Gắn công tác phòng, chống dịch với quản lý cai nghiện ma túy

Trần Oanh thực hiện
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - TP Hà Nội tập trung làm tốt công tác phòng, chống dịch Covid-19 và bảo đảm thực hiện cai nghiện ma túy (CNMT) và quản lý sau cai. Nhân Tháng hành động phòng chống ma túy, Phó Chi cục trưởng Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội, Sở LĐTB&XH Hà Nội Nguyễn Văn Lập chia sẻ với báo Kinh tế & Đô thị về những giải pháp đang được các cơ sở và địa phương thực hiện.

 Phó Chi cục trưởng Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội, Sở LĐTB&XH Hà Nội Nguyễn Văn Lập
Nâng cấp độ giải pháp phòng, chống dịch Covid-19
Hiện nay, công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 được thực hiện như thế nào để bảo đảm an toàn cho cán bộ, học viên trong các cơ sở CNMT, thưa ông?

- Chúng tôi luôn coi công tác phòng, chống dịch trong các cơ sở CNMT là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu. Học viên vào CNMT là nhóm đối tượng có nguy cơ cao, sức khỏe yếu, trước đó họ lại đi nhiều nơi và tiếp xúc với nhiều người, khó xác định rõ ràng, vì thế, Chi cục đã chủ động tham mưu cho Sở LĐTB&XH chỉ đạo các cơ sở CNMT triển khai đồng bộ những biện pháp phòng chống dịch. Các cơ sở CNMT thường xuyên khử khuẩn môi trường; khai báo y tế; đo thân nhiệt đối với 100% cán bộ; thực hiện tốt thông điệp “5K” trong toàn đơn vị; tạm dừng thăm gặp trực tiếp học viên, chuyển sang trao đổi với người thân qua điện thoại. Các cơ sở CNMT bố trí khu cách ly tuyệt đối khi tiếp nhận học viên mới và phân ca trực cán bộ 21 ngày/ca, bố trí cán bộ ăn, ở tại chỗ, không ra khỏi đơn vị toàn bộ ca trực; xây dựng các phương án xử lý tình huống ứng phó theo những cấp độ khi phát sinh dịch...

Đồng thời, Chi cục đã tham mưu cho Sở LĐTB&XH Hà Nội chọn 3/7 cơ sở cai nghiện, trực sẵn sàng tiếp nhận người vào cai nghiện. Cụ thể: Cơ sở CNMT số 7 tiếp nhận toàn bộ người có nguyện vọng cai nghiện tự nguyện; hỗ trợ cắt cơn CNMT cộng đồng là nam giới của 30 quận, huyện, thị xã và tiếp nhận cai nghiện bắt buộc của 10 quận, huyện, thị xã; Cơ sở CNMT số 2 tiếp nhận toàn bộ đối tượng cai nghiện là nữ giới thuộc diện bắt buộc, tự nguyện, lưu trú tạm thời và cắt cơn cộng đồng; Cơ sở CNMT số 1 tiếp nhận học viên cai nghiện bắt buộc, đối tượng lưu trú tạm thời của 20 quận, huyện còn lại. 100% số học viên tiếp nhận đều bố trí tại khu cách ly, theo dõi sức khỏe, cắt cơn, điều trị 21 ngày, sau đó chuyển tiếp khu đệm, bảo đảm an toàn trước khi đưa vào khu quản lý học viên. Việc thực hiện được phân tuyến tạm thời này đã góp phần không để gián đoạn trong phối hợp tiếp nhận lại vừa bảo đảm an toàn trong kiểm soát dịch, đối với 4 cơ sở CNMT còn lại tạm thời khoanh vùng nhằm bảo đảm an toàn trong suốt giai đoạn diễn biến dịch trên địa bàn TP phức tạp.

Với những giải pháp thực hiện trên, công tác CNMT và quản lý sau cai trong những tháng đầu năm 2021 đạt kết quả thế nào?

- Ngay từ đầu năm 2021, Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội xác định dịch Covid-19 có thể quay trở lại và diễn biến phức tạp nên đã tham mưu cho Sở LĐTB&XH Hà Nội và TP xây dựng các kế hoạch cai nghiện, quản lý sau cai năm 2021, triển khai kịp thời tới các địa phương. Chi cục cũng tham mưu cho Sở LĐTB&XH Hà Nội nắm bắt tiến độ, kết quả triển khai ở các quận, huyện; chủ động tổ chức giao ban chuyên môn với 11/30 địa phương đạt chỉ tiêu thấp quý I/2021, đồng thời cử những cán bộ tích cực xuống hướng dẫn tập huấn ngay tại cơ sở, kịp thời giải quyết những vướng, khó gặp phải khi lập hồ sơ cai nghiện, vận động, tổ chức CNMT tự nguyện tại cộng đồng. Do vậy, năm 2021 rất nhiều quận, huyện đã tích cực triển khai và đạt kết quả cao về công tác cai nghiện, quản lý sau cai theo chỉ đạo của TP.

Tính đến ngày 14/5/2021, hầu hết các chỉ tiêu về CNMT đều đạt rất tích cực. Đối với cai nghiện bắt buộc tại cơ sở đã có 712 người/chỉ tiêu 900 người, đạt 79,1% (tăng 163 người so cùng kỳ năm 2020); đưa 1.119 người vào cơ sở CNMT tự nguyện/2.100 người, đạt 53,3% (tăng 113 người so cùng kỳ 2020); cai nghiện tại gia đình và cộng đồng có 596 người/1.100 người, đạt 54,2% (tăng 236 người so cùng kỳ 2020). Nhiều địa phương chủ động triển khai ngay từ đầu năm 2021 nên đạt được kết quả rất cao như Thanh Xuân 120%, Hoài Đức 111,1%, Gia Lâm 96,7%, Tây Hồ 96%, Long Biên 93,7%...
Học viên cai nghiện ma túy tại Trung tâm cai nghiện số 6 đang gia công dán túi giấy. Ảnh: Trần Oanh
Phát huy vai trò tích cực của Đội công tác xã hội tình nguyện

Mô hình các Điểm tư vấn, chăm sóc, hỗ trợ điều trị nghiện ma túy tại cộng đồng được triển khai từ năm 2020 đến nay mang lại kết quả thế nào, thưa ông?
- Chúng tôi đánh giá hoạt động Điểm tư vấn, chăm sóc, hỗ trợ điều trị nghiện ma túy tại cộng đồng đang triển khai và duy trì phù hợp, đem lại kết quả cụ thể tại cộng đồng. Qua mô hình này, người sử dụng ma túy, người nghiện ma túy, người sau cai, gia đình của người nghiện ma túy, kể cả người dân được tiếp cận tư vấn, trợ giúp ngay tại cộng đồng, được đáp ứng nhu cầu cấp bách, hỗ trợ BHYT, chuyển gửi đến các dịch vụ về điều trị nghiện, chăm sóc y tế, trợ giúp pháp lý một cách nhanh chóng. Trong 6 tháng đầu năm 2021, chúng tôi duy trì mô hình này ở 7 quận, huyện tại 14 xã, phường, duy trì 189 khách hàng tham gia (trong đó có 65 khách hàng mới) giới thiệu học nghề và tạo việc làm cho 3 hội viên. Trong tình hình dịch Covid-19, các Điểm tư vấn duy trì hoạt động linh hoạt như điện thoại, tư vấn online, kết nối mạng xã hội; khi cần vẫn có thể gặp để tư vấn trực tiếp đáp ứng được nhu cầu. Hàng tuần, cán bộ của Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội vẫn trực tiếp xuống các Điểm tư vấn hỗ trợ kỹ thuật để hoạt động mang lại kết quả tốt hơn.

Hiện nay, các biểu hiện loạn thần của người nghiện đa dạng, khó nhận diện, khó kiểm soát. Trong 6 cuối năm 2021, Hà Nội sẽ thực hiện những giải pháp gì về CNMT và quản lý người nghiện sau cai?

- Với chức năng quản lý Nhà nước về công tác CNMT và quản lý sau cai, Chi cục sẽ chủ động tham mưu cho Sở, hướng dẫn, đôn đốc các địa phương rà soát lên danh sách, lập hồ sơ tư vấn, vận động CNMT tự nguyện; áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn; lập hồ sơ cai nghiện bắt buộc; bám sát, hướng dẫn và đôn đốc 30 quận, huyện, thị xã thực hiện đạt và vượt chỉ tiêu CNMT năm 2021 TP giao. Đối với công tác quản lý người sau cai nghiện, đến nay đã triển khai 100% người sau cai nghiện ở các hình thức (bắt buộc, tự nguyện) được bàn giao cho chính quyền địa phương phân công quản lý, giám sát, giúp đỡ và phát huy tích cực vai trò của 579 Đội công tác xã hội tình nguyện, tổ chức đánh giá về chấp hành pháp luật, tình trạng việc làm, xét nghiệm chất ma túy hàng quý theo đúng hướng dẫn của Sở.

Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tham mưu thêm các giải pháp nhằm mang lại hiệu quả cao nhất phục vụ công tác chuyên môn và mong đợi của TP, của Sở và người dân Thủ đô.

Xin cảm ơn ông!
Ngay từ đầu năm 2021, Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội đã tham mưu cho Sở LĐTB&XH Hà Nội ban hành Kế hoạch số 1834 về phát động phong trào thi đua hưởng ứng Tháng hành động và ngày quốc tế, ngày toàn dân phòng chống ma túy 26/6 với rất nhiều hoạt động trong đơn vị. Tuy nhiên, do tình hình dịch đang diễn biến hết sức phức tạp, chúng tôi có hai hướng thực hiện. Thứ nhất, các cơ sở CNMT xây dựng kế hoạch, phát động phong trào thi đua về chuyên môn và tổ chức hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, thông qua nhận thức tác hại và biện pháp phòng chống ma túy, đồng loạt tổ chức buổi tuyên truyền phòng chống ma túy ngày 25/6 tại 7 cơ sở CNMT. Thứ hai, phát động đợt triển khai tìm hiểu, thi hiểu biết về Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 và Luật sửa đổi bổ sung Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi 2020 tại 7/7 cơ sở CNMT vào tháng 9/2021.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần