Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Gập ghềnh con đường hòa nhập của trẻ có HIV

Hồ Hạ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Một ngày trải nghiệm cùng các em nhỏ Trung tâm Chữa bệnh, giáo dục, lao động xã hội số 2, huyện Ba Vì, TP Hà Nội (Trung tâm) trong chương trình “Hành trình yêu thương 2”, nhân dịp Quốc tế Thiếu nhi 1/6 do Chi đoàn Sở Du lịch Hà Nội phối hợp với Chi đoàn Sở LĐTB&XH và Chi đoàn báo Kinh tế & Đô thị tổ chức mới đây, chúng tôi mới thấm thía những thiệt thòi vô hạn và con đường hòa nhập cộng đồng đầy gập ghềnh, trắc trở của trẻ em có HIV.

Hành trình đong đầy yêu thương

5 giờ sáng 30/5, chúng tôi lên chiếc xe ô tô 45 chỗ màu đỏ từ trung tâm Thủ đô tới xã Yên Bài, huyện Ba Vì đón các em nhỏ đi xem phim, tham quan Văn Miếu – Quốc Tử Giám, ăn trưa và tham quan Bảo tàng Dân tộc học. Vừa bước xuống xe, Giám đốc Trung tâm Phạm Đình Giang cho biết: “Từ tối hôm qua, các con đã rất háo hức chuẩn bị đồng phục, mũ nón. Sáng nay (sáng 30/5 - PV), nhiều bé dậy từ 5 giờ để mong được đi chơi”.

Các bé nghe thuyết minh trước Khuê Văn Các trong Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Ảnh: Hồ Hạ

Trên xe, các bé chăm chú nhìn ra ngoài cửa sổ rồi bàn luận về những cây cầu vượt, hàng điệp vàng, bằng lăng tím hay phượng đỏ và cả loài hoa muồng hoàng yến chúng chưa từng nhìn thấy. Chúng tôi nhắc các em kéo rèm cho ánh nắng khỏi hắt vào mặt, nhưng mẹ Nhung (tên các bé thường gọi Phó trưởng Phòng Chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ Đỗ Thị Nhung) ngăn lại và thì thầm: “Đừng! Hãy để các con tự nhiên. Nếu không phải là những dịp đặc biệt như thế này thì cơ hội duy nhất để các con ra ngoài Trung tâm là đi bệnh viện. Đối với chúng, được ra khỏi Trung tâm, bấu vào cửa sổ ngắm nhìn phố phường đã là một niềm hạnh phúc”. Nghe vậy, chúng tôi lặng thinh, hai mắt cay xè.

Xe dừng trước của Trung tâm Văn hóa Kim Đồng, dù các bé không hò reo, nhưng ánh mắt thể hiện sự tò mò, háo hức đến tột độ. “Dù năm nào các bé cũng được đi tham quan, nhưng xem phim cũng đã cách đây 3 năm rồi”, cô Nhung chia sẻ. Hẳn thế nên dù nhạc hiệu kết thúc phim đã vang lên nhưng các bé vẫn ngồi xem đến khi màn hình tắt mới ra khỏi phòng chiếu. Từ lúc đó tới khi xe dừng trước cổng Văn Miếu – Quốc Tử Giám, chúng rôm rả luận bàn về các nhân vật mình yêu thích trong bom tấn “Biệt đội rừng xanh” của điện ảnh Hollywood.

Sau hơn 1 giờ tham quan Văn Miếu – Quốc Tử Giám, cả đoàn đi bộ sang nhà hàng Phủi Quán (số 8, ngõ Hàng Bột) để thưởng thức những món ăn độc và lạ ở đây. Nhưng, điều đặc biệt nhất đối với các bé có lẽ là câu chuyện của anh Tuấn - Tổng quản lý chuỗi nhà hàng Phủi Quán chia sẻ. Cách đây 31 năm, anh cũng mồ côi cả cha lẫn mẹ, may mắn được anh chị nuôi ăn học đến năm 12 tuổi. Sau đó, Tuấn phải tự mình đi bốc vác, xách hồ để có cái ăn, cái mặc. Vậy mà, anh xuất sắc đỗ cả 3 trường: Học viện Kỹ thuật Quân sự, Đại học Sư Phạm và Đại học Văn hóa. Lựa chọn Đại học Văn hóa để theo học, ra trường, sau 2 năm làm hướng dẫn viên thì được thăng chức làm Phó phòng, rồi Trưởng phòng marketting của Công ty Lữ hành Hanoitourist. Sau đó, Tuấn chuyển hướng sang ngành nhà hàng, khách sạn. Đầu tiên, anh làm bưng bê, rồi lên Tổ trưởng, Giám sát, sau 6 năm, anh đã làm Tổng quản lý cho 4 đơn vị. Anh khuyên các bé: “Hãy sống như đóa sen, thành công sẽ đến nếu các em quyết tâm đi lên bằng đôi chân, làm việc bằng suy nghĩ và thể hiện năng lực bằng đôi tay. Đặc biệt, chuỗi nhà hàng Phủi Quán luôn mở rộng vòng tay đón tất cả các em đến làm việc, chỉ cần các em yêu nghề, có đam mê và nghị lực”. Câu chuyện chân thực ấy đã tiếp thêm niềm tin, hy vọng, cho các bé nỗ lực và phấn đấu vươn lên vì một tương lai tươi sáng.

Sau bữa trưa, cả đoàn tham quan Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam. Ở đây, các em tỏ ra am hiểu về văn hóa, lịch sử, đất nước con người Việt Nam. Nhìn những cô bé, cậu bé gầy gò sảng khoái cười đùa khi hòa mình vào các trò chơi dân gian, chúng tôi tự hứa, nhất định sẽ tổ chức nhiều hơn những chương trình như thế này cho các em.

Còn những rào cản

Thực ra, HIV cũng giống như bệnh Viêm gan B hay Viêm gan C do virus gây nên, nhưng vì con đường lây nhiễm có liên quan đến tệ nạn xã hội và chưa có thuốc chữa nên nhiều người cảm thấy căm ghét nó. Các bé ở đây đều bị lây từ mẹ sang con. Việc lây bệnh qua quan hệ tình dục và tiếp xúc trực tiếp giữa máu của người có HIV với vết thương hở rất khó xảy ra với các bé. “Minh chứng là chúng tôi từng nhiều lần sơ cứu cho các bé nhưng chưa ai bị lây nhiễm” - chị Nhung khẳng định.

Tuy nhiên, vì chưa nhận thức đúng bản chất nên trong xã hội vẫn còn hiện tượng kỳ thị các bệnh nhi có HIV. Bởi vậy, các bé bị kỳ thị, phải học tập ngay tại Trung tâm chứ không được tới trường như bạn bè cùng trang lứa. Khi qua 18 tuổi, các con sẽ được ra ngoài sinh sống nếu có khả năng hòa nhập và tự nuôi sống bản thân. Nhưng, phải là người rất xuất sắc mới làm được điều đó. Trung tâm đã có 4 cháu trên 18 tuổi nhưng chỉ có 1 bạn nữ thực sự đủ khả năng tái hòa nhập với cộng đồng. 1 bạn khác đã đi làm ở ngoài nhưng vẫn thuộc quân số ở Trung tâm. 1 bé đang học lớp 11, còn 1 bạn chưa tìm được công việc thích hợp nên vẫn được Trung tâm nuôi dưỡng. “Con đường hòa nhập cộng động của các bé vô cùng gập ghềnh vì ở nông thôn thì không thể tìm được việc còn ở nội thành chi phí quá đắt đỏ. Mặt khác, muốn duy trì sự sống phải tuân thủ nghiêm ngặt việc uống thuốc và trị liệu. Theo đánh giá của chúng tôi, các thế hệ sau này sẽ có nhiều em phải sống ở Trung tâm khi đã 18 tuổi vì hiếm có cá nhân xuất sắc” - chị Nhung buồn rầu tâm sự.
 Các bé chơi trò đi cầu thăng bằng tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam. Ảnh: Hồ Hạ

Ông Giang cho biết, các bé ở Trung tâm thường mang tâm lý lo sợ về sự đau đớn của bệnh, về sự xa lánh và sự phân biệt đối xử của những người xung quanh. Mặt khác, các em thường thiếu thốn tình cảm ruột thịt và nhận được ít tình thương yêu, sự vuốt ve như các trẻ nhỏ khác, nên thường cảm thấy buồn tủi, chán nản và sống khép mình. Có trường hợp, bé 3 tuổi được bố đưa lên Trung tâm rồi bỏ về mà không nói gì với con khiến bé bị sốc. Bé rối loạn thần kinh và tiêu hóa, có thể đi vệ sinh bất cứ lúc nào. Sau đó, chúng tôi phải kết hợp với bố cháu áp dụng nhiều phương pháp trị liệu một thời gian dài mới ổn định trở lại. Chính vì thế, các bố mẹ làm việc ở Trung tâm đều coi các bé như con ruột của chính mình.

Theo ông Giang, sự vào cuộc tích cực của các cơ quan chức năng thời gian qua đã từng bước làm thay đổi nhận thức của cộng đồng, xã hội về công tác phòng chống HIV/AIDS. Những rào cản, với trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS đã từng bước được khắc phục. Tuy nhiên, để các bé có thể ra ngoài, học tập, làm việc và hòa nhập là cả một chặng đường dài và khó khăn. Ngay như việc Trung tâm mong muốn cho các bé được theo học ở trường Tiểu học Yên Bài B nhưng mãi vẫn chưa được. “Điều khiến chúng tôi lo lắng nhất hiện nay không phải là cơ sở vật chất hay tiền bạc mà là làm sao để toàn xã hội chung tay tạo điều kiện tốt nhất cho các con được đi học ở trường như bạn bè cùng trang lứa và tạo lập được cuộc sống khi đã trưởng thành. Bởi, nếu sống lành mạnh và uống thuốc đầy đủ, các con không khác gì người bình thường và không bị hạn chế về nghề nghiệp, đời sống tinh thần, đời sống hôn nhân gia đình” - ông Giang trăn trở.

Quả thực, mồ côi hay bị bỏ rơi đã là thiệt thòi vô cùng, vậy mà các em nhỏ không may bị nhiễm HIV còn bị những ánh nhìn không thiện cảm khiến chúng càng tự ti và nhút nhát. Vì vậy, để giúp đỡ các em tự tin, vươn lên hòa nhập cộng đồng, rất cần sự bao dung, quan tâm, chia sẻ của toàn xã hội. Đặc biệt là những cơ quan, tổ chức, doanh nhân, nhà quản lý luôn giang rộng vòng tay đón nhận các bé có HIV vào làm việc.