Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Gắn chặt tiết kiệm, chống lãng phí với đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

Khang Nhi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 2/6, tại phiên thảo luận, nhiều đại biểu nêu vấn đề, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí còn nhiều hạn chế. Lãng phí trong các cơ quan nhà nước và trong xã hội còn rất nghiêm trọng.

Theo đại biểu Võ Thị Minh Sinh (đoàn Nghệ An), các báo cáo đã được chuẩn bị rất công phu, nghiêm túc, kỹ lưỡng và đánh giá khá toàn diện về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trên tất cả các lĩnh vực.

Bằng nhiều giải pháp tích cực, kết quả này đã góp phần quan trọng trong việc huy động, quản lý, sử dụng tối đa hiệu quả các nguồn lực cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước, củng cố lòng tin của Nhân dân.

Đại biểu Võ Thị Minh Sinh (đoàn Nghệ An)
Đại biểu Võ Thị Minh Sinh (đoàn Nghệ An)

Đại biểu Võ Thị Minh Sinh cho biết, ngày 16/9/2021, Tổng Bí thư đã ký và ban hành Quy định số 32-QĐ/TW của Bộ Chính trị về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, chế độ làm việc, quan hệ công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Trong đó, đổi tên và bổ sung nội dung phòng, chống tiêu cực cùng với phòng, chống tham nhũng.

Ngày 6/4/2022, Bộ Chính trị có Kết luận số 12-KL/TW về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Kết luận này đánh giá thực hành tiết kiệm, chống lãng phí còn nhiều hạn chế, lãng phí trong các cơ quan nhà nước và trong xã hội còn rất nghiêm trọng, tình trạng cán bộ nhũng nhiễu gây phiền hà cho Nhân dân và doanh nghiệp chưa được ngăn chặn kịp thời.

Về mệnh đề “tiêu cực”, đại biểu Võ Thị Minh Sinh cho rằng, qua nghiên cứu, rà soát các văn bản pháp luật, quy định của Nhà nước về hành vi tiêu cực cho thấy hơn 1.000 hành vi vi phạm pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức cả về hành chính cũng như hình sự với 5 nhóm hành vi. Trong đó, nhiều nhất là nhóm hành vi vi phạm pháp luật khác khi thi hành công vụ với hơn 950 hành vi được quy định trong 120 đạo luật. Vì vậy, đại biểu đề nghị Chính phủ phải thống nhất cao quan điểm việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí phải gắn chặt chẽ với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Bộ máy Nhà nước vững mạnh là điều kiện không thể thiếu trong phát triển đất nước

Đưa ra ý kiến tại phiên thảo luận, đại biểu Đồng Ngọc Ba (đoàn tỉnh Bình Định) quan tâm đến vấn đề về sắp xếp lại bộ máy, tinh giản biên chế gắn với vị trí việc làm trong các cơ quan Nhà nước. Đại biểu phân tích, bộ máy nhà nước vững mạnh là điều kiện không thể thiếu để phát triển đất nước cũng như trong thực hiện thực hiện chủ trương thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Ngược lại, nếu bộ máy Nhà nước yếu kém sẽ tạo nguy cơ cao gây thất thoát, lãng phí không chỉ là những giá trị có thể tính toán được mà nghiêm trọng hơn, hệ lụy lâu dài hơn, có thể làm lãng phí cơ hội phát triển đất nước.

Đại biểu Đồng Ngọc Ba (đoàn tỉnh Bình Định)
Đại biểu Đồng Ngọc Ba (đoàn tỉnh Bình Định)

Đánh giá cao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nội vụ thời gian qua đã rất tích cực trong rà soát, sắp xếp tổ chức bên trong các bộ, ngành, chính quyền địa phương gắn với tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chúng ta cũng đạt được nhiều chỉ tiêu vượt chỉ tiêu. Tuy nhiên, đại biểu chỉ ra rằng, tinh giản biên chế gắn với vị trí việc làm hiện nay chưa đáp ứng yêu cầu, việc sắp xếp tổ chức bộ máy bên trong các Bộ chưa đạt, bộ máy vẫn còn cồng kềnh.

Đưa ra một số giải pháp khắc phục tình trạng trên, đại biểu Đồng Ngọc Ba đề xuất:

Thứ nhất, đề nghị Chính phủ cần có đánh giá, thông tin số liệu cụ thể hơn để có cơ sở đưa ra giải pháp kịp thời; đẩy nhanh tiến độ ban hành các quy định, Nghị định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, các cơ quan thuộc Chính phủ làm cơ sở cho việc sắp xếp kiện toàn bộ máy, cơ quan, đơn vị. 

Thứ hai, cho rằng nguyên nhân của vấn đề công tác tinh giản biên chế gắn với vị trí việc làm chưa đạt yêu cầu là bởi cách xác định vị trí việc làm của các cơ quan hành chính ngày nay còn chưa thống nhất, đầy đủ, thiếu cơ sở khoa học.... đại biểu đề nghị Chính phủ khẩn trương ban hành quy định, hướng dẫn vị trí việc làm của công chức viên chức.

Thứ ba, về cải cách tiền lương, cho rằng đây là nội dung quan trọng rất được cử tri mong chờ, đại biểu Đồng Ngọc Ba đề nghị Chính phủ tiếp tục quan tâm chỉ đạo, Bộ nội vụ, các bộ ngành liên quan tiếp tục thúc đẩy làm tốt nhiệm vụ này.

Phát huy hơn nữa vai trò giám sát của nhân dân trong công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

Thảo luận tại phiên họp, đại biểu Hoàng Thị Thanh Thuý (đoàn tỉnh Tây Ninh) bày tỏ đồng thuận và đánh giá cao Báo cáo của Chính phủ về Công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021 và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính, ngân sách. Báo cáo chuẩn bị rất công phu, chi tiết thể hiện trách nhiệm, sự nghiêm túc của Chính phủ đối với công tác này. 

Đại biểu Hoàng Thị Thanh Thuý (đoàn tỉnh Tây Ninh)
Đại biểu Hoàng Thị Thanh Thuý (đoàn tỉnh Tây Ninh)

Đại biểu Thanh Thúy cũng đánh giá cao hằng năm Thủ tướng Chính phủ đều ban hành các chỉ thị về tăng cường thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trên các lĩnh vực. Các Bộ, ngành, địa phương đã ban hành nhiều văn bản triển khai và thực hiện. Nhờ vậy, việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã đạt được một số kết quả quan trọng nhất là trong tiết kiệm chi thường xuyên ở hầu hết các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong hệ thống chính trị.

Tuy nhiên, theo đại biểu Thanh Thúy, báo cáo còn tập trung nhiều vào tiết kiệm nhưng có nội dung phản ánh chưa hết bản chất của tiết kiệm, chẳng hạn như kết quả tiết kiệm chi thường xuyên chủ yếu là 10 % bắt buộc.Báo cáo cũng chưa đi sâu phân tích lãng phí, chưa làm rõ hiệu quả sử dụng vốn, nguồn lực nhà nước đầu tư trong thời gian qua. Nhận diện vấn đề này cho thấy công tác phòng, chống lãng phí một số ngành, địa phương chưa chuyển biến rõ nét. Việc phát hiện, xử lý lãng phí còn chậm, có nơi chưa kiên quyết, có tình trạng buông lỏng quản lý quan liêu, tham nhũng là những tác nhân của lãng phí chưa được ngăn chặn hiệu quả. Báo cáo cũng chưa chỉ rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân gây lãng phí.

Để công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đạt hiệu quả cao, đại biểu Hoàng Thị Thanh Thuý đề nghị cần quán triệt sâu sắc, hiệu quả hơn nữa để việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí ăn sâu vào ý thức, trở thành suy nghĩ thường trực trong mỗi việc làm hằng ngày của đảng viên, cán bộ, công chức, nhất là người đứng đầu. Cần phát huy hơn nữa vai trò giám sát của nhân dân, phải tạo cơ chế thuận lợi hơn nữa để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và đoàn thể các cấp nhân tham gia giám sát hiệu quả.

Sớm hoàn các quy định về định mức, tiêu chuẩn, chế độ làm cơ sở tổ chức, thực hiện, đánh giá

Cho ý kiến về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong xây dựng, hoàn thiện thể chế định mức tiêu chuẩn chế độ, đại biểu Lưu Bá Mạc (đoàn tỉnh Lạng Sơn) kiến nghị Bộ Khoa học và Công nghệ sớm ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật, dịch vụ sự nghiệp công thuộc Danh mục chi tiết dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách Nhà anước thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ.

Đại biểu Lưu Bá Mạc (đoàn tỉnh Lạng Sơn)
Đại biểu Lưu Bá Mạc (đoàn tỉnh Lạng Sơn)

Đại biểu Lưu Bá Mạc cho biết, hiện nay, các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh vẫn đang chờ và cũng chưa đủ căn cứ để tham mưu xây dựng và trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành quy định về định mức kinh tế - kỹ thuật, dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách Nhà nước. Đồng thời kiến nghị Thủ tướng Chính phủ sớm ban hành Danh mục sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu thuộc ngành, lĩnh vực để có cơ sở rà soát, sắp xếp đơn vị sự nghiệp công lập. Hiện nay, trong tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập tại địa phương đang gặp khó khăn, nhất là việc xác định số lượng người làm việc tối thiểu.

Về cải cách hành chính và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong tổ chức bộ máy biên chế, đại biểu Lưu Bá Mạc kiến nghị Chính phủ có giải pháp phù hợp nhằm tăng cường công tác tự kiểm tra nội bộ đối với các nội dung triển khai thực hiện Chỉ thị số 10 ngày 22/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc. Đại biểu cho rằng giải pháp này cũng nhằm để đẩy mạnh cải cách hành chính gắn thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đối với công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng.

Ngoài ra, đại biểu Lưu Bá Mạc cũng kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo có giải pháp để đưa nội dung thực hành tiết kiệm, chống lãng phí vào giảng dạy hoặc tích hợp vào tiết học một cách phù hợp trong các hoạt động trải nghiệm, chương trình ngoại khóa tại các cơ sở giáo dục và đào tạo. Đại biểu nhấn mạnh, nội dung này cũng nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí cho các đối tượng là các em học sinh, sinh viên và giải pháp này thì có thể góp phần xây dựng được văn hóa về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong xã hội trong tương lai.