KTĐT - Bộ hồ sơ được phát hiện đang lưu giữ tại Chi cục Văn thư Lưu trữ tỉnh Thừa Thiên-Huế bao gồm 10 trang tài liệu (6 trang tiếng Pháp và 4 trang tiếng Việt).
Ngày 18/2, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Phú Vang Phan Văn Quang cho biết, thị trấn Thuận An (huyện Phú Vang, Thừa Thiên-Huế) vừa gắn biển tên đường Hoàng Sa cho tuyến đường nằm ven biển ở đây.
Tuyến đường dài 2km, điểm đầu nối với đường Nguyễn Văn Tuyết, điểm cuối giáp Trạm kiểm soát của Đồn Biên phòng Cửa khẩu Thuận An.
Liên quan đến chủ quyền quần đảo Hoàng Sa, vừa qua, tại Thừa Thiên-Huế cũng đã bàn giao bộ hồ sơ mang tiêu đề "Ty khí tượng tại đảo Hoàng Sa 1955" cho Bộ Ngoại giao.
Bộ hồ sơ được phát hiện đang lưu giữ tại Chi cục Văn thư Lưu trữ tỉnh Thừa Thiên-Huế bao gồm 10 trang tài liệu (6 trang tiếng Pháp và 4 trang tiếng Việt).
Đây là hồ sơ gốc của Ty Kiến Thiết (chế độ cũ) liên quan đến chủ quyền quần đảo Hoàng Sa giai đoạn 1897 đến năm 1960, trong đó có các văn bản được đánh máy, có đầy đủ chữ ký cũng như con dấu, các bút tích xử lý công việc với nội dung về việc sửa chữa Ty Khí tượng Hoàng Sa.
Trước đó, nhà nghiên cứu Phan Thuận An đã tìm thấy tại tủ sánh gia đình ở Phủ Ngọc Sơn Công Chúa (là con Vua Đồng Khánh, em vua Khải Định, cô ruột vua Bảo Đại) 2 tờ Châu bản và 1 văn bản chữ Hán viết trên giấy dó do làng Mỹ Lợi, xã Vinh Mỹ, huyện Phú Lộc cất giữ từ hơn 250 năm nay.
Hai tờ Châu bản này đều có bút tích Ngự phê của vua Bảo Đại, với nội dung liên quan đến việc ban thưởng cho các cá nhân, tổ chức có công lao trong việc gìn giữ quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Trong đó, tờ Châu bản thứ nhất đề ngày 15 tháng 12 năm Bảo Đại thứ 13 (3/2/1939) truy tặng Huy chương Long tinh của Nam triều cho ông Liuis Pontan, Chánh cai đội thượng hạng nhất của đội lính Khố xanh trú đóng tại đảo Hoàng Sa vốn qua đời do bệnh nặng trong quá trình công tác tại Hoàng Sa.
Tờ Châu bản thứ 2 đề ngày 27 tháng 12 năm Bảo Đại thứ 13 (15/2/1939) tặng Huy chương Long tinh cho đơn vị lính Khố xanh ở Trung Kỳ đã có công trong việc dẹp loạn "man di" ở miền núi và lập đồn thủ ở đảo Hoàng Sa.
Văn bản chữ Hán, viết trên giấy dó, do làng Mỹ Lợi, xã Vinh Mỹ, huyện Phú Lộc cất giữ từ hơn 250 với nội dung là giải quyết vụ tranh kiện giữa phường Mỹ Toàn (làng Mỹ Lợi ngày nay) và phường An Bằng (làng An Bằng ngày nay) về chiếc ghe của đội Hoàng Sa do quan sở tại phê phó. Văn bản này là minh chứng về việc nhà nước thời Lê đã có biên chế đội Hoàng Sa chuyên trách tuần tiểu và trấn giữ quần đảo Hoàng Sa./.