Nguồn lợi lớn, đầu tiên của người Pháp
Trước khi thực dân Pháp xâm chiếm, triều đình nhà Nguyễn đã thực thi chính sách trọng nông ức thương, bế quan tỏa cảng, hạn chế buôn bán với nước ngoài, đặc biệt là mặt hàng lúa gạo. Năm 1803, vua Gia Long ra sắc dụ cấm xuất khẩu gạo. Năm 1816, nhà vua tiếp tục ban đạo luật cấm ra biển trong đó có cấm xuất khẩu gạo. Các vua kế ngôi của nhà Nguyễn tiếp tục duy trì chủ trương này mặc dù có những đề xuất bãi bỏ.
Tuy nhiên, việc xuất khẩu lậu vẫn diễn ra và triều đình không kiểm soát được. Chính sách cấm đoán xuất khẩu gạo mặc dù biện minh vì lý do chính/an ninh nhưng đã trở thành nguyên nhân kìm hãm sự phát triển kinh tế - xã hội dưới triều Nguyễn. Tình trạng này còn kéo dài ở Bắc Kỳ cho đến tận khi nhà Nguyễn phải chấp nhận ký Hiệp ước Giáp Tuất (1874) và ở Trung Kỳ đến năm 1884 sau khi ký Hiệp ước Patenotre.
Ở Nam Kỳ thì tình trạng này chấm dứt sau khi thực dân Pháp tấn công Gia Định (1859) và từng bước thôn tính các tỉnh miền Đông (1862) rồi toàn bộ vùng Nam Bộ (1867). Người Pháp ngay từ đầu đã nhìn thấy lúa gạo là nguồn lợi lớn nhất, là “chiến lợi phẩm” quan trọng nhất của vùng thuộc địa này và khẩn trương khai thác.
Từ năm 1860, họ đã xuất khẩu những tấn gạo đầu tiên và trong thời kỳ bình định Nam Bộ họ đã vừa đánh vừa vơ vét gạo để xuất khẩu. Từ 1860 - 1866 người Pháp ở Nam Kỳ đã xuất khẩu được 426.003 tấn, trung bình 60.857 tấn/năm. Người Pháp đi đến đâu, lúa gạo ở đó nhanh chóng trở thành hàng xuất khẩu với số lượng ngày càng lớn. Từ 1867 - 1896, Nam Kỳ xuất khẩu được 12.206.836 tấn gạo, trung bình 406.895 tấn/năm, chiếm tới 85% tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam.
Tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của Nam Kỳ những năm 1891 - 1896 đạt 388.551.936 franc, trung bình 64.758.656 franc/năm. Cảng Sài Gòn nhanh chóng trở thành cửa khẩu quan trọng, nhộn nhịp nhất của Việt Nam và Đông Dương.
Để phục vụ cho việc khai thác, xuất khẩu gạo đồng thời với mục đích quân sự, ở Nam Kỳ, từ rất sớm, người Pháp đã cho nạo vét các kênh rạch cũ, đào thêm nhiều kênh rạch mới để chủ động thủy lợi, khai phá thêm diện tích trồng lúa và tạo nên hệ thống giao thông thủy thuận lợi.
Cũng trong thời kỳ này, hoạt động xuất khẩu gạo ở Bắc Kỳ - vựa lúa lớn thứ hai của Việt Nam lại kém hơn nhiều bởi chính sách cấm xuất khẩu của triều đình. Mặc dù vào thập kỷ 1860, thương nhân người Hoa được miễn thuế xuất khẩu gạo qua cảng Hải Phòng vì có công giúp triều đình chống lại các cuộc khởi nghĩa nông dân và cướp biển nhưng tình hình vẫn không khả quan hơn.
Chỉ đến khi nhà Nguyễn phải ký Hiệp ước Giáp Tuất (1874), chấp nhận tự do hóa các tuyến thương mại ở Bắc Kỳ thì việc xuất khẩu gạo mới sôi động hơn. Người Pháp đã can thiệp để chính quyền sở tại của nhà Nguyễn bỏ dần chính sách cấm xuất khẩu gạo. Nhờ đó, đến năm 1880, ở cảng Hải Phòng đã xuất khẩu 25.630 tấn gạo. Đến năm 1881 thì chính sách cấm xuất khẩu gạo được bãi bỏ.
Năm 1884, sau Hiệp ước Patenotre, toàn bộ lãnh thổ Việt Nam nằm dưới sự thống trị của người Pháp. Họ một mặt đẩy mạnh thu gom gạo ở Bắc Kỳ để xuất khẩu dẫn đến tình trạng khan hiếm và giá gạo tăng cao, mặt khác lợi dụng tình trạng này để xuất gạo từ Nam Kỳ ra Bắc Kỳ và Trung Kỳ để hưởng lợi. Năm 1887, mặc dù Bắc Kỳ mất mùa nhưng người Pháp vẫn thu gom, xuất khẩu 1.796 tấn gạo, đồng thời nhập từ Nam Kỳ 45.000 tấn gạo.
Gạo trong chính sách khai thác thuộc địa của người Pháp
Trong chương trình khai thác thuộc địa của người Pháp ở Đông Dương, lúa gạo là mặt hàng quan trọng nhất để đem lại lợi nhuận cho họ. Để tăng sản lượng gạo xuất khẩu, chính quyền thực dân đã có nhiều chính sách cho tư bản Pháp chiếm đoạt đất đai, khuyến khích khai hoang, phát triển kinh tế đồn điền, xây dựng thủy lợi, giao thông, áp dụng khoa học kỹ thuật, và độc chiếm thị trường. Nhờ đó năng suất, sản lượng lúa gạo tăng lên nhiều.
Theo đó, xuất khẩu gạo cũng phát triển nhanh chóng. Tổng lượng gạo xuất khẩu của Đông Dương, mà chủ yếu là Việt Nam, từ 1899 - 1913 là 12.660.000 tấn mà phần lớn từ Nam Kỳ. Từ 1897 - 1913, tổng lượng gạo xuất khẩu của Nam Kỳ là 14.061.697 tấn, trung bình 827.159 tấn/năm trong khi 30 năm trước đó từ 1860 - 1890 chỉ đạt 12.776.603 tấn
. Riêng xuất qua cảng Sài Gòn, từ 637.569 tấn năm 1897 tăng lên 1.179.684 tấn năm 1913; Năm có lượng lúa gạo xuất khẩu cao nhất qua cảng này là năm 1907, với 1.264.143 tấn. Việt Nam lúc này trở thành nước xuất khẩu gạo lớn thứ hai thế giới và Trung Quốc là thị trường lớn nhất. Pháp đã trở thành nước nhập khẩu gạo Việt Nam lớn nhất châu Âu, chiếm khoảng 1/4 lượng gạo xuất khẩu của Nam Kỳ sang thị trường này.
Trong chiến tranh thế giới thứ nhất (1914 - 1918), mặc dù thiên tai liên tục từ 1915 - 1917, sản lượng giảm sút nhưng người Pháp vẫn duy trì ổn định việc xuất khẩu gạo. Nam Kỳ trong giai đoạn này xuất khẩu 6.321.486 tấn gạo, trung bình 1.264.296 tấn/năm. Lợi dụng Pháp tham gia chiến tranh thế giới, thương nhân người Hoa củng cố vị trí của mình trong xuất khẩu gạo ở Việt Nam. Trung Quốc vẫn là thị trường lớn nhất của gạo Việt Nam trong lúc thị trường Pháp và châu Âu giảm sút.
Sau chiến tranh thế giới thứ nhất, người Pháp tiến hành chương trình khai thác thuộc địa lần thứ hai. Nông nghiệp được ưu tiên đầu tư mạnh mẽ, từ 52 triệu franc năm 1924 lên 400 triệu franc năm 1927. Chính quyền thuộc địa tiếp tục tạo điều kiện cho tư bản Pháp và Việt chiếm đoạt và tập trung ruộng đất, phát triển đồn điền, đầu tư thủy nông, kỹ thuật, giống cây trồng, phân bón hóa học các cơ sở hạ tầng. Nhờ đó, diện tích, sản lượng lúa tăng nhanh, thúc đẩy xuất khẩu gạo phát triển.
Tổng sản lượng gạo xuất khẩu từ 1919 - 1929 đạt 14.079.238 tấn, trung bình 1.279.930 tấn/năm; giá trị xuất khẩu đạt 1.673.106.100 franc trong niên hạn 1920 - 1929. Trong niên hạn 1919 - 1923, Nam Kỳ xuất khẩu sang Pháp 368.247 tấn và châu Âu là 230.560 tấn. Bắc Kỳ, trong niên hạn 1919 - 1929, mặc dù sản lượng không cao, nhu cầu thị trường tại chỗ lớn vì đông dân nhưng cũng xuất khẩu được 1.838.167 tấn gạo, trung bình 167.113 tấn/năm.
Gạo xuất khẩu của Việt Nam, từ 1919, bắt đầu phải cạnh tranh quyết liệt với gạo Xiêm, Miến Điện. Nhiều thị trường xuất khẩu truyền thống của gạo Việt Nam giảm sút như Trung Quốc, Indonesia, Philippines.
Cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu 1929 - 1933 đã khiến sức mua giảm sút, giá trượt dốc không phanh đối với gạo Việt Nam. Từ 13,10 franc/tạ vào tháng 4/1930 xuống 5,62 franc/tạ vào tháng 7/1931, rồi 3,2 franc/tạ vào tháng 11/1933 và 1,88 franc vào năm 1934.
Trong niên hạn 1930 - 1935, Nam Kỳ xuất khẩu được 8.965.000 tấn, trung bình 1.280.724 tấn/năm, tổng giá trị là 3.357 triệu franc, bằng 1/3 so với trước khủng hoảng nhưng vẫn chiếm 49,2% tỷ trọng xuất khẩu của Việt Nam. Lúc này, Trung Quốc vẫn là thị trường lớn nhất của gạo Việt Nam.
Năm 1940, Nhật tiến chiếm Việt Nam dẫn đến nhiều biến động đối với xuất khẩu gạo. Người Nhật buộc người Pháp phải cung ứng đủ nhu cầu gạo cho quân đội Nhật. Từ khi Nhật xâm nhập Việt Nam, xuất khẩu gạo đã giảm hẳn. Tổng lượng xuất khẩu gạo từ 1940 - 1945 chỉ đạt 5.071.613 tấn, trung bình 845.249 tấn/năm. Người Nhật cơ bản nắm quyền xuất khẩu gạo của/ở Việt Nam.
Không nghi ngờ, người Pháp ngay từ đầu đã đánh giá đúng về tiềm năng lúa gạo của Việt Nam; đã phá dỡ chính sách bế quan tỏa cảng của nhà Nguyễn, phát triển nông nghiệp, mở rộng xuất khẩu lúa gạo Việt Nam. Nhưng không thể phủ nhận chính sách khai thác thuộc địa của họ đã để lại nhiều đau thương cho nông dân Việt Nam.