Theo lãnh đạo các quận, huyện, việc tổng hợp, đôn đốc giám sát giải quyết kiến nghị của cử tri làm cho đại biểu am hiểu hơn đời sống ở cơ sở, trau dồi kinh nghiệm để mang tiếng nói có chất lượng, sát thực tế trong tham gia xây dựng chủ trương, chính sách, nghị quyết của HĐND...
Tỷ lệ kiến nghị được giải quyết ngày càng cao
Cụ thể, theo Thường trực HĐND TP, từ đầu nhiệm kỳ 2021 - 2026 đến nay, HĐND TP tiếp nhận được 1.013 kiến nghị của cử tri, trong đó đã giải quyết xong 533 kiến nghị (đạt 52,62%); đang giải quyết 480 kiến nghị (47,38%). Cấp huyện có 4.716 kiến nghị, trong đó 4.070 kiến nghị đã được trả lời (86,3%), đã giải quyết xong 3.115 kiến nghị (66,05%), 1.472 kiến nghị đang được giải quyết (31,21%)… Một số quận, huyện có kết quả xem xét trả lời, kết quả giải quyết đạt tỷ lệ cao so với tổng số kiến nghị của cử tri tại địa phương là Mê Linh (97,88%), Đống Đa (94,29%), Đông Anh (94,4%)…
Thường trực HĐND TP đã đề nghị Thường trực HĐND các quận, huyện, thị xã, xã, thị trấn tiếp tục tăng cường chỉ đạo các ban, tổ đại biểu HĐND và bộ máy giúp việc HĐND các cấp trong công tác tổng hợp, theo dõi, đôn đốc, giám sát việc giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri. Tăng phối hợp chặt chẽ với Ban Thường trực Ủy ban MTTQ cùng cấp trong tiếp xúc cử tri (TXCT); đổi mới nâng cao chất lượng tổng hợp để giám sát, phân loại theo thẩm quyền. Đồng thời, đề nghị các ban, tổ đại biểu tăng hoạt động giám sát và tham mưu Thường trực HĐND giám sát, nhất là các kiến nghị chưa được trả lời hoặc chậm giải quyết, đảm bảo thời gian quy định. Đặc biệt, các ban, tổ đại biểu HĐND quận, huyện, thị xã tăng cường TXCT chuyên đề, thực hiện hiệu quả Nghị quyết 97/2019/QH14 về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại TP Hà Nội; tăng ứng dụng CNTT trong hoạt động tổng hợp, theo dõi, đôn đốc, giám sát giải quyết kiến nghị của cử tri.
Mang tiếng nói chất lượng tham gia xây dựng chính sách
Nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng công tác tổng hợp, theo dõi, đôn đốc, giám sát giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo và kiến nghị của cử tri, thường trực HĐND một số quận, huyện, thị xã trên địa bàn đã đề xuất không ít giải pháp, kiến nghị cụ thể xuất phát từ thực tế.
Đáng chú ý, đại diện Thường trực HĐND quận Đống Đa đề nghị, từ TP đến các quận, huyện cần thường xuyên tổ chức tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn, kiến thức pháp luật, kỹ năng cho các vị đại biểu HĐND; phát huy vai trò của tổ đại biểu và đại biểu HĐND trong theo dõi kết quả thực hiện, kịp thời đề xuất Thường trực HĐND có văn bản yêu cầu báo cáo, giải trình, nhất là các kiến nghị đã nêu nhiều lần, kéo dài nhiều năm chưa thực hiện, gây bức xúc trong Nhân dân. Cùng đó, cần tăng cường các giải pháp nâng cao nhận thức của cơ quan, đơn vị liên quan trong giải quyết kiến nghị của cử tri, xem việc giải quyết này là trách nhiệm. Đặc biệt, nên đưa việc giải quyết kiến nghị của cử tri vào nội dung đánh giá kết quả hoàn thành nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị liên quan.
Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Phúc Thọ Đoàn Tuấn Anh chia sẻ, HĐND huyện sẽ tập trung thực hiện tốt quy chế phối hợp công tác giữa Thường trực HĐND với UBND và Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện, nhất là trong hoạt động TXCT, trực tiếp công dân; tăng phối hợp trong việc tổng hợp, đôn đốc, giám sát việc giải quyết kiến nghị, nhất là nâng cao chất lượng công tác phân loại, tổng hợp ý kiến cử tri. Các kiến nghị của cử tri được tổng hợp gửi đến cơ quan chức năng giải quyết, trả lời phải đảm bảo rõ ràng nội dung, tránh chung chung không đúng thẩm quyền.
Lãnh đạo thị xã Sơn Tây cho rằng, trước hết đại biểu HĐND cần tích cực tìm hiểu tâm tư nguyện vọng cũng như tiếp thu đầy đủ kiến nghị của cử tri tại hội nghị TXCT kết hợp khảo sát thực tế, để nắm chắc tình hình cử tri phản ánh. Tại buổi TXCT, nhất là tiếp xúc trước kỳ họp, cần có lãnh đạo các ban ngành, cơ quan chuyên môn thuộc UBND và chính quyền địa phương tham gia để giải đáp tại chỗ những vấn đề thuộc thẩm quyền, tránh tình trạng đại biểu HĐND chỉ ghi nhận rồi chuyển giao toàn bộ ý kiến cử tri đến cơ quan có trách nhiệm giải quyết. Thường trực HĐND cấp huyện cũng cần thường xuyên tổ chức giám sát trực tiếp với UBND và các cơ quan chuyên môn của UBND trong giải quyết những kiến nghị của cử tri thuộc thẩm quyền; các tổ đại biểu HĐND giám sát UBND cấp xã, phường (đơn vị đại biểu ứng cử) trong việc giải quyết kiến nghị thuộc thẩm quyền.
Theo lãnh đạo các quận, huyện, việc tổng hợp, đôn đốc giám sát giải quyết kiến nghị của cử tri không những tạo gần gũi gắn kết giữa đại biểu HĐND với cử tri mà còn làm cho đại biểu am hiểu hơn đời sống ở cơ sở, trau dồi kinh nghiệm để mang tiếng nói có chất lượng, sát thực tế trong tham gia xây dựng chủ trương, chính sách, nghị quyết của HĐND; tạo sự cộng hưởng, lan tỏa trong dư luận xã hội. Mặt khác, còn góp phần tăng sức ép đối với các kiến nghị sau giám sát, khảo sát của HĐND, tạo dư luận tích cực để các cơ quan chức năng sớm giải quyết, chấn chỉnh những tồn tại thuộc lĩnh vực quản lý. Do đó, việc nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác này là một yêu cầu đòi hỏi HĐND các cấp quan tâm thường xuyên thực hiện.