Gần 70 triệu phụ nữ mang thai ngoài ý muốn

Thảo Trần
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hàng năm, có tới 1/3 trong số trên 205 triệu (gần 70 triệu) trường hợp mang thai trên thế giới là mang thai ngoài ý muốn.

Ngày 23/9, Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) Việt Nam tổ chức hội thảo “Hưởng ứng Ngày tránh thai thế giới” với chủ đề “Chủ động tránh thai, trách nhiệm không của riêng ai”.
 Ban tổ chức trao giải cho các tập thể tham gia cuộc thi online “Hiểu về tránh thai”; cuộc thi "Cùng viết nên câu chuyện truyền cảm hứng".
Sự kiện được tổ chức nhân kỷ niệm lần thứ 12, Ngày Tránh thai thế giới (26/9) nhằm nâng cao nhận thức và kiến thức cho cộng đồng về nguyên nhân của việc mang thai ngoài ý muốn, phá thai không an toàn, lợi ích của việc tránh thai… cũng như kêu gọi sự quan tâm và nhiều nỗ lực hơn nữa từ các cơ quan có liên quan đặc biệt là cho các đối tượng trong độ tuổi sinh đẻ.
Tổng cục Trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ Nguyễn Doãn Tú cho biết, theo Tổng cục Thống kê, hiện nay, số phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ (15-49 tuổi) là trên 24,2 triệu người. Trung bình mỗi năm dân số Việt Nam tăng thêm khoảng gần 1 triệu người. Trong những năm tới, số phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ vẫn sẽ tiếp tục gia tăng và dự báo sẽ đạt cực đại vào năm 2027 – 2028.
Trong khi đó, tỷ lệ sử dụng biện pháp tránh thai (BPTT) năm 2017 là 76,5%, trong đó tỷ lệ sử dụng các BPTT hiện đại là 65,4%.
 Một hoạt cảnh trong tại hội thảo “Hưởng ứng Ngày tránh thai thế giới”.
Tuy nhiên, nhu cầu sử dụng các phương tiện tránh thai tiếp tục tăng. Đặc biệt, vị thành niên, thanh niên cần được quan tâm hơn. Họ là những đối tượng phải đương đầu với nhiều nguy cơ và thách thức liên quan đến sức khỏe sinh sản (SKSS), sức khỏe tình dục như: Họ thiếu kiến thức, kỹ năng cần thiết để chăm sóc bản thân. Tỷ lệ phá thai, bao gồm cả phá thai ở vị thành niên, thanh niên còn cao. Tình trạng phá thai lặp lại còn khá phổ biến; tỷ lệ vô sinh, nhất là vô sinh thứ phát đang có chiều hướng gia tăng, dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ còn một số hạn chế.
 Các đại biểu ký cam kết hưởng ứng Ngày tránh thai thế giới.
Xuất phát từ kết quả các cuộc khảo sát đa quốc gia về thăm dò thái độ của giới trẻ trong quan hệ tình dục tại châu Âu vào những năm đầu thế kỷ 21 cho thấy mức độ đáng báo động về quan hệ tình dục không được bảo vệ cũng như kiến thức, hiểu biết về các BPTT còn thiếu hụt trong giới trẻ. Bên cạnh đó, các chương trình giáo dục SKSS, giới tính trong hệ thống nhà trường không đủ để cung cấp thông tin một cách toàn diện về vấn đề này.
Điều đó, dẫn đến hàng năm, có tới 1/3 trong số trên 205 triệu (gần 70 triệu) trường hợp mang thai trên thế giới là mang thai ngoài ý muốn, 36% độ tuổi vị thành niên cho biết có quan hệ tình dục không sử dụng biện pháp bảo vệ, trong khi tỷ lệ bệnh lây truyền qua đường tình dục cao nhất ở độ tuổi dưới 25...
 Hội viên phụ nữ tham quan triển lãm ảnh tại hội thảo “Hưởng ứng Ngày tránh thai thế giới”.
Chính vì vậy, giải quyết các nhu cầu chưa được đáp ứng về KHHGĐ chính là một trong những cách thức đầu tư mang lại hiệu quả cao nhất với chi phí thấp nhất. Phòng tránh thai mang lại rất nhiều lợi ích.
Trong đó, lợi ích của việc phòng tránh thai sẽ giúp phụ nữ chủ động trong việc sinh đẻ của mình như chủ động trong thời gian sinh đẻ, khoảng cách sinh và số lượng con sinh ra.
Tránh được những tai biến sản khoa và không bị các bệnh lây truyền qua đường tình dục. Nhờ việc không sinh con sớm, quá dày, quá nhiều hay quá muộn, đặc biệt khi người phụ nữ chưa phát triển đầy đủ cả về thể chất lẫn sinh lý nên sẽ hạn chế được các tai biến cho bà mẹ và thai nhi. Đẻ quá muộn thì làm tăng tỉ lệ dị tật thai. Đẻ quá nhiều và dày khiến cho phụ nữ hao mòn, dễ bị tai biến khi sinh đẻ, thậm chí là chết lưu và suy dinh dưỡng…
Phòng tránh thai giúp nâng cao chất lượng cuộc sống gia đình: Lợi ích của việc phòng tránh thai giúp mỗi gia đình có đủ 2 con, không sinh quá nhiều. Từ đó, có điều kiện để chăm sóc, giáo dục con cái tốt hơn. Nâng cao được đời sống, kinh tế của mỗi gia đình. Do có sức khỏe, văn hóa và kinh tế tốt, chị em phụ nữ và các cặp vợ chồng có đủ điều kiện để thực hiện quyền hưởng thụ và bồi dưỡng sức khỏe tình dục, SKSS.
Là tổ chức đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ và trẻ em gái, từ năm 2016, Hội LHPN Việt Nam phối hợp với các đơn vị phát triển chương trình truyền thông chăm sóc sức khoẻ cộng đồng “Là phụ nữ tôi chọn sống chủ động”. Đến nay chương trình đã tiếp cận 220.000 chị em phụ nữ và gần 20.000 các bạn trẻ sinh viên.