạnh như Thế Giới Di Động, Viễn Thông A, Trần Anh…
Bất chấp những lo lắng sẽ thua lỗ khi phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt của các DN hoạt động cùng ngành, ngay năm đầu tiên phát triển, FPT Retail đã mở 50 siêu thị FPT Shop. Phát huy những thành công bước đầu, FPT Retail liên tục mở rộng hệ thống bán lẻ điện thoại mang thương hiệu FPT Shop. Hiện FPT Retail đã sở hữu 625 siêu thị FPT Shop tại 63 tỉnh thành trên cả nước và vươn lên vị trí thứ 2 trên thị trường bán lẻ thiết bị di động tại Việt Nam.
Siêu thị điện thoại FPT Shop. Ảnh: Thu Hương |
Theo Tổng Giám đốc FPT Retail Hoàng Trung Kiên, để thích nghi với thị trường mà công ty lựa chọn là phát triển hướng kinh doanh mới trên diện tích cửa hàng của mình cũng như khai thác chiều sâu khách hàng hơn, đưa ra cách thức tiếp cận đa kênh tới khách hàng, để làm được điều này đòi hỏi phải có đội ngũ nhân lực nhiều kinh nghiệm. Giải quyết bài toán hóc búa này, FPT Retail đưa ra phương án hướng đến một tổ chức không phụ thuộc vào bất kỳ cá nhân nào. Chẳng hạn khi mở rộng hệ thống FPT Shop tại thị trường miền Trung, FPT Retail sẽ bố trí nhân sự có chuyên môn, kinh nghiệm làm người phụ trách. Nhưng những lãnh đạo này sau một thời gian hỗ trợ đào tạo sẽ “nhường chỗ” cho người mới thích ứng thực tế. “Chúng tôi không xây dựng đội bóng toàn ngôi sao mà chúng tôi sẽ biến "những bộ binh chân đất" thành những người có chuyên môn cao, điều này khác những DN cạnh tranh chỉ tập trung vào tuyển nhân sự có chuyên môn cao” - ông Kiên cho biết.Một bí quyết khác của công ty bán lẻ công nghệ này là xây dựng một bộ công cụ mô tả đồ sộ và đơn giản. Theo ông Kiên, đồ sộ là bởi bộ hướng dẫn đào tạo hướng dẫn chăm sóc khách hàng này phải được làm giàu liên tục và loại bỏ những thứ không phù hợp. FPT Retail xây dựng cơ sở dữ liệu, ngân hàng kịch bản nếu sử dụng phương án A sẽ “bật ra” ngay kịch bản B và được ứng dụng linh hoạt theo hoàn cảnh thực tế, phù hợp với quy mô của mình. Thực tế cho thấy khi hệ thống siêu thị Thế Giới Di Động sử dụng hệ thống bảng giá điện tử để cập nhật giá sản phẩm tức thời, nếu FPT Shop muốn áp dụng cách thức này phải đầu tư khoảng 20 tỷ đồng.
“Thời điểm đó, đối với FPT Retail 20 tỷ đồng là khoản tiền lớn, để thích ứng thực tế DN tìm ra các phương án, quy trình thay bảng giá trong vòng 10 phút, dù không nhanh bằng Thế Giới Di Động, nhưng lại tiết kiệm kinh phí cho DN”- ông Kiên nêu ví dụ.Nữ tướng của “đế chế” FPT ShopNói đến những thành công của “đế chế” FPT Shop không thể không nhắc đến “nữ tướng” Nguyễn Bạch Điệp - Chủ tịch HĐQT FPT Retail, người vừa được tạp chí Forbes Asia vinh danh trong danh sách 25 nữ doanh nhân quyền lực nhất châu Á 2020.Theo giới thiệu của tạp chí Forbes Asia, từ năm 1997, bà Nguyễn Bạch Điệp bắt đầu làm việc tại FPT là công ty mẹ của FPT Retail, ngay sau khi tốt nghiệp đại học. “Kể từ khi gia nhập FPT Retail 8 năm trước và trở thành chủ tịch năm 2017, bà Nguyễn Bạch Điệp đã góp phần xây dựng công ty trở thành nhà bán lẻ thiết bị công nghệ lớn thứ hai Việt Nam, với hơn 600 cửa hàng trên toàn quốc. Trong năm 2017, bà đã bổ sung lĩnh vực bán lẻ dược phẩm với thương vụ mua phần lớn cổ phần của chuỗi nhà thuốc Long Châu và mở rộng từ 4 cửa hàng lên khoảng 160. Để đáp ứng nhu cầu về mặt hàng dược phẩm gia tăng trong thời kỳ đại dịch, FPT Retail đặt kế hoạch mở thêm 60 nhà thuốc trong năm nay” - tạp chí Forbes Asia thông tin.Để được tạp chí Forbes Asia vinh danh, bà Nguyễn Bạch Điệp đã dày công xây dựng hệ thống siêu thị FPT Shop. Trong quá trình phát triển FPT Shop chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc lựa chọn mặt bằng bán lẻ, bà Điệp đã không dấu “dốt” mà chấp nhận học tập, áp dụng kinh nghiệm của những DN đi trước.
“Chúng tôi quan sát đối thủ, chọn ra tất cả các shop của đối thủ có lượng khách đông, doanh thu tốt để đặt cạnh. Làm như vậy, nếu doanh thu của đối thủ là 3 tỷ đồng/tháng thì FPT Shop cũng sẽ đạt hơn 2 tỷ đồng/tháng” - bà Điệp chia sẻ. Tìm được mặt bằng tốt, vấn đề tiếp theo là làm sao duy trì được hệ thống quản trị, chất lượng dịch vụ đồng đều giữa các điểm. Một lần nữa, bà Điệp lại tiếp tục học hỏi từ những DN đi trước qua đó áp dụng vào hệ thống FPT Shop sao cho phù hợp thực tế. Có thể nói cẩn trọng trong đầu tư, không ngừng học hỏi nên FPT Retail đã đưa chuỗi cửa hàng FPT Shop chỉ phải chấp nhận thua lỗ trong 2 năm đầu tiên xây dựng hệ thống bán lẻ điện thoại. Tới năm thứ 3, FPT Shop đã đạt doanh thu 5.200 tỷ đồng, báo lãi hơn 40 tỷ đồng, quan trọng hơn cả là hệ thống FPT Shop đã đứng thứ 2 trên thị trường bán lẻ mặt hàng điện thoại di động.
Báo cáo của FPT Retail cho thấy: Năm 2020 mặc dù dịch Covid-19 đã gây khó khăn không nhỏ đến hoạt động kinh doanh nhưng doanh thu FPT Retail đạt 14.661 tỷ đồng; năm 2021 đơn vị đặt mục tiêu doanh thu 16.400 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 120 tỷ đồng. Mặc dù từ đầu năm đến nay Covid-19 đã khiến hoạt động kinh doanh gặp khó khăn nhưng trong 6 tháng đầu năm FPT Retail đã đạt doanh thu 9.024 tỷ đồng, tăng trưởng 24% so với cùng kỳ năm 2020, hoàn thành 55% kế hoạch năm 2021. |