Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

G7 lột xác

Nguyên Sa
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hội nghị cấp cao thường niên năm nay, tổ chức ở Anh, là một dấu mốc rất đặc biệt trong lịch sử khuôn khổ diễn đàn này.

Thủ tướng nước chủ nhà Boris Jonhson chạm tay với Tổng thống Mỹ Joe Biden tại Hội nghị thượng đỉnh G7.
Sự tham dự của tân Tổng thống Mỹ Joe Biden với định hướng cầm quyền mới về đối ngoại là đưa "nước Mỹ trở lại với thế giới" và hình thức gặp gỡ trực tiếp trong thời buổi dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus corona gây ra đã giúp cho nhóm này có được biểu hiện ra bên ngoài như thể đã hồi sinh.
Nhìn vào kết quả của sự kiện lớn của G7 ở Anh có thể thấy khuôn khổ diễn đàn này không những chỉ hồi sinh mà còn như phần nào vừa lột xác. Xưa nay, hiếm khi nào nội bộ G7 đồng thuận và hài hòa như hiện tại.
Chắc chắn vẫn còn hoài nghi ở mức độ không nhỏ về Mỹ bởi ông Biden vừa mới cầm quyền ở Mỹ và ám ảnh trong G7 về quan điểm chính sách của người tiền nhiệm của ông Biden vẫn còn rất nặng nề. Nhưng xem ra G7 quyết tâm tận dụng cơ hội hiện có để hồi sinh và lột xác.
Cho nên bất đồng quan điểm và xung khắc lợi ích song phương giữa các thành viên của nhóm bị gạt sang bên nhường chỗ cho đoàn kết nhất trí và gây dựng lợi ích chung. G7 lại chủ ý thể hiện và quảng bá cho hình ảnh về khuôn khổ diễn đàn đa phương có đủ khả năng thực tế giải quyết cho thế giới những vấn đề cấp thiết hiện tại của thế giới: Đẩy lùi dịch bệnh hiện tại và ngăn ngừa dịch bệnh mới trong tương lai, thúc đẩy cuộc chiến chống biến đổi khí hậu trái đất mà trước mắt phục vụ cho hội nghị cấp cao sắp tới của LHQ về chủ đề nội dung này tổ chức ở Glasgow (Scottland), thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và thương mại thế giới trong bối cảnh thế giới vẫn còn bị ảnh hưởng tiêu cực nặng nề bởi dịch bệnh, trật tự thế giới ở thời sau dịch bệnh...
G7 còn chủ định lột xác ở phương diện đối phó Nga và Trung Quốc làm biểu hiện đặc trưng và điển hình cho cuộc đối đầu về ý thức hệ, hệ thống chính trị nhà nước và hệ giá trị giữa Phương Tây với những đối thủ bị Phương Tây coi là độc tài.

Câu hỏi còn để ngỏ ở đây là không biết G7 triển khai cụ thể như thế nào, sử dụng nguồn tài chính ở đâu và sau hội nghị cấp cao có kiên định thực hiện quyết sách hay lại đánh trống bỏ dùi.