Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Gắn kết gia đình trong bối cảnh dịch Covid-19

Thu Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Trong bối cảnh toàn cầu hoá, gia đình Việt Nam đang chịu nhiều tác động và biến đổi. Tuy nhiên, nhiều gia đình Việt vẫn giữ gìn truyền thống văn hoá tốt đẹp trong mối quan hệ giữa các thành viên.

Gắn kết gia đình từ đại dịch Covid-19

Ngày Gia đình Việt Nam 28/6/2021 với chủ đề “Giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa ứng xử tốt đẹp trong gia đình” là ngày để những con người Việt Nam hướng về cội nguồn, về người thân, qua đó nuôi dưỡng những tình cảm đẹp, những giá trị văn hoá cao quý của dân tộc.

Hơn một năm qua, diễn biến của dịch Covid-19 đã có những tác động đến hoạt động thường nhật, thói quen sinh hoạt của hàng triệu gia đình. Nhiều người phải điều chỉnh các hoạt động của bản thân và gia đình để “thích ứng” với dịch bệnh. Song ở một góc nhìn khác, dịch Covid-19 cũng mang đến cơ hội để chúng ta “sống chậm” lại và thêm gắn kết nhiều hơn với gia đình của mình.
 Các thành viên trong gia đình dành thời gian gần gũi, chia sẻ.
Trước kia, gia đình anh Vũ Thanh Tùng (Hai Bà Trưng, Hà Nội) ít có thời gian gần gũi, chia sẻ với nhau. Công việc của chị khá bận, chồng lại thường xuyên công tác xa nhà nên vợ chồng ít có điều kiện tâm sự, còn với các con cũng không dành hết thời gian để quan tâm. Tuy nhiên, hơn một năm bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, các thành viên trong gia đình chị lại có thêm nhiều thời gian dành cho nhau. Những bữa cơm gia đình vừa ăn vừa theo dõi thời sự xem tin tức diễn biến của dịch bệnh, những lúc kèm con học online, hay việc cả nhà nhắc nhở nhau hạn chế ra đường, đeo khẩu trang phòng bệnh... mọi người cùng trò chuyện, quan tâm đầy yêu thương. Đây cũng chính là thời gian vợ chồng chị và các con được dịp bên nhau, trò chuyện, quan tâm và thấu hiểu nhau hơn. “Những nguy hiểm của dịch bệnh bên ngoài khiến chúng tôi càng cảm thấy cần gắn kết, bao bọc, yêu thương nhau nhiều hơn” – Nguyễn Thanh Huyền (vợ anh Tùng) chia sẻ.

Còn anh Nguyễn Cảnh Thái (Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết: “Đợt dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, người dân hạn chế ra đường, chính quyền cấm tụ tập đông người, đóng cửa tạm thời các dịch vụ, cửa hàng quán xá… không cần thiết. Những quán nhậu đóng cửa nên anh bỏ được thói quen la cà. “Sau giờ làm việc tôi về thẳng nhà, căn nhà nhỏ bỗng trở nên ấm cúng, rộn ràng khi cả gia đình cùng hỗ trợ nhau mọi việc. Tôi dần nhận thấy bữa cơm gia đình rất giá trị, ăn cơm nhà ngon miệng, sức khoẻ được cải thiện đáng kể, có thêm thời gian quan tâm chăm sóc hỏi han con cái, cha mẹ, gia đình hạnh phúc hơn” – Anh Thái cho hay.

Có thể thấy, khi có nhiều thời gian hơn dành cho nhau trong mùa dịch này, các thành viên trong mỗi gia đình bình tĩnh để nhìn nhận, trân trọng những giá trị cốt lõi của cuộc sống. Sợi dây gắn kết yêu thương cũng được bền vững hơn khi mà họ đã xích lại gần nhau, có trách nhiệm với nhau, sẻ chia yêu thương và cùng nhau gánh vác mọi niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống.

Vượt qua thách thức thời cuộc

Bối cảnh đại dịch Covid-19 đang hoành hành hiện nay cũng cho thấy, giữa những giá trị nứt vỡ, nhiều mái nhà gặp khó khăn thì truyền thống gia đình vẫn đang đóng vai trò là chất keo kết dính để các thành viên cùng nhau nương tựa, đồng hành chung tay với cộng đồng vượt qua thách thức. Chính trong bối cảnh này, chúng ta đã được chứng kiến vô số hình ảnh, nghĩa cử đẹp xuất phát từ các “tế bào của xã hội”. Trong đó, có thể kể đến như việc các bạn trẻ tạm dừng tổ chức đám cưới; sinh viên tại các trường tình nguyện vào vùng dịch để hỗ trợ công tác phòng, chống dịch.

Theo TS Nguyễn Thị Phượng - Viện VHNT Quốc gia Việt Nam: Tất cả các hoạt động sinh hoạt trong gia đình, sự quan tâm, chăm sóc, dạy dỗ ân cần chỉ bảo của cha mẹ đã ảnh hưởng khá nhiều đến thói quen, nề nếp, tác phong sinh hoạt của con cái. Bên cạnh những yếu tố đạo đức, những ứng xử trong giao tiếp thì các tác phong sinh hoạt, thói quen trong hoạt động lao động sản xuất cũng đều trở thành những chuẩn mực mà gia đình tạo cho con cái họ từ nhỏ cho đến khi trưởng thành.

Một số cách tiếp cận nghiên cứu văn hóa gia đình và môi trường văn hóa gia đình nêu, văn hóa gia đình là môi trường văn hóa đầu tiên mà mỗi cá nhân, mỗi con người tiếp xúc. Khi con người được sinh ra, môi trường văn hóa gia đình đã bao quanh họ, dạy cho họ những bài học văn hóa đầu tiên và nhào nặn, hình thành trong họ những khuôn mẫu văn hóa mang đậm màu sắc gia đình. Văn hóa gia đình là những thực hành hàng ngày của các thành viên trong gia đình nhằm củng cố và phát triển các mối quan hệ tình cảm, đạo đức, tạo nên một gia đình bền vững.

Mặt khác, từ thực tế xuống cấp đạo đức của giới trẻ thời gian qua, trong đó có những vụ án gây rúng động xã hội, có một phần không nhỏ của việc thiếu vắng một môi trường văn hóa gia đình lành mạnh. Do vậy, để môi trường xã hội ngày càng tốt đẹp và nhân văn hơn thì việc xây dựng môi trường văn hóa gia đình cần được quan tâm hơn nữa cả ở khía cạnh quản lý và nghiên cứu. Bởi môi trường văn hóa lành mạnh chính là yếu tố nền tảng để phát triển gia đình bền vững và nhân văn, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập văn hóa hiện nay.