Gặp Anh hùng Việt Nam ở Hy Lạp

Bài, ảnh: Trung Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Một cuộc gặp với nhiều ấn tượng, cảm xúc trong chuyến thăm và làm việc của Đoàn đại biểu TP Hà Nội tại Hy Lạp vừa qua là, chúng tôi được Đại sứ quán Việt Nam bố trí đến thăm Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân Việt Nam Kostas Sarantidis Nguyễn Văn Lập. Thú thực, khi nghe thông tin này, tôi cứ thắc mắc, tại sao tên gọi lại vừa tên tây, vừa tên ta...

Chiều 16/8/2019, theo kế hoạch, Phó Chủ tịch HĐND TP Phùng Thị Hồng Hà và các thành viên trong đoàn khởi hành ra ngoại ô Athens. Dự kiến, phải đi khoảng một giờ đồng hồ thì đến nơi. Đến khu đô thị thấp tầng ngoại ô Athens, lái xe người bản địa cứ đi tới, đi lui, không tìm ra nhà.
Bí thư Đại sứ quán Nguyễn Khắc Ứng đi cùng đoàn phán một câu: “Ở đâu có quốc kỳ Việt Nam thì ở đó là nhà bác Lập”. Chỉ vài phút sau, giữa một con phố khá khang trang, rộng rãi, xuất hiện lá cờ đỏ sao vàng 5 cánh đang tung bay. Nhà của Anh hùng Nguyễn Văn Lập đây rồi.
Đoàn đại biểu TP Hà Nội thăm Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân Việt Nam Kostas Sarantidis Nguyễn Văn Lập. 
Đi cầu thang bộ, đến tầng 3 chúng tôi đã nghe giọng Việt trầm, ấm: “Nhà bác ở tầng 4 đây!”. Tiếp chúng tôi là một người Hy Lạp cao lớn, mặc dù đã già nhưng trông vẫn còn khá phương phi, khỏe mạnh. Bác đứng ngay cửa, hồ hởi, vui vẻ, nồng nhiệt ôm từng người một trước khi bước vào nhà.
Nhà bác Lập là một căn hộ có không gian thuần Việt, từ bằng khen, tranh ảnh, vật lưu niệm, sách... đều từ Việt Nam. Ai cũng ngạc nhiên và ấn tượng bởi khung cảnh đó. Khỏi phải nói niềm vui của bác khi được gặp đoàn từ Việt Nam sang. Bác cho biết: Sáng nay phải đi 150km, từ nhà con gái về đây để gặp đoàn, mặc dù một tuần bác phải chạy thận 3 lần. Cả đoàn ai cũng xúc động vì sự đón tiếp nồng hậu của bác.
Bác cho biết, trở về Hy Lạp năm 1965 để chăm sóc mẹ già, nhưng vẫn luôn một lòng hướng về Việt Nam. Hàng ngày bác vẫn theo dõi qua hệ thống internet, Fecebook... để biết tình hình thời sự Việt Nam. Lúc còn khỏe, bác còn tham gia các hoạt động từ thiện để ủng hộ Nhân dân Việt Nam. Bác tham gia vào Đảng Cộng sản Hy Lạp và làm đầu mối liên lạc giữa hai chính phủ với nhiều việc làm cụ thể vun đắp mối quan hệ quốc tế giữa hai nhà nước Việt Nam – Hy Lạp. Bác tâm sự: “Việt Nam luôn ở trong trái tim tôi”.
Bác rất nhớ anh em, đồng chí ở Việt Nam, nhớ mỗi địa danh, mỗi con đường, nhớ Thủ đô Hà Nội, nhớ Đại tướng Võ Nguyên Giáp... Nắm được tin tức hàng ngày, bác buồn, vui lẫn lộn. Vui vì Việt Nam đổi mới, đời sống người dân khấm khá hơn; buồn vì nhiều chuyện, nhiều việc không tốt vẫn còn xảy ra... Về tình hình Biển Đông, bác trầm ngâm: “Bạn có khi lại biến thành thù, còn thù có khi lại thành bạn...”. Chúng tôi đều lặng người bởi tấm lòng đau đáu vì nước Việt của Bác.

Phó Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Phùng Thị Hồng Hà trò chuyện với Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân Việt Nam Kostas Sarantidis Nguyễn Văn Lập.
Thời gian cuộc gặp không nhiều, bác cầm tay từng người, thăm hỏi, trò chuyện. Nhắc chuyện Việt Nam, bác lại lặng người xúc động, rơm rớm nước mắt. Chúng tôi cũng không chịu nổi trước những giọt nước mắt của một ông già 92 tuổi...
Tất cả các thành viên trong đoàn đều xúc động vì chứng kiến một người Hy Lạp đã dành trọn thời trai trẻ của mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc của nước Việt Nam. Giờ đây, sau 54 năm rời Việt Nam, tình cảm, lòng yêu đất Việt của người Anh hùng ấy vẫn nguyên vẹn như xưa!
Thời gian trôi nhanh, chúng tôi đều xin được chụp một tấm ảnh riêng trước khi từ biệt người Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân Kostas Sarantidis Nguyễn Văn Lập. Khi viết những dòng này, tôi lại tự vấn lòng mình và tự hỏi: Tại sao một người Hy Lạp mà yêu nước Việt đến thế? 

Từ tù nhân trại tập trung phát xít, năm 1946, ông Kostas Sarantidis Nguyễn Văn Lập trở thành “Bộ đội Cụ Hồ”. Tháng 4/1946, ông đã cùng 25 cán bộ, đồng bào bị địch bắt đào thoát sang hàng ngũ Việt Minh. Từ năm 1946 - 1952, ông tham gia chiến đấu dũng cảm ở nhiều đơn vị, lập nhiều chiến công xuất sắc.

Năm 1949, ông vinh dự được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Từ năm 1953 - 1954, ông được giao nhiệm vụ làm Tổng Giám thị Trại tù hàng binh số 3. Năm 1955, ông được điều ra miền Bắc và làm nhiều công tác khác nhau, ở cương vị nào ông cũng đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.