Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Game blockchain Việt Nam chưa nở đã sắp tàn?

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mới đây, nhiều dự án game do một nhóm đội ngũ sáng lập với mục đích lừa đảo tích hợp kêu gọi đầu tư để kiếm lời rồi đánh tháo tài sản đang xuất hiện khiến không ít nhà đầu tư “mất trắng” vì đánh cược vào loại hình game này.

Gọi vốn "lùa gà"

Với thành công của Axie Infinity vào giữa năm 2021, nhiều dự án GameFi của đội ngũ người Việt Nam mọc lên như nấm sau mưa. Các trò chơi này mở bán token và cho chơi game ở nửa cuối năm 2021. Tuy nhiên, nhiều trò chơi của lập trình viên trong nước có dấu hiệu bất thường trong hoạt động, khiến đồng tiền số của game mất giá, nhà đầu tư thua lỗ.

Đầu tháng 1, những người tham gia dự án Crypto Bike "sốc" vì giá trị của đồng CB trong game giảm 40 lần, từ 0,9 USD xuống 0,02 USD trong thời gian ngắn. Hiện giá đồng này đã tăng lên 0,09 USD, nhưng vẫn thấp hơn cả chục lần so với mức đỉnh cuối tháng 12, khiến nhiều nhà đầu tư gần như mất trắng.

Crypto Bike khiến nhiều nhà đầu tư lao đao.
Crypto Bike khiến nhiều nhà đầu tư lao đao.

Việc giá CB đột ngột giảm mạnh được cho là do 6 triệu token của dự án bị bán ra. Số token này chiếm 60% tổng cung của dự án và đáng lẽ phải bị khóa. Anh Lê Hoàng Khang, một người chơi tại Hà Nội cho biết: "Tôi thấy ngờ ngợ vì dự án không nêu rõ các thành viên trong đội ngũ phát triển. Dù vậy phán đoán khả năng có lời cao do đây là lĩnh vực mới và tiềm năng nên tôi vẫn quyết định mua. Cuối cùng, do thấy giá CB lao dốc tôi quyết định bán tất số đang có và chịu chấp nhận thiệt hại vài trăm USD".

Crypto Bike không công bố đội ngũ trên website như các game blockchain khác, cùng với động thái "rút thuyền" từ dự án này đã khiến cộng đồng phẫn nộ và tìm ra danh tính của người đứng sau, là một nhóm phát triển game người Việt. Tuy nhiên, nhóm khẳng định họ cũng chỉ là người làm thuê cho một nhóm khác được cho là sinh viên tại một trường đại học ở Hà Nội.

Trước phản ứng mạnh mẽ từ phía các nhà đầu tư số, Crypto Bike đã vội vàng giải thích họ bị hack và hứa đền bù tối thiểu 70% số tiền cho người tham gia mua CB.

Song song với sự xuống giá thẳng đứng của CB, dự án Floki Iron cũng do nhóm người Việt phát triển bị tố lừa đảo. Gọi vốn bằng cách bán trước token tên FIT trên nền tảng PinkSale, ít lâu sau đó nhóm này thông báo bán hết số token trị giá 100 BNB vào ngày 22/12 trong ít phút. Mỗi BNB được định giá và bán ra 500 USD; Floki Iron đã thu về số tiền 50.000 USD.

Ngay sau đó, toàn bộ số tiền này đã bị rút ra thay vì dùng để đầu tư vào dự án như nhóm người này hứa hẹn. PinkSale sau đó thông báo về việc không thể liên hệ với nhóm phát triển Floki Iron và quyết định công bố danh tính dựa trên dữ liệu KYC, cho thấy 3 người này đến từ Thái Nguyên, Bình Phước và Quảng Nam.

"Sau khi mở một cuộc điều tra sâu về Floki Iron, chúng tôi kết luận người đứng sau đã cố tình lừa dối các nhà đầu tư và lấy cắp số tiền thanh khoản" - thông báo của PinkSale viết.

PinkSale cũng cho biết họ không có lựa chọn nào khác ngoài việc công khai giấy tờ tùy thân của các nhà đầu tư Floki Iron và phát hiện nhóm phát triển này đang phát triển một dự án khác có tên là CyberTronToken. Đến nay, website, fanpage và nhóm Telegram của nhóm này đã đều ngừng hoạt động.

Tiếng xấu cho game blockchain Việt

Những game lừa đảo kêu gọi mua tài sản số không chỉ khiến nhà đầu tư "trắng tay" mà còn là "con sâu làm rầu nồi canh", ảnh hưởng đến hướng phát triển những game có chiến lược và làm ăn chân chính. Danh tiếng của ngành game blockchain tại Việt Nam cũng bị ảnh hưởng xấu bởi các dự án chất lượng kém.

Anh Trần Khắc Minh, một nhà sáng lập một dự án game tại Hà Nội cho biết, dự án của anh đã ra sản phẩm demo, đội ngũ sáng lập có hồ sơ rõ ràng, nhưng vẫn mất nhiều thời gian để thuyết phục các nhà đầu tư trong lần gọi vốn mới đây. Anh này cho biết, các nhà đầu tư ngoại thận trọng hơn khi thấy dự án đến từ Việt Nam.

Theo ông Trần Dinh - CEO AlphaTrue, Việt Nam đã trở thành một điểm sáng trên bản đồ blockchain thế giới, điển hình với Axie Infinity. Trước đây, chỉ cần giới thiệu là dự án đến từ Việt Nam, một số quỹ sẵn sàng đầu tư từ buổi gặp đầu tiên. Tuy nhiên, sau khi xuất hiện nhiều game có dấu hiệu lừa đảo, sản phẩm chất lượng kém và không đúng sự thật, người dùng và nhà đầu tư thế giới dần mất thiện cảm.

"Việc này vô tình sẽ ảnh hưởng đến các dự án blockchain nghiêm túc khác của Việt Nam trong tương lai" - ông Trần Dinh nói.

Nhà đầu tư cần tỉnh táo trước lời kêu gọi đầu tư game blockchain.
Nhà đầu tư cần tỉnh táo trước lời kêu gọi đầu tư game blockchain.

Đồng quan điểm, ông Phùng Tiến Anh - chuyên gia của GAM Venture, quản trị viên cộng đồng nhà đầu tư NFT- Metaverse bày tỏ lo ngại về những dự án GameFi lừa đảo của người Việt gần đây. Nếu tình trạng ăn xổi, lừa lọc kiếm lời vẫn tiếp diễn, game blockchain Việt không thể tiến ra biển lớn với kiểu tư duy này. Nhiều nhà đầu tư nước ngoài đang dần từ chối dự án Việt.

Tỉnh táo trước khi xuống tiền

Luật sư Phan Vũ Tuấn - sáng lập công ty luật Phan Law cho biết, với tiền số nói chung và việc thành lập các quỹ đầu tư tiền số, hiện nay pháp luật chưa có quy định điều chỉnh cụ thể. Đồng thời, việc xác định tính hợp pháp của vấn đề này cần dựa trên phương thức hoạt động của quỹ.

Theo luật sư Nguyễn Hồng Thái - Giám đốc Công ty Luật Quốc tế Hồng Thái và đồng nghiệp, thông tin về tiền mã hóa (cryptocurrency), hay thường được gọi là "tiền ảo" chưa được pháp luật công nhận. Đồng thời, việc thành lập các quỹ đầu tư tiền số, hiện nay pháp luật chưa có quy định cụ thể. Vì vậy, nếu nhà đầu tư tài sản thật vào tiền ảo thì sẽ không được pháp luật bảo hộ.

Cũng theo luật sư Nguyễn Hồng Thái, trong trường hợp xác định được tổ chức, cá nhân kêu gọi đầu tư tiền ảo và bán tháo để thu lời thì có thể xử lý theo tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo các khoản trong điều 174 Bộ Luật hình sự. Các điểm và điều khoản quy định rõ mức phạt tăng nặng đối với các hành vi phạm tội có tổ chức, có tính chất chuyên nghiệp, dùng thủ đoạn xảo quyệt, hoặc chiếm đoạt tài sản từ 2 triệu đồng đến 500 triệu đồng thì có thể bị xử phạt hành chính hoặc phạt tù chung thân.

Để tránh việc là nạn nhân và mắc bẫy của những game blockchain kém minh bạch, nhà đầu tư cần xem xét nếu dự án mà đội ngũ giấu mặt, lộ trình phát triển game không rõ ràng, trò chơi nhàm chán nhưng tỷ suất hoàn vốn cao thì nên xem xét hủy đầu tư.

Ông Phạm Hưởng - người sáng lập kiêm Giám đốc điều hành của GFS Ventures cho hay những dự án chất lượng kém, bị thổi phồng là yếu tố không thể tránh khỏi của một thị trường đang phát triển nhanh như blockchain. Điều quan trọng là người dùng cần có kiến thức và kinh nghiệm để đánh giá những dự án kém chất lượng. Một quỹ đầu tư đạt chuẩn phải đảm bảo nhiều yếu tố bao gồm có đăng ký hoạt động với cơ quan chức năng, thực hiện thẩm định dự án cùng ban quản trị, minh bạch các khoản đầu tư và được xác nhận của người tham gia.