Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

“Game Online”- Biết rồi, nói mãi, khổ lắm

Vĩ Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc nghi phạm Đào Ngọc Hoàng (lớp 11 trường THPT Quỳnh Lưu 4) khai nhận việc đưa bé trai 5 tuổi (Quỳnh Lưu, Nghệ An) vào khu vực rừng, dẫn đến cái chết của bé, là “nhập vai” theo trò chơi điện tử. Câu chuyện game online và cộng đồng 55 triệu người chơi một lần nữa được xới lên.

Cuộc cách mạng công nghệ đã khiến cho những nhà sản xuất game online như mở cờ trong bụng, khi khu vực doanh thu game mobile khu vực Đông Nam Á năm 2019 tăng +13,9%. Với xu hướng phát triển như vũ bão của smartphone, ngày càng nhiều smartphone giá rẻ ra đời, khiến cho doanh thu game mobile đã tăng lên 69,4% và đang còn xu hướng tăng nữa trong thời gian tới.
 Chơi game gây ảnh hưởng đến sức khỏe và cuộc sống. Ảnh: Việt Linh

Khi trò chơi là trời cho
Tính đến đầu năm 2020, doanh thu dòng game PC chỉ còn 22,3%, dòng game console chỉ chiếm 8,3%. Được đánh giá tuổi bình quân dân số khu vực Đông Nam Á tương đối thấp, thị trường game online khu vực này đang bùng nổ khiến các nhà sản xuất game online hàng đầu thế giới, nhất là Trung Quốc, Hàn Quốc đặt chiến lược phát triển thị trường Việt Nam và khu vực. Các nhà phát hành game online tâm niệm, trò chơi là trời cho, xem đây là thị trường không bao giờ cạn.
Nếu như năm 2017, doanh thu thị trường game online khu vực chỉ mới đạt 275 triệu USD thì năm 2018 đã lên tới 322 triệu USD, tăng trưởng 17%. Năm 2019 sau khi Công an phá vụ án đánh bạc trực tuyến ở Phú Thọ liên quan đến tướng Phan Văn Vĩnh, Nguyễn Thanh Hóa, Nguyễn Văn Dương, Phan Sào Nam, các thẻ viễn thông các nhà mạng không được sử dụng thanh toán game online thì doanh thu của các công ty này sụt giảm. Dẫu thế thì con số dự kiến doanh thu 91 triệu USD từ game mobile và cộng đồng 55 triệu người chơi tại Việt Nam vẫn khiến cho không ít người quan tâm phải giật mình.
Các nhà quản lý, các bậc phụ huynh không khỏi quan ngại và giảm bớt mối lo khi tỷ lệ các em học sinh ngày càng dán mắt vào các màn hình điện thoại không có xu hướng giảm. Xu thế người chơi, trong đó có khá nhiều em nhỏ chuyển sang chơi game trên mobile đang tăng nhanh. Với khả năng mày mò rất nhanh, các em học sinh có thể dễ dàng tìm chơi những tựa game nước ngoài mà văn hóa của các quốc gia này hoàn toàn khác biệt văn hóa Việt Nam.
Sự im lặng đáng sợ
Khá nhiều nhà quản lý ban đầu có chung nhận định sau khi kênh thanh toán chủ đạo là thẻ viễn thông bị đóng thì thị trường game Việt Nam bớt đi sự phức tạp. Thực tế tại thị trường game online hiện nay sẽ chỉ còn các công ty lớn như : Garena, VNG (có sự hậu thuẫn của Tencent), Gamota (có nguồn lực từ Korea) có nguồn hậu thuẫn từ nước ngoài, có hệ thống thẻ thanh toán riêng là còn tồn tại. Thị trường game online thoạt nhìn đang bị chìm đi trong im lặng, nhưng thực tế câu chuyện thị trường game online lại không đơn giản như thế.
Trước hết khi mảng kinh doanh game không còn sáng sủa như trước thì các studio sản xuất game trong nước đến nay gần như đóng cửa hoặc chuyển sang lĩnh vực khác. Để duy trì việc phát hành khoảng 150 - 200 tựa game/năm ra thị trường, khi các nhà sản xuất game Việt Nam ngừng sản xuất, buộc các nhà phát hành phải nhập game nước ngoài. Đây thực sự là điều đáng tiếc vì trong quá khứ chúng ta từng có tựa game Flappy Bird (năm 2013) của Nguyễn Hà Đông nổi đình, nổi đám thế giới, doanh thu có ngày lên đến nửa triệu USD, tưởng như có thể tạo đà cú hích cho ngành công nghệ game, quảng bá văn hóa Việt ra nước ngoài.
Dù việc phát hành game là loại hình kinh doanh có điều kiện phải được cấp phép của Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử nhưng với vòng đời sản phẩm khá ngắn, có khi chỉ vài tháng nên đa phần các công ty phát hành đều phát hành chui. Khi thấy sản phẩm được thị trường chấp nhận, có doanh thu mới tiến hành làm thủ tục xin giấy phép nhằm bớt đi chi phí, thời gian.
Một giám đốc phát hành game (đề nghị giấu tên) chia sẻ: “Thường thì với những con game mobile nhập về với giá dưới 100.000 USD, phát hành độ 1 tháng, có doanh thu cao, chúng tôi mới làm thủ tục xin cấp phép. Các con “game cỏ” (giá mua 30.000 - 50.000 USD) thì cứ tung lên thị trường vì có khi chưa xin xong giấy phép thì nó đã chìm rồi”.
Rõ ràng việc làm thế nào để quản lý có hiệu quả game online nói chung và game mobile nói riêng bằng giải pháp công nghệ là cả một vấn đề mà các cơ quan chức năng phải tính toán. Trong đó, cần phải tính đến việc đơn giản hóa thủ tục, chi phí xin cấp phép để các nhà phát hành muốn “làm đúng” cũng dễ dàng thực hiện.
Ai đang làm chủ nội dung game online?
Trong khi đó, vì lợi nhuận các studio đã không tiếc tiền mời các chuyên gia tâm lý, các nhà sáng tạo ý tưởng, các nhà sử học dành nhiều thời gian nghiên cứu về sở thích của người chơi để cho ra đời nhiều tựa game thu hút game thủ.
Nếu quan sát thị trường game online, có thể bắt gặp hàng trăm, thậm chí hàng ngàn tựa game MMORPG là chữ viết tắt của Massively Multiplayer Online Role - Playing Game (game nhập vai trực tuyến nhiều người chơi). Thực tế, MMORPG là một dạng trò chơi RPG (nhập vai) nhưng có nhiều người chơi giao tiếp với nhau (thông qua người điều khiển) thay vì chỉ giao tiếp với các nhân vật NPC của game - thông qua một máy chủ (server) của nhà cung cấp quản lý.
Chỉ cần nghe giới thiệu về luật chơi, có lẽ chúng ta đã thấy được sự hấp dẫn của 1 trong 4 thể loại game online thịnh hành. Không những thế, gần đây khá nhiều công ty game Trung Quốc vừa cho ra đời thể loại MMO RPG SLG kết hợp cả 3 yếu tố: Nhập vai, chiến thuật và mạng xã hội còn hút khách hơn nữa.
Bên cạnh đó, đã có không ít trường hợp vợ bỏ chồng, cha từ con khi game thủ dính vào game bài, sức hút của game bài này còn kinh khủng hơn cờ bạc truyền thống rất nhiều lần. “Không phụ thuộc khoảng cách địa lý, không giới hạn người chơi, không giới hạn số tiền chơi”… thì game bài online với hàng trăm thể loại, lối chơi đơn giản, đã và đang là mối đe dọa cho hàng ngàn gia đình Việt.
Trong thời đại Internet bùng nổ công nghệ 4G, 5G, kết nối của người dùng sẽ mạnh hơn, phương tiện truyền thông sẽ nhanh hơn. Trong dòng chảy của “cách mạng công nghệ” ấy, Việt Nam không thể đứng ngoài và chúng ta cũng không thể ngăn cản công nghệ sản xuất game, phát hành game. Nhưng có một thực tế là studio sản xuất game Việt đã chết yểu, game lậu tràn lan, các nhà phát hành “thuần Việt” ngày càng ít dần và xu hướng các game thủ tìm chơi các trò chơi nước ngoài có xu hướng gia tăng. Đó cũng là một thực tế và chúng ta đã phải trả giá bằng những hệ lụy xã hội mà mới đây là cái chết của một cậu bé mới 5 tuổi ở Quỳnh Lưu (Nghệ An).
VTC Mobile có nhiều năm là nhà phát hành game mobile số 1 của Việt Nam. Nhưng hiện nay vẫn không thể “đọ” được với các “đại gia” ngành game sinh sau đẻ muộn nhưng được hậu thuẫn bởi các nhà sản xuất và phát hành game nước ngoài. Theo Phó Giám đốc Công ty VTC Mobile Trần Thị Thanh Hằng, game giờ chỉ là một mảng dịch vụ của công ty, VTC Mobile đã phải lấn sang mảng dịch vụ khác như dịch vụ giá trị gia tăng cho di động, dịch vụ bản quyền nội dung số. Giấc mơ về một studio Việt, sản xuất được những tựa game Việt hấp dẫn đang lùi dần vào dĩ vãng.