Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Gắn kết gia đình - Nền tảng giữ tổ ấm

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Chỉ khi các thành viên trong gia đình dành thời gian nhiều hơn cho việc giáo dục, chăm sóc con cái, và khi mối quan hệ ứng xử giữa các thành viên trong gia đình chặt chẽ, tốt đẹp, thì những vấn đề như bạo lực, ly hôn, trọng nam khinh nữ gây mất cân bằng giới tính mới được giảm thiểu.

 Lạnh ngay trong “tổ ấm”

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, sự phát triển về tâm lý, thể chất và xã hội của trẻ em có liên hệ chặt chẽ với thời gian mà cha mẹ và những người chăm sóc trực tiếp khác dành cho. Vì vậy, một trong những nguyên nhân dẫn đến các thành viên trong gia đình mắc phải các tệ nạn xã hội là sự thiếu kiểm tra, giám sát, thiếu quan tâm chăm sóc lẫn nhau. Nhiều bậc cha mẹ vì không có thời gian dành cho con nên khiến trẻ bị tổn thương, nhiều em trở nên nhút nhát, khó hòa nhập, nặng hơn là mê mẩn vào game, đua đòi, nghiện hút, trộm cắp...

Chuyện "cơm áo gạo tiền" đang ngày càng tạo ra khoảng cách giữa các thành viên trong gia đình, khiến những đứa trẻ phải sống trong ngôi nhà không... bình yên, nơi bố mẹ chỉ mải mê kiếm tiền, bỏ mặc con cái. Theo một kết quả điều tra về gia đình Việt Nam, có tới 20% các ông bố và 7% các bà mẹ hoàn toàn không dành một chút thời gian nào cho việc chăm sóc, dạy dỗ con cái do phải lo kiếm sống. Và từ đó, đã gây ảnh hưởng xấu tới sự phát triển về thể chất, trí tuệ và tình cảm của con trẻ.

Gắn kết gia đình - Nền tảng giữ tổ ấm - Ảnh 1

Ảnh minh họa

Rất nhiều gia đình chỉ có ít người nhưng cả ngày cũng không đủ thời gian để cùng ăn với nhau một bữa cơm. Con cái đi học, cha mẹ đi làm, người về sớm, người về muộn, thành thử bữa cơm tụ họp thưa thớt dần. Dần dà, tất cả điều này làm cho thời gian dành cho nhau ngắn dần. Đây là một thực tế đáng buồn đã và đang xảy ra trong nhiều gia đình hiện nay. Thế nên, mối quan hệ giữa các thành viên càng trở nên lỏng lẻo, và đến một lúc nào đó, họ không thể tìm được tiếng nói chung, việc dẫn đến đổ vỡ là điều khó tránh khỏi.

Tiến tới mục tiêu 95% gia đình dành thời gian cho nhau

Nhiều người mải kiếm tiền đã giao phó việc chăm sóc con cái cho người giúp việc, vô tình làm khoảng cách tình cảm với con ngày càng xa. Điều này còn đe dọa đến tính bền vững của mỗi gia đình khi không có được sự ấm áp - nền tảng cần thiết để níu giữ, gắn kết. Có lẽ nên có những khóa trang bị kiến thức làm cha mẹ, có cả hệ thống cán bộ tư vấn tâm lý, tham vấn cộng đồng và cán bộ xã hội để hỗ trợ cho việc nuôi dạy, bảo vệ, chăm sóc trẻ em.  Ông Nguyễn Trọng An

Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em, Bộ LĐTB&XH

Trong "Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030" đang được triển khai đề ra chỉ tiêu phấn đấu đến năm 2015 đạt 85% và năm 2020 đạt 95% hộ gia đình dành thời gian chăm sóc, dạy bảo con, cháu, tạo điều kiện cho con, cháu phát triển toàn diện về thể chất, trí tuệ, đạo đức và tinh thần. Vụ Gia đình (Bộ VHTT&DL) đã xây dựng chương trình quốc gia về giáo dục đời sống gia đình, giáo dục các thành viên trong gia đình, tình cảm, chăm sóc trẻ em, quan tâm tới người già. Vụ trưởng Vụ Gia đình Trần Tuyết Ánh thừa nhận, việc nâng cao mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình đang là vấn đề rất lớn trong công tác phát triển gia đình ở Việt Nam hiện nay, Bởi trên thực tế, tỷ lệ gia đình dành thời gian cho con cái ngày càng ít đi, trẻ em dành thời gian để chơi game ngày càng nhiều lên, tình trạng bạo lực học đường, bạo lực gia đình đang xuất hiện ngày càng nhiều và trở thành mối lo ngại lớn của xã hội.

Gia đình là môi trường quan trọng để hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách mỗi cá nhân. Một gia đình lý tưởng là gia đình có sự cố kết bền chặt giữa các thành viên, nơi nuôi dưỡng tình yêu thương và sự tôn trọng. Để mỗi thành viên không cảm thấy "lạnh" ngay trong tổ ấm của mình, mỗi người đều phải có trách nhiệm vun đắp, chăm lo, xây dựng tổ ấm, đó là mục tiêu lớn mà chiến lược phát triển gia đình mong đạt được.