Một trong những nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu của Kế hoạch là nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội. Theo đó, các bộ, ngành Trung ương, chính quyền địa phương các cấp triển khai các giải pháp tăng cường năng lực tài chính, đảm bảo nguồn vốn cho Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện các chương trình TDCSXH.
Cụ thể, tiếp tục tập trung các nguồn vốn TDCSXH có nguồn gốc từ ngân sách Nhà nước, nguồn vốn có tính chất từ thiện và các nguồn vốn hợp pháp khác vào Ngân hàng Chính sách xã hội; ưu tiên các nguồn vốn ưu đãi thời hạn dài, lãi suất thấp để cải thiện cơ cấu nguồn vốn theo hướng ổn định, bền vững; tạo điều kiện để Ngân hàng Chính sách xã hội mở rộng huy động nguồn vốn từ các tổ chức tín dụng Nhà nước, phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh và từ các tổ chức, cá nhân khác.
Bố trí đủ và kịp thời nguồn vốn TDCSXH theo hướng tích hợp các chương trình TDCSXH trong quyết định đầu tư công, các chương trình mục tiêu quốc gia và các chương trình, dự án khác trong kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2030.
Cân đối, bố trí bảo đảm đủ vốn điều lệ, nguồn vốn hoạt động cho Ngân hàng Chính sách xã hội hằng năm theo quy định để thực hiện các chương trình, dự án TDCSXH đã được ban hành; kịp thời cấp bù lãi suất tín dụng ưu đãi, phí quản lý cho Ngân hàng Chính sách xã hội.
Các địa phương tiếp tục cân đối, ưu tiên bố trí nguồn vốn từ ngân sách địa phương ủy thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội nhằm bổ sung nguồn vốn cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn TDCSXH; hỗ trợ cơ sở vật chất, điều kiện làm việc cho Ngân hàng Chính sách xã hội trên địa bàn các địa phương. Các tỉnh, thành phố ban hành chuẩn nghèo riêng cao hơn chuẩn nghèo quốc gia cần bố trí đủ nguồn lực để cho vay các đối tượng này.
Đẩy mạnh việc gắn kết chính sách TDCSXH với các hoạt động hỗ trợ chuyển giao khoa học và công nghệ, các chương trình khuyến nông, lâm, ngư, diêm nghiệp, đào tạo nghề, các mô hình, chương trình, dự án phát triển kinh tế-xã hội của địa phương để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn TDCSXH.
Xây dựng, lồng ghép mô hình, chương trình, dự án phát triển kinh tế-xã hội, giảm nghèo bền vững của địa phương với việc sử dụng nguồn vốn TDCSXH; chỉ đạo, thực hiện tốt việc điều tra, xác định hộ nghèo, hộ cận nghèo làm cơ sở thực hiện chính sách tín dụng; tăng cường công tác tuyên truyền về TDCSXH của Nhà nước đối với người dân.
Triển khai các giải pháp nâng cao hiệu quả các chương trình tín dụng
Nhiệm vụ và giải pháp khác của Kế hoạch là triển khai các giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội và hiệu quả các chương trình tín dụng.
Cụ thể, nghiên cứu, ban hành Chiến lược phát triển Ngân hàng Chính sách xã hội giai đoạn 2021-2030, làm cơ sở nghiên cứu xây dựng, ban hành, hoàn thiện các quy định liên quan; triển khai tích cực các cơ chế, chính sách, biện pháp để thực hiện các mục tiêu, yêu cầu được xác định trong Chiến lược ngay sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả mô hình tổ chức và phương thức quản lý TDCSXH đặc thù; chủ động đề xuất, tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp, phối hợp chặt chẽ các tổ chức chính trị-xã hội nhận ủy thác trong việc tổ chức triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW và Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư.
Rà soát, cơ cấu lại các chương trình TDCSXH đang thực hiện tại Ngân hàng Chính sách xã hội cho phù hợp với yêu cầu, sự cần thiết; phù hợp với khả năng nguồn lực vốn, bộ máy, tổ chức và nguồn nhân lực của Ngân hàng Chính sách xã hội.
Thường xuyên kiện toàn, củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của hội đồng quản trị và ban đại diện hội đồng quản trị các cấp của Ngân hàng Chính sách xã hội; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát nội bộ; nâng cao chất lượng tín dụng, chất lượng hoạt động của Điểm giao dịch tại các xã, phường, thị trấn, chất lượng hoạt động của các tổ tiết kiệm và vay vốn; chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tổ chức tập huấn, phổ biến quy trình nghiệp vụ theo các quy định của Ngân hàng Chính sách xã hội, của các bộ, ngành có liên quan đến cán bộ, viên chức và người lao động trong đơn vị. Thường xuyên bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp và chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ viên chức, người lao động trong đơn vị, nhất là cán bộ làm công tác TDCSXHở các huyện nghèo, xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc miền núi và biên giới, hải đảo.
Có giải pháp chủ động thực hiện việc huy động, quản lý và sử dụng vốn có hiệu quả. Chú trọng chất lượng tín dụng, chất lượng hoạt động của các tổ tiết kiệm và vay vốn; nâng cao hiệu quả hoạt động của các điểm giao dịch tại các xã, phường, thị trấn; đa dạng hóa và nâng cao chất lượng các sản phẩm dịch vụ ngân hàng, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa ngân hàng, tiến tới hội nhập với hệ thống ngân hàng trong khu vực và trên thế giới, giúp các hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng hiện đại.
Thường xuyên quan tâm phối hợp, chỉ đạo các đơn vị liên quan tăng cường thực hiện công tác kiểm tra, giám sát định kỳ, đột xuất đối với các đơn vị nhận ủy thác để phát hiện tồn tại, có kiến nghị, chấn chỉnh và xử lý kịp thời; hướng dẫn các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác các cấp, các tổ tiết kiệm và vay vốn về quy trình, nghiệp vụ tín dụng chính sách để phối hợp triển khai tại cơ sở.