Chính sách mới của Ấn Độ đẩy giá gạo thế giới lên cao
Thông tin từ Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ cho biết, ngày 8/9, Tổng cục Ngoại Thương Ấn Độ ban hành thông báo, quyết định cấm xuất khẩu gạo tấm, mã HS 1006 4.000, có hiệu lực kể từ ngày 9/9/2022.
Theo thông báo, một số lô hàng tiếp tục được xuất khẩu đến ngày 15/9 nếu đáp ứng được một trong các điều kiện: Hàng bắt đầu được xếp lên tàu trước khi có thông báo này; hóa đơn vận chuyển đã xuất và tàu đã cập bến, neo đậu tại cảng của Ấn Độ và số thứ tự xếp hàng của tàu đã được phân bổ; lô hàng đã được chuyển cho Hải quan trước khi có thông báo và đã được Hải quan đăng ký trên hệ thống.
Ngoài ra, ngày 8/9, Bộ Tài chính Ấn Độ cũng ban hành thông báo về việc áp thuế xuất khẩu 20% đối với một số loại thóc gạo như: Thóc (HS 100610), gạo lứt và các loại gạo khác trừ gạo đồ, gạo Basmati. Quyết định có hiệu lực kể từ ngày 9/9.
Nguyên nhân Ấn Độ hạn chế xuất khẩu là do hạn hán, mất mùa có thể ảnh hưởng đến an ninh lương thực nội địa. Sự sụt giảm lượng gạo xuất khẩu từ quốc gia này sẽ làm tăng áp lực lên giá lương thực, vốn đang có xu hướng tăng trên thế giới do hạn hán và ảnh hưởng của xung đột Nga - Ukraine. Động thái hạn chế xuất khẩu gạo của Ấn Độ dự báo tạo hiệu ứng đẩy giá gạo toàn cầu lên cao.
Đồng thời, việc cấm xuất khẩu gạo tấm (nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi) sẽ đẩy giá thức ăn chăn nuôi tăng lên, đặc biệt tại các thị trường nhập khẩu chính loại sản phẩm này như: Trung Quốc đã nhập 1,1 triệu tấn và Việt Nam đã nhập 433.000 tấn năm 2021.
Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ khuyến nghị các DN Việt Nam đã ký hợp đồng với các đối tác Ấn Độ cần nhanh chóng liên hệ với người bán để kiểm tra tình trạng giao hàng và đàm phán lại hợp đồng với những lô hàng chưa xuất khẩu. Đại diện Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ nhận định, quyết định cấm xuất khẩu một số loại gạo Ấn Độ đang khiến nhiều DN xuất khẩu gạo trên thế giới, trong đó có DN Việt Nam bất ngờ.
Bởi, quốc gia này xuất khẩu gạo nhiều nhất thế giới với thị phần áp đảo các đối thủ cạnh tranh. Với chính sách mới này của Ấn Độ có thể đẩy giá gạo trên thị trường thế giới tăng cao. Đặc biệt, việc áp thuế xuất khẩu 20% sẽ không khuyến khích người mua mua hàng từ Ấn Độ và khiến họ chuyển hướng sang các đối tác khác như Thái Lan, Việt Nam.
Gạo xuất khẩu Việt Nam hưởng lợi
Chính sách mới của Ấn Độ đã ngay lập tức tác động đến thị trường gạo thế giới. Khảo sát tại các sàn giao dịch lớn cho thấy, giá chào bán gạo xuất khẩu Việt Nam đang ở đà tăng mạnh. Ngày 15/9, giá gạo 5% tấm được chào bán ở mức 400 USD/tấn, tăng 7 USD/tấn. Trong khi đó, gạo 25% tấm và 100% tấm giữ ổn định ở mức 378 USD/tấn và 383 USD/tấn.
Tại thị trường trong nước cũng ghi nhận giá các mặt hàng gạo nguyên liệu, thành phẩm tiếp tục tăng. Cụ thể, ngày 15/9, giá gạo nguyên liệu IR 504 đang ở mức 8.250 - 8.300 đồng/kg, tăng 50 đồng/kg; gạo thành phẩm IR 504 8.850 - 8.900 đồng/kg, tăng 50 - 100 đồng/kg. Giá tấm ở mức 8.400 - 8.500 đồng/kg, tăng 50 đồng/kg, giá cám khô 7.750 - 7.850 đồng/kg, tăng 150 đồng/kg.
Trong khi đó, tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, thị trường lúa Thu Đông giao dịch đều, giá lúa tăng nhẹ. Đặc biệt, giao dịch gạo nếp sôi động, giá cao, nguồn hàng ít, nhu cầu nhiều.
Chia sẻ về tình hình mua, bán gạo những ngày gần đây, Giám đốc Công ty TNHH Vrice Group Phan Văn Có cho hay, hiện tại, giá gạo trong nước đang được thu mua tăng từ 200 - 300 đồng/kg so với 1 truần trước đó. Với đơn hàng mới, hiện DN đang tạm ngưng ký thêm các hợp đồng gạo trắng và tấm do giá đang lên, khả năng 5 - 7 ngày tới, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam sẽ chào bán tăng 15 - 20 USD/tấn.
Theo đánh giá của Hiệp hội Lương thực Việt Nam, nhu cầu với gạo Việt ngày càng tăng có thể thúc đẩy giá gạo tăng theo. Hiện, Việt Nam vẫn đứng sau Ấn Độ và Thái Lan về xuất khẩu gạo sang các thị trường toàn cầu. Tuy nhiên, nguồn cung ở các nước này đang thiếu hụt hơn so với Việt Nam và gạo Việt Nam ngày càng có lợi thế cạnh tranh hơn so với đối thủ Thái Lan. Nhiều thương nhân Thái cũng đang lo ngại trước sức cạnh tranh của gạo Việt khiến Thái Lan có thể bị mất thị phần.
Phân tích về cơ hội đối với các DN xuất khẩu gạo Việt Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam Đỗ Hà Nam cho biết, Ấn Độ đang xuất khẩu gạo tới hơn 150 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Do đó, sự sụt giảm lượng gạo xuất khẩu từ quốc gia này sẽ làm tăng áp lực lên giá lương thực vốn đang có xu hướng tăng trên thế giới do hạn hán và ảnh hưởng của xung đột Nga - Ukraine.
Sự sụt giảm số lượng gạo xuất khẩu từ Ấn Độ sẽ tạo cơ hội để các DN xuất khẩu gạo Việt Nam tăng xuất khẩu gạo ra thị trường thế giới và tăng giá gạo xuất khẩu trong thời gian tới. Hiện, nhiều DN gạo Việt Nam đang ngưng chào bán do dự báo giá sẽ tăng nhanh trong thời gian tới.
Hiện thực hóa mục tiêu xuất khẩu gạo năm 2022
Bày tỏ sự lạc quan về thị trường lúa, gạo, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhận định, giá lúa trong nước đang tăng là điều đáng mừng cho người nông dân, bởi vụ Hè Thu, giá lúa thấp, bà con bị lỗ nên rất cần giá lúa lên.
Khi giá lúa tốt hơn sẽ tạo động lực để người nông dân đầu tư cho vụ Đông Xuân 2022 -2023 sắp tới cũng là vụ lúa chính trong năm. Giá lúa gạo tăng cũng giúp Việt Nam sớm đạt mục tiêu xuất khẩu gạo trong năm 2022 sản lượng 6,3 tấn, trị giá 3,3 tỷ USD.
Theo số liệu thống kê của Bộ NN&PTNT, 8 tháng năm 2022, Việt Nam xuất khẩu 4,8 triệu tấn gạo, trị giá 2,33 tỷ USD, tăng 20,7% về lượng và tăng 9,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
Dự báo đến tháng 10, khi các nước đã thu hoạch xong vụ lúa, chính phủ nhiều nước sẽ nhập khẩu gạo trở lại, khi đó khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cũng bắt đầu thu hoạch lúa Thu Đông, chất lượng gạo tốt cộng với nhu cầu thị trường mạnh sẽ giúp giá lúa gạo tăng lên.
Hiện, gạo Việt Nam đã tìm được chỗ đứng ở các thị trường mới, cao cấp như Mỹ, châu Âu... Đặc biệt, Nhật Bản đã chính thức nhập khẩu 100 tấn gạo ST25 đầu tiên của Việt Nam để bán tại các siêu thị, cửa hàng... Trong khi đó, nguồn cung lúa mì, ngũ cốc trên thế giới đang khan hiếm nên nhu cầu nhập khẩu gạo từ Việt Nam trên thị trường rất cao.
Nhằm hỗ trợ DN chủ động phương án xuất khẩu gạo và tận dụng những lợi thế hiện có, Bộ NN&PTNT đang phối hợp với Bộ Công Thương liên tục cập nhật diễn biến thị trường, thường xuyên cung cấp thông tin cho DN. Thời gian tới, Bộ NN&PTNT tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu ngành sản xuất lúa gạo theo hướng nâng cao giá trị; đồng thời phối hợp với các địa phương, DN tập trung xây dựng thương hiệu cho ngành hàng lúa gạo Việt Nam.
Để đạt mục tiêu về đích xuất khẩu gạo năm 2022 với 6,3 triệu tấn, trị giá 3,3 tỷ USD, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh đề nghị Hiệp hội Lương thực Việt Nam và các DN xuất khẩu gạo cần tiếp tục đảm bảo việc thu mua lúa gạo cho nông dân, không để lúa gạo tắc đầu ra sau thu hoạch. Đặc biệt, DN cần nâng cao chất lượng gạo, đảm bảo các yêu cầu về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, kiểm dịch thực vật, truy xuất nguồn gốc để tận dụng tối đa ưu đãi từ các hiệp định thương mại tự do.
Năm 2007, khi Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo, giá gạo toàn cầu tăng lên mức cao kỷ lục vào khoảng 1.000 USD/tấn. Xuất khẩu gạo của Ấn Độ đạt mức kỷ lục 21,5 triệu tấn vào năm 2021, nhiều hơn tổng khối lượng gạo của 4 nước xuất khẩu lớn cộng lại, gồm: Thái Lan, Việt Nam, Pakistan và Mỹ. Sản lượng hàng năm của Việt Nam ở vị trí thứ 3 xuất khẩu gạo thế giới, tương đương 6 - 6,5 triệu tấn, bằng 30% của Ấn Độ.