NCA đã tiến hành khảo sát trên gần 5.000 đơn vị, tổ chức tại Việt Nam. Kết quả cho thấy: 85,11% đơn vị trang bị phần mềm diệt virus bảo vệ cho các máy tính, máy chủ; 75,68% đơn vị đã đầu tư giải pháp tường lửa và 64,13% đã có giải pháp sao lưu, phục hồi dữ liệu. Đây đều là những giải pháp cơ bản và cần thiết theo hướng dẫn của các cơ quan chức năng.
Trong các đơn vị được khảo sát thì 75,68% tổ chức đào tạo nhận thức an ninh mạng cho nội bộ ít nhất 1 lần trong năm. Bên cạnh đó, vẫn còn 24,32% đơn vị không có lớp đào tạo.
Một số giải pháp công nghệ tiên tiến đã bắt đầu được sử dụng phổ biến: giải pháp an ninh mạng tập trung được 47,11% cơ quan, doanh nghiệp quan tâm; dịch vụ tin tình báo an ninh mạng có 35,26% đơn vị sử dụng.
Bên cạnh đó, 64,13% tổ chức cho biết đã chủ động đánh giá, ban hành cấp độ an toàn thông tin cho các hệ thống của đơn vị theo hướng dẫn.
Như vậy, các cơ quan, doanh nghiệp tại Việt Nam có những cải thiện về nhận thức an ninh mạng, quan tâm hơn đến đầu tư cho sản phẩm, giải pháp công nghệ, tích cực đào tạo nhận thức và triển khai, chuẩn hóa quy trình đảm bảo an ninh mạng.
Tuy nhiên, trong năm 2024, nhiều vụ tấn công trên không gian mạng đã xảy ra, nhắm vào các doanh nghiệp, tổ chức lớn và các cơ sở y tế, giáo dục... Cụ thể: hơ 659.000 vụ tấn công đã xảy ra với 46,15% cơ quan, doanh nghiệp Việt Nam đã từng bị tấn công mạng ít nhất một lần trong năm trong đó 6,77% thường xuyên bị tấn công.
Tấn công có chủ đích -APT, tấn công gián điệp và tấn công mã hóa dữ liệu là 3 hình thức tấn công mạng phổ biến. Trong đó, tấn công APT là chủ yếu với 26,14% là tấn công sử dụng mã độc gián điệp nằm vùng.
Được biết, ngoài đánh cắp thông tin, dữ liệu, các đơn vị còn phải đối mặt với mối đe dọa mã hóa dữ liệu tống tiền. Cụ thể: 14,59% cơ quan, doanh nghiệp cho biết đã bị tấn công bằng mã độc ransomware trong năm nay.
NCA khuyến nghị: các tổ chức cần rà soát lỗ hổng hệ thống thường xuyên, cập nhật các bản vá bảo mật kịp thời.