Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Gần 1 tỷ trẻ em trên thế giới thường xuyên bị bạo hành

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Liên hợp quốc cho biết tình trạng bạo hành trẻ em chưa được đánh giá đúng mức vì tại một số nước vấn đề này vẫn được xã hội chấp nhận do không coi đây là bạo hành.

Ngày 4/9, Liên hợp quốc công bố báo cáo cho biết 2/3 trẻ em trên thế giới trong độ tuổi từ 2-14 (gần 1 tỷ em) là đối tượng bị bạo hành thường xuyên. 

Số liệu này cho thấy tình trạng bạo hành trẻ em đã ở mức nghiêm trọng nhất từ trước đến nay.

Báo cáo của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) thu thập số liệu từ 190 quốc gia cho biết chỉ riêng trong năm 2012, khoảng 95.000 trẻ em là nạn nhân của các vụ giết người. 
Ảnh minh họa. (Nguồn: dpshots.com)
Ảnh minh họa. (Nguồn: dpshots.com)
Điều đáng lo ngại nhất là gia đình và những người bảo trợ lại chiếm tỷ lệ cao nhất trong các vụ tội phạm nhằm vào trẻ em.

Thống kê cho thấy 1/5 nạn nhân của các vụ giết người trên thế giới là trẻ em và thiếu niên dưới 20 tuổi.

Tình trạng trẻ em bị bắt nạt tại trường học cũng đáng báo động khi số liệu cho thấy hơn 30% số học sinh trong độ tuổi từ 13-15 là nạn nhân.

Cũng theo Liên hợp quốc, các bé gái không chỉ là nạn nhân của tình trạng bạo hành trẻ em, mà còn là nạn nhân của các vụ lạm dụng tình dục.

Số liệu cho thấy khoảng 120 triệu em gái dưới 20 tuổi trên thế giới từng bị cưỡng bức hoặc các hình thức lạm dụng tình dục khác.

Nếu tính theo tỷ lệ, cứ ba thiếu niên nữ từ 15-19 tuổi (khoảng 84 triệu em) thì có một em bị chồng hoặc bạn tình bạo hành thân thể, tình dục.

Liên hợp quốc cho biết tình trạng bạo hành trẻ em chưa được đánh giá đúng mức vì tại một số nước vấn đề này vẫn được xã hội chấp nhận do không coi đây là bạo hành. Đó là chưa kể, các nạn nhân quá nhỏ hoặc quá yếu đuối không thể báo cáo sự việc lên các cơ quan chức năng. 

Số lượng các cơ quan bảo vệ trẻ em không nhiều cũng là một trở ngại.

Theo UNICEF, báo cáo trên cho thấy tính cấp thiết của việc tất cả các quốc gia phải quan tâm đúng mức tới tình trạng bao hành trẻ em. 

Cơ quan này đề xuất 6 chiến dịch được tiến hành từ gia đình đến chính phủ để giải quyết tình trạng này, bao gồm hỗ trợ và trang bị kỹ năng sống cho cha mẹ và trẻ em, tăng cường hệ thống xã hội, tư pháp và chống tội phạm, nâng cao nhận thức đối với các hành vi bạo hành và tính nhân văn nhằm thay đổi thái độ của người lớn cũng như quan niệm của xã hội đối với các hành vi bạo hành trẻ em.

Báo cáo được công bố nhân dịp kỷ niệm lần thứ 25 Công ước Liên hợp quốc về quyền trẻ em.