Gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng pháp luật với tổ chức thi hành pháp luật

Nguyễn Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Sáng 6/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức hội nghị toàn quốc lần thứ nhất triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội khóa XV. Hội nghị được kết nối trực tuyến với 62 điểm cầu địa phương với sự tham dự của hơn 2400 đại biểu tham dự.

Quang cảnh Hội nghị tại điểm cầu Nhà Quốc hội
Quang cảnh Hội nghị tại điểm cầu Nhà Quốc hội

Tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong công tác xây dựng pháp luật

Tại hội nghị, báo cáo về tình hình tổ chức triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái cho biết, từ đầu nhiệm kỳ đến kỳ họp thứ tư, trên cơ sở phân công của Thủ tướng Chính phủ, các bộ có nhiệm vụ trình hoặc ban hành theo thẩm quyền 50 văn bản để quy định chi tiết 20 luật, nghị quyết đã có hiệu lực. Kết quả, tính đến ngày 15/8/2023, số văn bản đã được ban hành là 37 văn bản, còn lại 11 văn bản chưa được ban hành. Trong số 37 văn bản được ban hành, có 9/37 văn bản bảo đảm có hiệu lực cùng thời điểm có hiệu lực của luật.

Về công tác triển khai các luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 5, ngay sau Kỳ họp thứ 5, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tư pháp phối hợp với Văn phòng Chính phủ, các bộ rà soát các luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua; xác định nội dung giao quy định chi tiết, lập danh mục, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành và phân công cơ quan chủ trì soạn thảo.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái báo cáo tại hội nghị. Ảnh: Quochoi.vn
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái báo cáo tại hội nghị. Ảnh: Quochoi.vn

Theo phân công của Thủ tướng Chính phủ, các bộ có nhiệm vụ phải xây dựng, ban hành hoặc trình ban hành 37 văn bản quy định chi tiết 9 luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 5. Trong đó, có 3 luật, nghị quyết có hiệu lực từ rất sớm (1/8/2023 và 15/8/2023). Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ đã ban hành 6 văn bản.

Phó Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 126/NQ-CP ngày 14/8/2023 về một số giải pháp nâng cao chất lượng công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật nhằm ngăn ngừa tình trạng tham nhũng, lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ. Bộ Tư pháp phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Chính phủ thường xuyên theo dõi, đôn đốc tình hình thực hiện nhằm kịp thời báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác triển khai thi hành Hiến pháp, luật, pháp lệnh và ban hành văn bản quy định chi tiết.

Về tồn tại, hạn chế, Phó Thủ tướng Chính phủ cho rằng, nguyên nhân do một số cơ quan chủ trì chưa chủ động, chưa trù liệu hết các yếu tố ảnh hưởng đến tiến độ và chất lượng; chưa phát huy đầy đủ vai trò, trách nhiệm của tổ chức pháp chế, các chuyên gia trong việc xây dựng, ban hành văn bản. Nhiều văn bản là nợ từ các kỳ báo cáo trước, có nhiều nội dung phức tạp, cần xin ý kiến chỉ đạo của nhiều cấp có thẩm quyền. Có biểu hiện sợ trách nhiệm, né tránh công việc trong tham mưu xây dựng thể chế tại một số nơi…

Các đại biểu tham dự hội nghị. Ảnh: Quochoi.vn
Các đại biểu tham dự hội nghị. Ảnh: Quochoi.vn

Đề ra giải pháp cho vấn đề này, Phó Thủ tướng Chính phủ cho rằng, cần tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong công tác xây dựng pháp luật; trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan của Chính phủ, bảo đảm đúng quy định “chịu trách nhiệm về toàn bộ nội dung và tiến độ trình các đề án, dự án, văn bản pháp luật được giao”. Các bộ, ngành thường xuyên, chủ động rà soát, đánh giá các quy định pháp luật, các quan hệ xã hội thuộc lĩnh vực quản lý; chủ động lập đề nghị xây dựng và tổ chức soạn thảo các dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết theo đúng trình tự, thủ tục quy định. 

Đối với việc triển khai công tác lập pháp cuối năm 2023 và năm 2024, Phó Thủ tướng Chính phủ cho biết, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục có quan tâm, chỉ đạo sát sao, dành nhiều ưu tiên cho công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, pháp luật. Các bộ, cơ quan ngang bộ đã chủ động, khẩn trương thành lập Ban soạn thảo; tập trung thời gian, nguồn lực để soạn thảo theo kế hoạch. 

Phó Thủ tướng Chính phủ kiến nghị Quốc hội tiếp tục tăng cường thời gian để các đại biểu thảo luận về nội dung các dự án luật, tập trung vào những vấn đề quan trọng, những vấn đề còn có nhiều ý kiến khác nhau. Những vấn đề giao các cơ quan quy định chi tiết vấn đề bảo đảm thời gian, nguồn lực để ban hành văn bản quy định chi tiết và tổ chức thi hành.

Từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến nay đã ban hành 1.010 văn bản

Báo cáo đánh giá tình hình triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến nay, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành 1.010 văn bản, bao gồm 23 luật và 101 nghị quyết của Quốc hội, 4 pháp lệnh và 882 nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định báo cáo tại hội nghị. Ảnh: Quochoi.vn
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định báo cáo tại hội nghị. Ảnh: Quochoi.vn

Về tình hình triển khai các luật, nghị quyết được ban hành từ đầu nhiệm kỳ đến hết kỳ họp thứ 5, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ, thực hiện chủ trương “gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng pháp luật với tổ chức thi hành pháp luật”, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, TANDTC, VKSNDTC, Kiểm toán nhà nước, Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam và các Bộ, ngành, địa phương, theo chức năng, nhiệm vụ được giao đã quyết liệt, chủ động, kịp thời triển khai đưa các luật, nghị quyết của Quốc hội vào cuộc sống.

 

“Theo Nghị quyết số 89/2023/QH15 về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình năm 2023 và các nghị quyết điều chỉnh, bổ sung Chương trình, tại kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023), Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 9 luật, cho ý kiến đối với 8 dự án luật khác và trong năm 2024, Quốc hội xem xét, thông qua 18 luật, 1 nghị quyết, cho ý kiến về 2 dự án luật khác; bên cạnh đó, khối lượng công việc lập pháp có thể còn tăng thêm do tiếp tục bổ sung một số dự án mới vào Chương trình để đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Để bảo đảm tiến độ, chất lượng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu các cơ quan của Quốc hội được phân công thẩm tra, giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu, chỉnh lý cần chủ động phối hợp chặt chẽ “từ sớm, từ xa” với các Bộ, cơ quan chủ trì dự án; tăng cường tham vấn, lấy ý kiến, khảo sát thực tiễn, chú trọng phát hiện và xử lý những quy định có dấu hiệu sơ hở, cài cắm “lợi ích nhóm”, “lợi ích cục bộ”, tiềm ẩn nguy cơ tham nhũng, tiêu cực” -Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm, kịp thời ban hành kế hoạch triển khai thi hành các luật, nghị quyết đã được Quốc hội thông qua, bảo đảm nguồn lực và các điều kiện cần thiết cho việc thi hành luật, nghị quyết. Có giải pháp kiên quyết khắc phục tình trạng nợ đọng, chậm ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, nghị quyết.

Đối với các luật, nghị quyết mới được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 5, trong quá trình triển khai thi hành, đề nghị Chính phủ lưu ý một số vấn đề quan trọng hoặc đang có nhiều vướng mắc, bất cập để hướng dẫn, có giải pháp xử lý hiệu quả, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn và đúng quy định của luật, nghị quyết. Đồng thời, tiếp tục tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; đổi mới, ứng dụng công nghệ thông tin, đa dạng hóa phương thức, hình thức truyền thông chính sách, pháp luật phù hợp với từng nhóm đối tượng theo hướng lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, chú trọng các luật, nghị quyết đã có hiệu lực pháp luật. 

Liên quan đến công tác xây dựng các Dự án Luật, nghị quyết từ nay đến cuối năm 2024, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp tục dành nhiều thời gian để thảo luận tập thể, cho ý kiến kỹ các nội dung quan trọng, vấn đề còn có ý kiến khác nhau của các dự án luật cả trong quá trình soạn thảo và tiếp thu, chỉnh lý. Đối với các dự án luật, nghị quyết có nội dung phức tạp, phạm vi tác động lớn, các dự án điều chỉnh về tổ chức và hoạt động của lực lượng vũ trang Nhân dân, việc thí điểm các chính sách mới, khác với quy định của luật hiện hành, đề nghị Ban Cán sự Đảng Chính phủ chủ động báo cáo xin ý kiến cấp có thẩm quyền; bảo đảm dự án trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội phải được chuẩn bị kỹ cả về nội dung và kỹ thuật văn bản, có sự đồng thuận cao giữa các Bộ, ngành có liên quan.

 

Đề xuất phản biện xã hội ngay từ khâu lập đề nghị xây dựng luật

Tham luận về công tác triển khai thực hiện trách nhiệm của MTTQ Việt Nam, Phó Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh cho biết, thực hiện Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân đối với Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Ban Thường trực Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam đã xây dựng Kế hoạch và triển khai thực hiện việc lấy ý kiến nhân dân trong toàn hệ thống.

Phó Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh tham luận tại hội nghị. Ảnh: Quochoi.vn
Phó Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh tham luận tại hội nghị. Ảnh: Quochoi.vn

Ban Thường trực Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam đã tổ chức 12 hội nghị, hội thảo với 230 lượt ý kiến góp ý; Ủy ban MTTQ Việt Nam các tỉnh, thành phố đã tổ chức 51.153 hội nghị, hội thảo với 1.300.758 lượt góp ý kiến tâm huyết, sâu sắc, góp ý vào hầu hết các nội dung của toàn bộ dự thảo.

Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam đã nhận được tổng số 8.363.162 ý kiến góp ý cụ thể vào từng điều khoản trong Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) của các tổ chức, cá nhân.

Bên cạnh đó, còn cho ý kiến đối với nhiều văn bản quy phạm pháp luật khi có đề nghị của các cơ quan chủ trì soạn thảo, trong đó có Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở. Luật có hiệu lực từ ngày 1/7/2023, việc triển khai thực hiện Luật là một nhiệm vụ rất quan trọng của cả hệ thống chính trị, trong đó, nòng cốt là MTTQ Việt Nam. Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp và các tổ chức chính trị - xã hội đã tích cực tham gia góp ý nhằm hoàn thiện “Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở” và “Nghị định về xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước của cộng đồng dân cư”, bảo đảm các quy định trong Nghị định thể hiện đầy đủ phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.

Hiện nay, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đang tích cực phối hợp với Bộ Tư pháp tổ chức phản biện xã hội đối với Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi)… 

Trong thời gian tới, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đề xuất, cơ quan chủ trì soạn thảo tích cực, chủ động phối hợp với Ban Thường trực MTTQ Việt Nam để tổ chức phản biện xã hội ngay từ khâu lập đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh; tăng cường sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng trong hoạt động phản biện xã hội của MTTQ với cơ quan chủ trì soạn thảo. Trong đó bảo đảm sự tham gia đầy đủ của cơ quan phản biện trong các công đoạn; việc tiếp thu, giải trình ý kiến phản biện xã hội phải được xác định là nhiệm vụ bắt buộc, đây là vấn đề có ý nghĩa quan trọng.