70 năm giải phóng Thủ đô

Gạo và thủy sản Việt Nam cần làm gì để đón cơ hội từ TPP?

Chia sẻ Zalo

Ngành thủy sản và gạo nếu được cơ cấu lại sản xuất theo chuỗi chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, có thương hiệu thì cơ hội tốt khi xuất khẩu.

Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) là cơ hội và thách thức lớn cho ngành nông nghiệp Việt Nam. Hai mặt hàng xuất khẩu lớn của Việt Nam là thủy sản và gạo nếu được tái cơ cấu lại sản xuất theo chuỗi chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, có thương hiệu thì sẽ tận dụng tốt cơ hội xuất khẩu. Hiện nay, các doanh nghiệp nông nghiệp chuẩn bị gì cho TPP và cần làm gì để tận dụng tốt cơ hội này?
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Công ty Cổ phần Nông nghiệp Hùng Hậu ở quận Tân Phú, Thành phố Hồ Chí Minh chuyên xuất khẩu các sản phẩm thủy sản  sang thị trường Mỹ, Châu Âu và Nhật. Mỗi năm, công ty  xuất khẩu khoảng 17 triệu đô la Mỹ.  Để tận dụng được tốt về cơ hội xuất khẩu khi TPP có hiệu lực, công ty đã  đầu tư  thêm hàng tỷ  đồng cho dây truyền sản xuất,  nâng công suất hoạt động.   Đồng thời, công ty cũng đầu tư thêm vùng  nguyên liệu  để kiểm soát tốt các chất kháng sinh, vi sinh và truy xuất  được nguồn gốc. 

Ông Từ Thanh Phụng, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Nông nghiệp Hùng Hậu cho biết: “Chúng tôi đang cải tiến quy trình sản xuất, đổi mới công nghệ sản xuất, mở thêm nguồn cung cấp nguyên liệu  đầu vào để truy suất được nguồn gốc sản phẩm, đáp ứng các điều kiện  tiêu chuẩn quy định, gắt gao  của các trong TPP”.

Mặc dù đã đầu tư nhiều cho việc nâng cao chất lượng sản phẩm, nhưng hàng chục năm nay  công ty cũng chưa xuất khẩu trực tiếp được mà phải xuất ủy thác. Cho nên khi TPP có hiệu lực, thuế suất giảm, các doanh nghiệp xuất khẩu với hình thức như đơn vị công ty của ông Phụng cũng chưa được hưởng trực tiếp.

Hiện nay,  3.500 doanh nghiệp nông nghiệp của Việt Nam phần lớn là doanh nghiệp vừa và nhỏ, chưa có thương hiệu lớn nên  cũng chưa có nhiều thâm nhập được vào hệ thống phân phối trực tiếp, không chi phối được sản xuất và thị trường. Cái  khó nữa của các doanh nghiệp xuất khẩu  không chỉ đối mặt với  việc bị kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ  thương mại mà còn phải đối mặt với các hàng rào kỹ thuật. 

Đáng nói, là trong 9 tháng qua, các sản phẩm thủy sản của Việt Nam xuất khẩu bị trả lại tăng nhiều so với năm trước do lỗi về bao bì, nhãn hiệu, các tiêu chuẩn đo lường về chất lượng chất vi sinh, kháng sinh…  Vậy khi tham gia TPP các doanh nghiệp cần cập nhập  thêm nhiều thông tin về  quy định này. Thạc sĩ Nguyễn Hoàng Dũng, Giám đốc nghiên cứu và phát triển Viện Kinh tế và Quản lý TP Hồ Chí Minh cho biết: “Cái vướng nhất của doanh nghiệp là thông tin. Việc gắn kết giữa các cơ quan Chính phủ  với doanh nghiệp cần chặt chẽ hơn để thông tin kịp thời để doanh nghiệp thích ứng kịp thời khi môi trường thế giới  thay đổi. TPP có mặt hàng bỏ thuế  suất ngay lập tức nhưng có mặt hàng chúng ta vẫn được trì hoãn. Vì vậy doanh nghiệp phải bắt đầu thay đổi từ bây giờ”.

Tuy nhiên, điều đáng nói là về mặt hàng  gạo thì hiện nay Việt Nam chưa có thương hiệu gạo Việt Nam trên thị trường quốc tế. Trước điểm yếu này, các chuyên gia kinh tế cho rằng, cùng với việc quy hoạch lại sản xuất, đầu tư giống, xây dựng thương hiệu thì ngành nông nghiệp phải  tận  dụng thị trường để nâng cao giá trị cho hạt gạo Việt Nam. Trong đó, sản xuất, xuất khẩu gạo theo hướng gạo đặc sản, gạo hữu cơ…

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Đình Bích cho rằng: “Trong thời gian đàm phán TPP, nhiều doanh nghiệp nghiệp Nhật vào Việt Nam tìm kiếm cơ hội làm gạo Nhật theo quy trình, chất lượng Nhật với giá cao. Thị trường  Mỹ,  Nhật, Úc tất cả thị trường có tiêu dùng gạo họ rất quan tâm đến thị trường ngách này”.

Chính vì vậy mà khi tham gia TPP  để tận dụng được cơ hội  và vượt qua thách thức thì không còn cách nào khác là ngành nông nghiệp phải tái cơ lại sản xuất. Trong đó, các sản phẩm nông nghiệp  phải  sản xuất theo chuỗi, tạo được lợi thế cạnh tranh về giá cả, chất lượng, kiểm soát tốt an toàn vệ sinh thực phẩm. Đồng thời, cả doanh nghiệp và nông dân phải  liên kết chứ  không thể cách làm ăn manh mún như trước đây. Người nông dân không thể tham gia sân chơi TPP bằng sản xuất hộ cá thể.

Điều quan trọng nữa Nhà nước phải khuyến khích, thu hút  doanh nghiệp lớn đầu tư vào nông nghiệp theo cả chuỗi.  Đặc biệt là ngành chức năng phải giải quyết tồn tại lớn nhất của ngành nông nghiệp Việt Nam  là an toàn vệ sinh thực phẩm.

Tiến sĩ Hà Công Tuấn – Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: “Chúng tôi đang tập trung từ năm 2015 và các năm sau giải quyết căn bản về vệ sinh chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm, trong tập trung tập trung là thức ăn chăn nuôi  kể cả chăn nuôi trên cạn và dưới nước”.

TPP là “liều thuốc  thử” cho tái cơ cấu nông nghiệp.  Nếu tái cơ cấu nông nghiệp có hiệu quả thì  doanh  nghiệp  và nông dân sẽ  tận dụng được cơ hội của TPP và  nhanh chóng vượt qua thách thức để ngành nông nghiệp tiến nhanh hơn trong hội nhập kinh tế quốc tế.