Ngay từ đầu năm 2020, Bộ NN&PTNT đã tập trung chỉ đạo các địa phương chủ động thực hiện tốt kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng. Theo đó, đã thông tin, khuyến cáo kịp thời cho các địa phương về mùa vụ, và hướng dẫn kỹ thuật trồng rừng những loài cây chủ yếu; ban hành thường xuyên, kịp thời các văn bản chỉ đạo về phát triển rừng.
Công tác quản lý chất lượng giống được địa phương nghiêm túc thực hiện, tỷ lệ diện tích rừng trồng được kiểm soát giống đạt 85%. Năm 2020, cả nước đã trồng mới được 220.000ha rừng, đạt 100% kế hoạch. Số lượng cây giống lâm nghiệp đã chuẩn bị được 823,4 triệu cây các loại phục vụ cho công tác trồng rừng.
Năm qua, Bộ NN&PTNT tiếp tục chỉ đạo các địa phương thực hiện nghiêm túc Chỉ thị về việc tăng cường các biện pháp cấp bách về phòng cháy; quản lý, bảo vệ rừng và cho thuê môi trường rừng đặc dụng, phòng hộ... Đôn đốc, giám sát địa phương triển khai các biện pháp bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng; kiểm tra, xác minh thông tin phản ánh tình trạng phá rừng.
Công tác bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng tiếp tục được các địa phương quan tâm chỉ đạo thực hiện. Năm 2020, cả nước đã xảy ra 9.637 vụ vi phạm các quy định của Luật Lâm nghiệp, giảm 402 vụ (tương đương 4%) so với năm 2019. Đáng chú ý, diện tích rừng bị thiệt hại trong năm qua là 1.469ha, giảm đến 1.191ha (tương ứng khoảng 45%) so với năm 2019.
Mặc dù vậy, Bộ NN&PTNT đánh giá vẫn còn tồn tại những điểm nóng về phá rừng, mua bán, vận chuyển lâm sản trái phép tại một số địa phương, nhất là khu vực Tây Nguyên. Nguyên nhân của tình trạng phá rừng là lấy đất trồng rừng của một số người dân thiếu đất sản xuất, tình trạng di dân tự do vẫn còn diễn ra ở một số nơi. Bên cạnh đó là chuyển đổi sang nông nghiệp, trồng cây công nghiệp; khai thác gỗ có giá trị thương mại cao tại một số khu rừng tự nhiên còn gỗ quý...
Năm 2021, bảo vệ, phát triển và sử dụng hiệu quả, bền vững diện tích rừng hiện có vẫn sẽ là nhiệm vụ trọng tâm của Bộ NN&PTNT. Bộ phấn đấu bảo vệ và phát triển bền vững đối với 100% diên tích rừng hiện có. Trong đó, ngân sách Trung ương ưu tiên chi cho khoán bảo vệ rừng phòng hộ xung yếu có nguy cơ xâm hại cao và ở các huyện biên giới, hải đảo thuộc các địa phương có ngân sách khó khăn không đảm bảo cân đối tại chỗ.
Bên cạnh đó, Bộ NN&PTNT cũng sẽ tăng cường công tác bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng. Ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm quy định của pháp luật về lâm nghiệp, đảm bảo giảm tối thiểu 10% về số vụ vi phạm và diện tích rừng bị thiệt hại so với năm 2020.