Tới dự có Phó trưởng Ban tôn giáo Chính phủ Trần Thị Minh Nga; Hàm Vụ phó Vụ Nội chính Văn phòng Chính phủ Nguyễn Tài Tâm; Trưởng lão Hoà thượng Thích Thanh Nhiễu - Uỷ viên thường trực Hội đồng chứng minh, Phó chủ tịch thường trực Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN); Hoà thượng Thích Thanh Điện - Phó chủ tịch Hội đồng trị sự GHPGVN; Hòa thượng Thích Đức Thiện - Phó Chủ tịch Tổng thư ký Hội đồng trị sự GHPGVN; Phó giám đốc Sở Văn hoá - Thể thao TP Hà Nội Trần Thị Vân Anh; đại diện GHPGVN TP Hà Nội và lãnh đạo huyện Thanh Trì.
Sư bà Phương Dung - Sư ni đầu tiên của Phật giáo Việt Nam
Tại buổi lễ, đại diện Phòng Nội vụ huyện Thanh Trì đã công bố quyết định của UBND TP Hà Nội về việc đặt tên đường mang tên Sư bà Phương Dung và quyết định công nhận xếp hạng Di tích lịch sử văn hoá đình Yên Phú, xã Liên Ninh.
Theo đó, Sư bà Phương Dung sinh vào thời Đông Hán (đầu Công Nguyên) ở làng Lưu Hàm, huyện Thượng Hiền, phủ Nghĩa Hưng, đạo Sơn Nam Hạ - là vị Sư ni đầu tiên của Phật giáo Việt Nam, có công lao lớn đối với đạo pháp và dân tộc. Đến năm 40 sau Công Nguyên, khi đang tu hành tại chùa Thanh Vân Cổ Tự (nay là chùa Yên Phú), Sư bà cùng hai người đệ tử là Trung Vũ, Đài Liệu và các tráng sĩ làng Yên Phú nghe theo tiếng gọi của Hai Bà Trưng phất cờ khởi nghĩa đánh dẹp quân Tô Định, giành lại nền độc lập cho dân tộc.
Ngày nay, chùa Yên Phú đã được Bộ Văn hoá công nhận là Di tích lich sử quốc gia và UBND TP Hà Nội vinh danh đặt tên đường mang tên Sư bà Phương Dung; đình Yên Phú là di tích lịch sử TP Hà Nội.
Thời gian qua, huyện Thanh Trì không ngừng quan tâm phát triển hạ tầng kỹ thuật, từng bước chuyển biến theo hướng hiện đại, xanh, sạch, đẹp, khai thác nguồn lực di tích lịch sử văn hóa để phát triển du lịch, phát triển các loại hình công nghiệp văn hóa, góp phần vào việc xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, hướng tới xây dựng con người Thủ đô hoàn thiện theo hướng chân - thiện - mỹ, góp phần xây dựng Thủ đô Hà Nội "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại". Trong đó có nhiệm vụ rà soát, đề xuất TP đặt tên đường và các công trình công cộng, xếp hạng di tích lịch sử văn hóa nhằm thực hiện tốt công tác quản lý đô thị, quản lý hành chính; đáp ứng yêu cầu và tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân và Nhân dân trong các hoạt động giao dịch.
Ngày 2/7/2024, HĐND TP Hà Nội ban hành Nghị quyết số 15-NQ/HĐND; ngày 31/7/2024 UBND TP Hà Nội ban hành Quyết định số 3967-QĐ/UBND về việc đặt tên, điều chỉnh độ dài một số đường phố và công trình công cộng trên địa bàn TP Hà Nội năm 2024. Theo đó, huyện Thanh Trì có thêm 2 tuyến đường mới, trong đó có tuyến đường Phương Dung.
Tuyến đường mang tên Sư bà Phương Dung, xã Liên Ninh, huyện Thanh Trì, TP Hà Nội được xác định từ ngã 3 giao cắt điểm cuối đường Ngọc Hồi tại cầu Ngọc Hồi và Di tích chiến thắng Ngọc Hồi đến hết địa phận huyện Thanh Trì (cầu Quán Gánh) có chiều dài 2.750m, rộng 20m.
Đình Yên Phú - ngôi đình cổ nhiều giá trị
Đối với đình Yên Phú thờ Sư bà Phương Dung và 2 đệ tử của bà là Trung Vũ và Đài Liệu, đình xưa kia còn gọi là nơi Quốc tế (cả nước tế lễ). Nơi đây từng có các vua triều Nguyễn về tế đôi lần, là nơi ghi dấu biết bao sự kiện thăng trầm của lịch sử và đời sống chính trị-xã hội, vừa là địa điểm sinh hoạt tôn giáo tín ngưỡng, gắn bó với bao thế hệ người dân. Đình hiện nay còn lưu giữ 23 đạo sắc từ triều Hậu Lê đến triều Nguyễn. Ngày 18/9/2024, UBND TP Hà Nội ban hành Quyết định Số 4866-QĐ/UBND về việc xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn TP Hà Nội, trong đó có Di tích lịch sử văn hóa đìnhYên Phú xã Liên Ninh huyện Thanh Trì, góp phần giáo dục truyền thống lịch sử - văn hóa, nâng cao tình yêu quê hương, đất nước, lòng tự hào dân tộc cho các thế hệ về các danh nhân, các anh hùng, về các địa danh và các sự kiện lịch sử... của quê hương Thanh Trì, của đất nước.
Tiếp tục phát huy giá trị di sản văn hóa
Phát biểu tại lễ công bố, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì Nguyễn Xuân Phong nhấn mạnh: “Những chiến công và sự đóng góp của Sư bà Phương Dung là niềm vinh dự, tự hào đánh dấu bước phát triển về mọi mặt của Phật giáo Việt Nam nói chung và Phật giáo huyện Thanh Trì nói riêng. Để tên tuổi, sự nghiệp, hoạt động của Sư bà Phương Dung được sống mãi cùng đạo Phật và dân tộc, đồng thời cũng để làm tốt công tác giáo dục truyền thống văn hóa cách mạng của địa phương, UBND huyện Thanh Trì đã phối hợp với các Sở, ban, ngành TP, các đơn vị có liên quan hoàn thiện hồ sơ thủ tục lựa chọn tuyến đường đoạn từ ngã ba giao cắt điểm cuối đường Ngọc Hồi tại cầu Ngọc Hồi và di tích chiến thắng Ngọc Hồi đến hết địa phận huyện Thanh Trì (cầu Quán Gánh) - đây là tuyến đường mới mở để đề nghị TP đặt tên Sư bà Phương Dung.
Việc TP quyết định đặt tên đường Phương Dung, một lần nữa đã thể hiện sự tri ân, ghi nhận những công lao to lớn của Sư bà Phương Dung đối với đạo pháp và dân tộc.
Để những giá trị của di tích lịch sử, văn hóa được lan tỏa đến đông đảo người dân, Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì Nguyễn Xuân Phong đề nghị Phòng Văn hóa - Thông tin, Phòng Giáo dục và Đào tạo, UBND xã Liên Ninh phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức tuyên truyền, tổ chức nhiều hoạt động về nguồn, giới thiệu nội dung giá trị lịch sử và giáo dục truyền thống cách mạng của di tích và ý nghĩa tên tuyến đường; tiếp tục duy trì, tôn tạo giữ gìn, bảo vệ và phát huy giá trị di tích, làm cho di tích đình Yên Phú và tuyến đường Sư bà Phương Dung ngày càng đẹp hơn, khang trang hơn.
Việc gắn biển tuyến đường mang tên Sư bà Phương Dung thể hiện ý Đảng, lòng dân, thể hiện đạo lý, truyền thống tốt đẹp "Uống nước nhớ nguồn" của dân tộc ta, việc đặt tên đường và xếp hạng di tích lịch sử sẽ góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng phát triển xã Liên Ninh lên phường, huyện Thanh Trì lên quận trong thời gian tới.