Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, hiện cả nước có 4,1 triệu hecta đất trồng lúa trong đó vùng Đồng bằng sông Cửu Long chiếm 53% diện tích. Năm 2014 tổng sản lượng lúa đạt 45 triệu tấn, xuất khẩu hơn 6,3 triệu tấn gạo, giá trị 2,93 tỷ USD. Việt Nam đứng thứ ba thế giới về xuất khẩu gạo sau Ấn Độ và Thái Lan.
Mặc dù đạt được nhiều thành tựu nhưng ngành lúa gạo Việt Nam vẫn còn đứng trước nhiều thách thức. Cụ thể, sản xuất chủ yếu là nông hộ quy mô nhỏ, hơn 85% số hộ gia đình có quy mô dưới 0,5ha/hộ trong khi đó về tổ chức sản xuất như HTX, tổ, nhóm sản xuất theo hợp đồng còn hạn chế dẫn đến những khó khăn về quản lý chất lượng, hiệu quả sản xuất của nông dân thấp.
Ông Võ Thành Đô – Phó Cục trưởng Cục Chế biến nông lâm sản và nghề muối (Bộ NN&PTNT) cho biết, cơ cấu giống lúa đa dạng nhưng thiếu các giống lúa chủ lực, có chất lượng cao để hình thành các sản phẩm mũi nhọn, tiếp cận hiệu quả vào thị trường quốc tế.
Trong khi đó, các nước Thái Lan, Ấn Độ đều có sản phẩm gạo mang thương hiệu quốc gia nhiều năm nay và đang có chỗ đứng vững chắc trên thị trường. Hiện tại, giá gạo Thái Lan xuất khẩu khoảng 1.000 USD/tấn. Sau khi cộng thêm thuế nhập khẩu và phí vận chuyển, giá bán lẻ vào khoảng 10 USD/kg hoặc hơn. Nếu thấp hơn mức giá này thì khả năng là gạo Jasmine Thái giả.
Tuy nhiên, theo thống kê của Bộ NN&PTNT, giá gạo xuất khẩu bình quân 7 tháng đầu năm 2015 đạt 429,07 USD/tấn, giảm 5,33% so với cùng kỳ năm 2014.
Ảnh minh họa.
|